1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Ngân hàng hiện đại phải bước trên "đôi chân" công nghệ

Trên quan điểm kinh doanh, doanh nghiệp nào mang lại những dịch vụ vượt trội, có những sản phẩm khác biệt, tiện lợi cho khách hàng thì sẽ chiến thắng. Tuy nhiên, với đặc thù của ngành ngân hàng, muốn thành công phải bước trên "đôi chân" công nghệ.

Trong tháng 11/2014, với tư cách là người trực tiếp chỉ đạo xây dựng ý tưởng và triển khai các dự án công nghệ của Ngân hàng VIB giai đoạn 2012-2014,  ông Trần Nhất Minh – Thành viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc VIB đã trở thành lãnh đạo Công nghệ thông tin (CIO) tiêu biểu khu vực Đông Nam Á năm 2014 trong khuôn khổ giải thưởng Lãnh đạo Công nghệ thông tin và An ninh thông tin Đông Nam Á (“Asean CIO/CSO of the Year” ) được tổ chức bởi Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG dưới sự phối hợp và bảo trợ của các tổ chức CNTT, các Bộ, Ngành trong nước và khu vực Đông Nam Á.

“Asean CIO/CSO of the Year” là giải thưởng thường niên nhằm tìm kiếm và tôn vinh các “Lãnh đạo Công nghệ thông tin” (CIO) và các “Lãnh đạo An ninh Thông tin” (CSO) xuất sắc tại các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và doanh nghiệp trong toàn bộ khu vực Đông Nam Á.

Phóng viên đã có cuộc trò chuyện trao đổi cụ thể hơn với ông Trần Nhất Minh liên quan đến vấn đề này:

Ông Trần Nhật Minh - Phó Tổng giám đốc VIB
Ông Trần Nhật Minh - Phó Tổng giám đốc VIB

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Hình ảnh thủ lĩnh sinh viên Hồng Kông gây sốt

* Bộ Tài chính lên tiếng về khoản thưởng tiền tỷ cho các nhà thầu

* “Tôi tin, Uber không có động cơ kinh doanh trái phép”

* “Dở khóc, dở cười” khi đặt vé tàu qua mạng

* Việt Nam nhập khẩu than:Nghịch lý bán đi rồi lại mua về

* Điều chưa kể về người vợ được Bầu Đức dấu kín

Trước hết, xin chúc mừng ông về thành tích ấn tượng vừa qua. Ông có thể cho biết rõ hơn về những dự án đã mang lại cho ông và VIB giải thưởng CIO tiêu biểu khu vực Đông Nam Á 2014?

Thực ra, trong 3 năm qua tại VIB đã triển khai khá nhiều dự án  công nghệ. Tuy nhiên, chúng tôi chọn 3 dự án mang tính điển hình cho giai đoạn này. Đặc thù của ba năm qua là chú trọng quản trị rủi ro, tăng năng suất, hiệu suất lao động  nhằm hướng đến việc phát triển ngân hang bền vững. Vừa rồi, tham gia giải “Asean CIO/CSO of the Year”, VIB được đề cử với 3 dự án đều mang tính hạ tầng là Hệ thống quản trị chi phí (EMS), Phê duyệt tín dụng tập trung (LOS) và Xây dựng trung tâm dữ liệu và trung tâm phục hồi thảm họa (DCDR).

Khi xây một ngôi nhà, đầu tiên chúng ta cần có thiết kế tổng thể, và để ngôi nhà kiên cố chúng ta cần có nền móng vững chắc. Việc xây dựng công nghệ cho một ngân hàng cũng tương tự như vậy. Đầu tiên, chúng tôi có bản vẽ kiến trúc công nghệ tổng thể, phù hợp với chiến lược của ngân hàng. Sau đó chúng tôi xây nền móng cho ngôi nhà công nghệ, mỗi một giải pháp công nghệ đều có vị trí ở những tầng nhất định trong ngôi nhà công nghệ này.

Các tổ chức uy tín nước  ngoài như E&Y, KPMG hay Moody’s trong vài năm gần đây cũng đều khuyến nghị là ở giai đoạn này, đối với các ngân hàng Việt Nam, điều quan trọng nhất là phải xây dựng nền tảng hạ tầng quy chuẩn tốt để thuận lợi cho việc quản trị rủi ro, vận hành, tăng trưởng, cũng như liên kết, sáp nhập. 

Được biết, tại Việt Nam, cách VIB triển khai Hệ thống quản trị chi phí (EMS) khá đặc biệt. Dự án này cũng đã được đánh giá cao tại sự kiện“Asean CIO/CSO of the Year” vừa qua bên cạnh các dự án Phê duyệt tín dụng tập trung (LOS) và Xây dựng trung tâm dữ liệu và trung tâm phục hồi thảm họa (DCDR) của ngân hàng. Trên thực tế thì EMS đã mang lại hiệu quả như thế nào cho VIB, thưa ông?

Hệ thống quản trị chi phí (EMS) là giải pháp sáng tạo cho phép kiểm soát chuỗi cung ứng của ngân hàng một các mềm dẻo, hiệu quả, nhanh chóng đem lại lợi ích cho VIB và hoàn vốn nhanh. Điểm đặc biệt của giải pháp này là chúng tôi dùng công nghệ Quản trị quy trình (BPM) thay cho công nghệ Quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) truyền thống, không phù hợp lắm với đặc thù ngân hàng.  

EMS cho phép thay thế các văn bản giấy nội bộ và gửi chuyển phát nhanh từ gần 160 chi nhánh của VIB về Hội sở, là hệ thần kinh số để quản lý ngân sách, chi phí, mua sắm và quản lý tài sản của VIB theo một chuẩn mực thống nhất  trên toàn quốc. 

Mọi thông tin đều được lưu lại trong Hệ thống, giảm thiểu thời gian phê duyệt, thời gian tìm văn bản và dễ dàng trong việc lưu trữ, thuận tiện cho Ban dịch vụ tài chính Hội sở VIB, kiểm toán nội bộ và kiểm toán độc lập khi thực hiện kiểm toán. 

Nằm trong chuỗi các dự án tối ưu hóa và tự động hóa quy trình của chương trình “Tối ưu hóa mô hình hoạt động” , dự án này đã góp phần nhất định vào thành quả  ngân hàng trong việc giảm 14% chi phí vận hành của VIB (tương đương giảm 255 tỷ đồng) năm 2013 so với năm 2012. Hệ thống này sẽ mang lại hiệu quả trong thời gian 5-7 năm với chỉ một lần  đầu tư ban đầu.

Trong năm 2015, đâu sẽ là điểm nhấn công nghệ thông tin trong bức tranh phát triển của VIB?

Trong 3 dự án đã đề cập thì dự án Phê duyệt tín dụng tập trung (LOS) sẽ là công cụ hỗ trợ VIB phát triển vào năm sau.

Trong ngành ngân hàng hiện có hai cách quản lý phê duyệt tín dụng: phê duyệt tín dụng phân tán và phê duyệt tín dụng tập trung.

Phê duyệt tín dụng phân tán là khi lãnh đạo đơn vị kinh doanh,  trưởng các chi nhánh rải rác trên toàn quốc có quyền phê duyệt tín dụng. Trong khi đó, phê duyệt tín dụng  tập trung là khi phê duyệt tín dụng được chuyển về cho bộ phận quản trị rủi ro ở Hội sở. 

Như vậy, tách bạch ra nhiệm vụ của kinh doanh và quản trị rủi ro: chi nhánh chỉ chuyên về kinh doanh tín dụng, quản trị rủi ro chuyên về phê duyệt tín dụng. Mô hình hiện đại của các ngân hàng nước ngoài đều đi theo cách này. Dự án LOS của VIB đã được triển khai trong 18 tháng, đến nay nền tảng để thống nhất toàn bộ quy trình trên toàn quốc đã hoàn tất, đặt nền tảng công giúp VIB phát triển tự tin hơn, tăng chất lượng dịch vụ cho khách hàng, tăng hiệu quả kinh doanh và giảm nợ xấu.

Trong những năm gần đây, khi kinh tế và nền tài chính gặp khó khăn, tính an toàn của hệ thống ngân hàng ngày càng được chú trọng, NHNN cũng đã đưa ra nhiều quy định mới để thắt chặt tính an toàn cho hệ thống. Cuộc cạnh tranh giữa các ngân hàng hiện tại dường như đã đổi hướng và theo ông, trong cuộc đua mới này, thành công sẽ nghiêng về những ngân hàng nào?

Tất nhiên trên quan điểm kinh doanh, những doanh nghiệp nào mang lại những dịch vụ vượt trội, có những sản phẩm khác biệt, tiện lợi cho khách hàng thì những doanh nghiệp đó sẽ chiến thắng, đây là quy luật chung. Trong lĩnh vực ngân hàng, để làm được việc đó thì công nghệ đóng vai trò lớn. Những ngân hàng đi tiên phong về công nghệ thì sẽ có cơ hội để chiến thắng trong cuộc cạnh tranh ở thế kỷ 21 này.
 
Ngoài hai dự án EMS và LOS đã đề cập ở trên thì VIB cũng là một trong số ít các ngân hàng tại Việt Nam áp dụng thành công trung tâm khắc phục thảm hoạ (Disaster recovery - DR) đạt tiêu chuẩn quốc tế được triển khai trong dự án DC/DR. 

Dự án này giúp chuyển đổi tất cả dữ liệu và ứng dụng IT của VIB từ một trung tâm dữ liệu thông thường sang hai trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế TIR 3: một trung tâm dữ liệu chính (DC) và một trung tâm khắc phục thảm hoạ (DR). Với dự án DC/DR này, VIB sẽ luôn sẵn sàng để ứng phó khi phát sinh sự cố khiến DC ngừng hoạt động. Theo đó, việc cập nhật dữ liệu được xảy ra theo cơ chế trực tuyến. Khi xảy ra thảm họa dữ liệu, các hệ thống IT của VIB vẫn hoạt động bình thường tại DR, thông tin và lịch sử giao dịch không mất, dịch vụ khách hàng không bị ngưng trệ. 

Trong khuôn khổ dự án, VIB đã thay mới hầu hết hệ thống máy chủ  và lưu trữ dữ liệu cũ của DC và mua mới  toàn bộ hệ thống máy chủ và lưu trữ cho DR, phục vụ xuyên suốt cho hệ thống hơn 40 phần mềm, ứng dụng tài chính và tăng gấp ba công suất tính toán, lưu trữ của ngân hàng. 

Trong xu thế hội nhập, ngân hàng nội cũng như ngân hàng ngoại sẽ có sự cạnh tranh bình đẳng hơn. Theo ông, các ngân hàng Việt Nam hiện nay sẽ phải thay đổi như thế nào để bắt kịp với khu vực?

Thế giới ngày nay là phẳng với tất cả các doanh nghiệp nói chung cũng như các ngân hàng nói riêng, đã cạnh tranh là cạnh tranh toàn cầu. Quy luật cạnh tranh này thật đơn giản: mặc dù là công ty nội thì bạn vẫn phải chịu áp lực cạnh tranh với các công ty ngoại. Như vậy, trong quá trình hội nhập, luật chơi áp dụng chung cho các ngân hàng nội và ngân hàng ngoại. Các ngân hàng nội cần trở nên đủ mạnh để cạnh tranh bình đẳng với các ngân hàng ngoại.

Là một ngành dựa vào công nghệ, ngân hàng cần phải áp dụng công nghệ bắt kịp với thời đại. Về mặt này, VIB có thuận lợi khi cổ đông chiến lược CBA là ngân hàng dẫn đầu của Úc, một trong 10 ngân hàng lớn nhất thế giới về giá trị vốn hóa thị trường. Vì vậy, chúng tôi luôn được trợ giúp nhiều mặt về công nghệ , đặc biệt là công nghệ thông tin.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!

M.Chi

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”