1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Kinh tế thị trường: Việt Nam đã đi đúng hướng

(Dân trí)- “Rõ ràng đã có nhiều tiến triển hướng tới việc đạt được Quy chế nền kinh tế thị trường. Mặc dù vẫn còn cần thêm một số nỗ lực, nhưng Việt Nam đã đi đúng hướng”

Ông Fritz - Harald Wenig, Cục trưởng Cục các biện pháp Bảo vệ thương mại thuộc Tổng cục Thương mại của Uỷ ban châu Âu (EU) khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với báo giới tại Hà Nội, chiều 9/3.

 

Theo đánh giá của ông Fritz - Harald Wenig, trong quá trình thực thi hiện tại đối với các cam kết WTO, Việt Nam đã đạt được tiến triển trên một số lĩnh vực bao gồm lĩnh vực liên quan tới sự can thiệp của Chính phủ vào các hoạt động của các công ty (như việc loại bỏ dần trợ cấp xuất khẩu), đơn giản hoá việc thành lập công ty, chấp thuận các tiêu chuẩn quốc tế, tăng cường cơ chế phá sản và Luật sở hữu trí tuệ.

 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức đối với Việt Nam trong việc được công nhận nền kinh tế thị trường. Cuộc họp giữa EU và các bộ ngành của Việt Nam lần này nhằm giúp xác định và hiểu rõ hơn những vấn đề còn tồn tại. “Việc trao quy chế nền kinh tế thị trường không những là vấn đề quan trọng đối với Việt Nam mà còn đối với Uỷ ban châu Âu (EC). Nhiều tiến triển đã đạt được trong thời gian ngắn. Hai bên cần phải tiếp tục làm việc chặt chẽ và mang tính xây dựng như tinh thần hợp tác mà hai bên đã từng có trong quá khứ”- Ông Fritz Harald Wenig nhấn mạnh.

 

Nói về các vụ kiện liên quan tới việc chống bán phá giá mà Việt Nam đang phải đối mặt, vị đại diện của EU cho rằng: Để xác định xem có xảy ra việc bán phá giá hay không, chúng ta cần phải tiến hành so sánh giữa giá trị xuất khẩu và giá vốn (giá trị thông thường/chi phí sản xuất).

 

Theo ông Fritz Harald Wenig, EU đã tiến hành xem xét đề nghị được công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam qua 5 tiêu chí sau:

 

1. Mức độ ảnh hưởng của Nhà nước đối với việc phân bổ các nguồn lực và các quyết định của doanh nghiệp.

 

2. Không có hiện tượng Nhà nước bóp méo hoạt động của các DN liên quan tới cổ phần hoá và không có việc sử dụng các hệ thống đền bù hay thương mại phi thị trường.

 

3. Sự tồn tại của một hệ thống quản trị doanh nghiệp thích hợp.

 

4. Sự tôn trọng các luật sở hữu (trong đó có các luật sở hữu trí tuệ) và sự tồn tại của một cơ chế phá sản đang vận hành.

 

Quy chế nền kinh tế thị trường trên thực tế có nghĩa là “giá trị thông thường”, tức là giá trị căn cứ vào đó để so sánh giá xuất khẩu nhằm kiểm tra xem việc bán phá giá có đang xảy ra hay không.

 

Trong trường hợp một nước không thể hoặc không chứng tỏ rằng, các công ty ở nước đó hoạt động trong các điều kiện nền kinh tế thị trường thì “giá trị thông thường” sẽ được thiết lập dựa trên cơ sở giá cả và chi phí ở nền kinh tế thị trường có thể so sánh được ở một nước tham chiếu thứ ba. Đây chính là trường hợp đối với Việt Nam trong các cuộc điều tra của EU về chống bán phá giá.

 

Kể từ tháng 10/2000, các công ty của Việt Nam đã có thể đề nghị được hưởng đối xử kinh tế thị trường trên cơ sở riêng lẻ trong tranh luận của các cuộc điều tra chống bán phá giá.

 

Cũng theo đánh giá của vị đại diện EU, thì trong thời gian qua Việt Nam cũng đã có những tiến triển rất lớn trong vấn đề cổ phần hoá các công ty Nhà nước. Tuy nhiên câu trả lời cuối cùng cho việc đến bao giờ Việt Nam sẽ được EU công nhận có nền kinh tế thị trường phụ thuộc rất lớn vào khả năng triển khai các luật ở Việt Nam cũng như việc giám sát thực hiện các luật này như thế nào.

 

Việt Nam đã đưa ra đề nghị được công nhận quy chế nền kinh tế thị trường vào tháng 6/2004. Ủy ban của EU đã tiến hành một đánh giá đầu tiên vào tháng 10/2004 và yêu cầu cung cấp thêm thông tin. Tháng 6/2005, Việt Nam đã cung cấp hầu hết thông tin và nguyên văn các luật được yêu cầu cho EU nhân cuộc họp về Quy chế nền kinh tế thị trường do Bộ Thương mại Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Tháng 10/2006, EU đã đưa ra đánh giá thứ ba đối với việc thực hiện Quy chế nền kinh tế thị trường của Việt Nam.

 

Dự kiến, vào khoảng tháng 6 tới sẽ có cuộc họp tiếp theo của đoàn công tác tại châu Âu để xem xét những vấn đề liên quan đến việc công nhận Quy chế nền kinh tế thị trường cho Việt Nam.

Nguyễn Hiền