1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Nguy cơ khủng hoảng thiếu thực phẩm

(Dân trí) - Các trang trại chăn nuôi trong nước gặp khó vì chi phí đầu vào “đội giá”. Doanh nghiệp nhập khẩu hàng đông lạnh đang chịu nhiều rủi ro khi giá cả lên xuống thất thường. Nguy cơ thiếu hụt thực phẩm thiết yếu trong những tháng tới đang hiện hữu.

Trang trại chăn nuôi khốn đốn

Nhiều trang trại chăn nuôi gia súc gia cầm tại Long An, Đồng Nai, Bình Dương đã phải ngưng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng vì đầu tư tốn kém mà không có lợi nhuận.

Theo ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Công ty Phú An Sinh, chi phí đầu vào cho chăn nuôi đang tăng nhanh. Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 60 - 70%, các loại thuốc thú y lên giá tới 100 - 200%.

Thêm nữa, chi phí năng lượng để sưởi ấm đàn gia cầm cũng khá tốn kém. Giá gas tăng kỷ lục mấy tháng qua. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, tình trạng cúp điện liên tục khiến mỗi ngày, trang trại gà của công ty phải chạy máy phát điện rất tốn kém.

Chưa hết mức lãi suất cho vay kinh doanh tại các ngân hàng rất cao và không phải lúc nào cũng được vay. Đối với những doanh nghiệp đang trong giai đoạn đầu tư thì khó khăn càng chồng chất khó khăn.

“Trong khi đó, đầu ra đang chịu áp lực kiềm giá để bình ổn thị trường nên doanh nghiệp không dám mạnh dạn tăng giá. Nếu điều chỉnh giá sản phẩm đột ngột sẽ bị khách hàng tẩy chay ngay. Vì thế, đầu tư vào chăn nuôi thực khó mà thu được lợi nhuận” - ông Minh giãi bày.

Hiện, nhiều chủ trại heo đang chịu thua lỗ khi dự đoán sai tình hình thị trường. Cách đây vài tháng, họ đã nuôi rất nhiều heo để cung ứng sau dịch. Nhưng tiếc là nay, heo hơi đã “rớt giá” từ 45.000 đồng/kg còn 39.000 đồng/kg. Nhiều hộ đã phải bán tháo vì lo ngại một đợt dịch mới.

Được biết, nhiều trang trại ở Long An, Đồng Nai, Bình Dương đã đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng. Giá con giống tại các địa phương này tăng cao nhưng không ai mua do các trang trại thu hẹp chăn nuôi. Tình trạng trên dự báo sớm khả năng thiếu hụt nguồn cung thực phẩm trong những tháng tới.

Doanh nghiệp nhập khẩu dễ phá sản

Nhiều doanh nghiệp bị lỗ nặng khi tham gia kinh doanh thực phẩm nhập khẩu. Nguyên nhân là phải nhập hàng về với giá cao mà phải bán với giá thành hạ do cạnh tranh thị phần và kích cầu tiêu dùng. Doanh nghiệp mỏng vốn phải bán tháo hàng để kịp xoay vốn.

Ông Phạm Hồng Long, Giám đốc Công ty Tổng hợp 2, cho biết: “Giá đầu vào nhiều sản phẩm nhập khẩu tăng giá rất nhanh. Nhiều nhóm mặt hàng đã tăng giá 40 - 80% gây sức ép về giá bán lẻ trong nước. Cụ thể, thịt đùi gà góc tư có giá 0,95 USD/kg vào tháng 1/2007, nay vọt lên 1,25 USD/kg. Heo nạc vai giá 1,65 USD/kg hồi tháng 1/2008 nay lên 2,98 USD/kg”.

Giá thịt đông lạnh nhập khẩu “leo thang” do giá thế giới tăng mạnh. “Nhưng giá lên cao có một phần lỗi từ doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu làm ăn theo kiểu chụp giật, “tranh mua tranh bán nên các nhà cung ứng thịt nhập khẩu thừa cơ đẩy giá lên” - ông Long giải thích.

Theo ông Cáp Văn Thái, Giám đốc Công ty Vinafood, nhiều nhà nhập khẩu thiếu vốn nghiêm trọng nên vừa nhập vào đã tranh thủ bán ra với giá thấp để thu hồi vốn. Chẳng hạn, giá cánh gà nhập khẩu có giá quy đổi sang tiền đồng là 42.000 đồng/kg. Nhưng doanh nghiệp phải bán với giá 39.000 đồng/kg. Theo tính toán, mỗi công hàng, doanh nghiệp bị lỗ 50 triệu đồng.

Được biết, nếu tiếp tục kinh doanh thì các công ty vừa và nhỏ có thể bị phá sản do thua lỗ. Không ít đơn vị từng đóng 10% tiền đặt cọc đối với các lô hàng nhập khẩu đã chấp nhận bỏ hàng, bỏ tiền đặt cọc vì nếu nhận hàng còn lỗ nhiều hơn.

Quy định mới của cơ quan chức năng bắt buộc tất cả các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải chuyển sang hình thức giết mổ tập trung vừa được áp dụng. Nhiều đơn vị đã bỏ ra một số vốn 5 - 10 tỷ đồng để đầu tư dây chuyền giết mổ hiện đại.

Nhưng do số lượng gia súc, gia cầm giết mổ giảm đáng kể, nhiều nhà máy giết mổ tập trung đã đóng cửa hoặc thay đổi hoạt động như làm kho lạnh dự trữ các mặt hàng nhập khẩu hoặc chuyển sang làm khu vực gia công, đóng gói sản phẩm đông lạnh.

Sẽ diễn ra khủng hoảng thiếu?

Theo những nhà kinh doanh, thịt gà và thịt heo nội chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Trong khi đó, nguồn hàng thực phẩm ngoại đang giảm dần nên khả năng thâm hụt cung trên thị trường là rất lớn. Dự báo, thịt heo, gà nhập khẩu sẽ có đợt tăng giá trong vòng 3 tháng tới.

Ông Phạm Hồng Long cho biết: “Bình quân mỗi tháng, các doanh nghiệp tại TPHCM nhập về khoảng 9.000 tấn thịt gà/tháng nhưng nay còn số này đã giảm. Riêng Công ty Tổng hợp 2, số lượng nhập khẩu hàng tháng là 2.000 tấn thì nay chỉ còn 1.200 tấn. Hiện, nguồn cung thế giới đang cắt giảm trong khi cung trong nước vẫn chưa được cải thiện do nhà chăn nuôi không có lãi. Do vậy, sắp tới, thị trường sẽ khan hàng”.

Nhưng, có một thực tế là dù dự đoán được thị trường sẽ thiếu cung nhưng không có nhà nhập khẩu nào dám mạnh dạn đặt nhiều hàng trong thời điểm này. Do giá cả thế giới thay đổi theo ngày nên các doanh nghiệp không thể dự báo dài hạn diễn biến giá cả trong nước và thế giới. Thái độ e dè trên càng làm tăng lo ngại về nguồn cung thực phẩm trong tương lai gần.

Nguyên Tuấn