1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Hé lộ lý do giá xăng giảm mạnh xuống 22.000 đồng/lít

Ghi Du

(Dân trí) - Giá thành phẩm xăng dầu thế giới lao dốc khiến giá xăng trong nước giảm mạnh. Thực tế, giá xăng có thể giảm hơn 1.000 đồng/lít nếu cơ quan quản lý không trích lập quỹ bình ổn.

Từ chiều 21/3, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương quyết định điều chỉnh giảm 780 đồng/lít đối với cả xăng E5 RON 92 và xăng RON 95. Sau khi giảm, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 22.020 đồng/lít và xăng RON 95 là 23.030 đồng/lít.

Lý do giá xăng giảm sốc, theo cơ quan quản lý, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 13/3 đến 21/3) chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố: báo cáo lạm phát của Mỹ và lo ngại về việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed); mối lo ngại về biến cố của một số ngân hàng ở Mỹ và châu Âu có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Bộ Công Thương đánh giá các yếu tố này tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là giảm.

Cụ thể, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá là 92,2 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (giảm 4,1 USD/thùng, tương đương giảm 4,3% so với kỳ trước); 96,5 USD/thùng xăng RON 95 (giảm 3,7 USD/thùng, tương đương giảm 3,7%).

Hé lộ lý do giá xăng giảm mạnh xuống 22.000 đồng/lít - 1

Giá xăng giảm sốc, doanh nghiệp bán lẻ càng lo chiết khấu (Ảnh: Mạnh Quân).

Thực tế, giá xăng tại phiên điều chỉnh ngày 21/3 đã có thể giảm ít hơn nếu cơ quan quản lý không tác động tới quỹ bình ổn xăng dầu. Tuy nhiên, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đã thực hiện trích lập quỹ bình ổn giá đối với xăng E5 RON 92 và RON 95 ở mức 300 đồng/lít.

Liên bộ cho rằng việc giảm giá xăng góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

Hiện tại, dư địa quỹ bình ổn xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối tiếp tục dương lớn. Tính đến 13/3, Petrolimex dương 2.290 tỷ đồng, PVOil âm 411 tỷ đồng, Saigon Petro 301 tỷ đồng, Petimex là 382 tỷ đồng...

Liên quan đến việc dự trữ quốc gia về xăng dầu, Bộ Công Thương mới đây đề xuất giai đoạn năm 2023-2025, nâng mức dự trữ từ 9 ngày nhập ròng hiện nay lên 15 ngày và trong giai đoạn 2026-2030 tiếp tục nâng lên 30 ngày nhập ròng.

Để thực hiện phương án này, ngân sách Nhà nước cần bố trí tối thiểu 4.100 tỷ đồng/năm để mua xăng dầu dự trữ. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tài chính, mức kinh phí trên vượt quá khả năng cân đối ngân sách Nhà nước. Hiện nay, ngân sách Nhà nước mới bố trí được khoảng 1.500 tỷ đồng/năm để mua hàng cho toàn ngành dự trữ quốc gia.