1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

“Muốn minh bạch xăng dầu, quan trọng nhất phải có cạnh tranh”

Kiểm toán chưa giải quyết được triệt để sự tù mù trong kinh doanh xăng dầu hiện nay, chỉ khi cạnh tranh với nhiều thành phần thì thị trường mới minh bạch. -

Mặc dù ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã khẳng định xăng dầu là mặt hàng minh bạch nhất trong tất cả các mặt hàng thì thực tế, sự khó hiểu trong cơ chế quản lý giá của mặt hàng này hiện nay vẫn là một tâm điểm dư luận.

 

Để chứng minh cho sự "minh bạch", ông Bảo đã trần tình về con số lỗ/lãi từng mặt hàng cụ thể tại trước và sau thời điểm giảm giá ngày 26/8 với sự chênh lệch giữa giá vốn, giá cơ sở (tính theo công thức quy định ở Nghị định 84) và giá hiện hành (do Nhà nước quy định).  

 

Như vậy, rõ ràng Petrolimex hoàn toàn bóc tách được việc lỗ lãi của từng mặt hàng kinh doanh xăng dầu, tại từng thời điểm.

 

Trước báo chí ngày 21/9, ông Bảo nhất mực khẳng định lãi mặt hàng xăng dầu cao nhất chỉ là 440 đồng/lít chứ không đến 780 đồng/lít như Bộ trưởng tài chính Vương Đình Huệ dẫn theo số liệu hải quan công bố trước đó.  

 

Khoản chênh lệch này cho thấy "mảng tối" ở khâu khai báo chi phí.

 

Bộ Tài chính đã thể hiện quyết tâm của mình để làm sáng tỏ vấn đề lỗ/lãi xăng dầu qua động thái cử 3 đoàn kiểm tra các doanh nghiệp đầu mối lớn nhằm xác thực giá nhập khẩu, rà soát các khoản chi phí thực tế liên quan đồng thời bác luận điểm tồn tại 2 giá hải quan mà ông Bảo đề cập gần đây. 
 
“Muốn minh bạch xăng dầu, quan trọng nhất phải có cạnh tranh” - 1
TS Nguyễn Minh Phong Trưởng phòng nghiên cứu Kinh tế - Viện Nghiên cứu phát triển KTXH Hà Nội

 Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng nghiên cứu Kinh tế - Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế xã hội Hà Nội cũng đánh giá nút thắt trong việc công khai giá xăng dầu là phần chi phí lưu thông. 

 

Song theo nhận định của TS Phong thì để giải quyết triệt để và minh bạch đến cùng mặt hàng xăng dầu, thì công tác kiểm toán hiện tại thực sự không có nhiều ý nghĩa mà quan trọng nhất vẫn là tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh. Bởi những khoản chênh lệch chi phí nảy sinh không phải do thị trường mà do khai báo.

 

Khi có thị trường cạnh tranh thì con số này không còn quan trọng, doanh nghiệp kinh doanh sẽ tìm cách để có chi phí thấp nhất và lúc đó mới thực sự minh bạch và là thị trường đúng nghĩa.

 

Ông cũng đánh giá, việc chia sẻ thị phần xăng dầu trong bối cảnh hiện nay chỉ là một tư duy mang tính hình thức. 

 

Về bản chất, 11 hay là 3 doanh nghiệp thì vẫn thuộc sở hữu Nhà nước, nên tính chất độc quyền vẫn còn cao - độc quyền ở đây là độc quyền Nhà nước chứ không phải là độc quyền của 1 hay 2 doanh nghiệp.

 

Làm thế nào để đa dạng hóa về mặt sở hữu, có sự tham gia của những thành phần khác, cả tư nhân trong nước và nước ngoài - đây mới là điểm mấu chốt chứ không phải là chia thị phần, quy định mỗi doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi bao nhiêu phần trăm như một số người suy nghĩ.

 

Riêng việc phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) của Petrolimex đợt vừa qua, theo ông Phong, nếu có thể thì vẫn nên có yếu tố nước ngoài. 

 

Hiện Việt Nam chưa có chủ trương cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia lĩnh vực này - song về lý thuyết và lợi ích chung cho thị trường, thì yếu tố nước ngoài vẫn là cần thiết. Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đẩy thị trường cao hơn, tăng cường năng lực tài chính, năng lực quản trị. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, đây vẫn đang là mảnh đất mà Nhà nước còn muốn độc quyền vì nhiều lợi ích và đã có sự cân nhắc. 

 

Dù vậy, riêng sự kiện IPO đã là một tín hiệu tốt.
 
“Muốn minh bạch xăng dầu, quan trọng nhất phải có cạnh tranh” - 2
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Petrolimex.

 

Xét về nguyên tắc, xăng dầu lỗ là vô lý!

 

Về việc Petrolimex công bố lãi lớn ở thời điểm IPO, ông Phong cho hay được phía Petrolimex trả lời rằng, nếu Petrolimex buộc phải bán theo giá chỉ đạo trong một số thời điểm thì đúng là có những lúc bị lỗ nhưng lỗ đó đã được Chính phủ xử lý. 

 

Sau khi được bù lỗ, tính toán lại thì đúng là có lãi!

 

Theo đó, xét về nguyên tắc, đến nay không có doanh nghiệp xăng dầu nào lỗ: bởi đó là doanh nghiệp của Nhà nước, hơn nữa lại độc quyền và như Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khi còn là Bộ trưởng Bộ Tài chính đã nói "ai lỗ sẽ bù". 

 

"Trong bối cảnh hiện nay, xăng dầu lỗ là vô lý. Có nhiều kẽ hở để thu hồi lại lỗ danh nghĩa."-TS Phong khẳng định.

 

Ông Bùi Ngọc Bảo: “Giá vàng, giá gạo, giá sữa... hiện nay không ai nắm được giá gốc là bao nhiêu thì không thấy dân kêu, trong khi giá xăng được cập nhật công khai liên tục thì lại cho rằng chúng tôi không minh bạch. Thực tế xăng dầu là mặt hàng minh bạch nhất trong tất cả các mặt hàng, nhưng do cơ chế điều hành hiện nay khiến dư luận hiểu nhầm. Nếu cứ thực hiện như hiện nay, nguy cơ Nghị định 84 rồi cũng sẽ đổ vỡ, phá sản!”

 
Liên hệ tới sự cạnh tranh khốc liệt ở thị trường viễn thông như có lần ông Bảo đề cập, ông Phong giải thích là vì các doanh nghiệp trong ngành này thuộc thành phần sở hữu khác nhau. Còn ở xăng dầu, tất cả đều của Nhà nước. Các doanh nghiệp này có sự phân công thị trường rõ ràng, Petrolimex có thị phần nhiều ở những khu vực khó khăn thì được bù lỗ nhiều hơn những doanh nghiệp khác. 
 
Còn trong một thị trường mà Nhà nước quy định giá thì cạnh tranh là vô nghĩa - có chăng cạnh tranh là để giảm bớt chi phí định mức.

 

Bàn đến ý tưởng của một số học giả rằng Bộ Tài chính nên làm việc với Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương thay vì Bộ Công thương, ông Phong cho rằng, có thể sẽ khách quan hơn nếu Bộ Tài chính kết hợp với một cơ quan nghiên cứu chính sách hơn thay vì hai cơ quan quyền lực cùng thực hiện. Tuy nhiên, muốn hay không thì trong điều hành vẫn cần tham khảo của những bộ liên quan.
 
Tại cuộc hội thảo về cơ chế điều hành giá xăng dầu do Bộ Tài chính chủ trì ngày 20/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính đưa ra con số tại thời điểm giảm giá xăng dầu (26/8) doanh nghiệp đang lãi 780 đồng/lít; nhưng đại diện bộ Công Thương lại khẳng định tại thời điểm này doanh nghiệp lỗ.

Sau đó, ngày 21/8, ông Bùi Ngọc Bảo - Tổng giám đốc Petrolimex đã thừa nhận đúng là tại thời điểm 26/8, Petrolimex đang lãi từ 129 đồng/lít đến trên 400 đồng/lít.  

Mới đây ông Nguyễn Anh Tuấn - cục phó Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - một lần nữa khẳng định theo số liệu hải quan thì ngoài khoản lãi định mức 300 đồng/l, Petrolimex còn khoản 780 đồng/lít. 

Vậy câu hỏi đặt ra khoản chênh giữa 440 đồng/lít đó với 780 đồng/lít có phải do doanh nghiệp đã chi các khoản không hợp lý như chiết khấu hay các chi phí khác khiến “hụt” khoản 780 đồng/lít hay không? 

Theo đại diện cơ quan hải quan: Giá xăng dầu tại thời điểm thông quan là giá tạm tính. Sau đó doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu phải khai lại giá để tính thuế. Hải quan dựa vào giá do doanh nghiệp khai lại, có kiểm tra, đối chiếu các chứng từ liên quan và tính thuế lô hàng.  

Vì thế, giá do doanh nghiệp khai lại là giá nhập khẩu chính xác.  

Thông thường, chỉ 6 ngày sau khi thông quan, doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đã hoàn tất việc khai lại giá nhập khẩu chính xác. Nếu chậm thì cũng chỉ khoảng hơn ba tuần. 

Cơ chế giá đã rõ: thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế giá trị gia tăng 10%, các mức trích quỹ bình ổn giá, phí xăng dầu công khai. Chỉ có khoản chi phí kinh doanh thực tế (tức chi phí định mức mà Bộ Tài chính quy định là 600 đồng/lít) và chỉ có giá nhập khẩu từng mặt hàng là chưa được công khai và doanh nghiệp cố tình làm mù mờ những điểm này. 

Vậy, có thể thấy rõ chuyện lỗ lãi của doanh nghiệp xăng dầu thực chất không khó như ý kiến của chính những người trong cuộc.

 
Theo Bích Diệp
DVT.vn