1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Nhiều nước châu Âu vẫn bất chấp mua khí đốt Nga

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Giám đốc điều hành hãng khí đốt lớn nhất Nga cho biết, một số quốc gia châu Âu từng tuyên bố ngừng hoàn toàn việc mua khí đốt của Nga, nhưng vẫn đang nhận nhiên liệu từ nước này.

Trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình quốc gia Rossiya-1, Aleksey Miller, Giám đốc điều hành của "gã khổng lồ" khí đốt Gazprom, cho biết, một số quốc gia châu Âu, trước đây khẳng định đã ngừng hoàn toàn việc mua khí đốt của Nga, hiện vẫn đang nhận nguồn cung cấp nhiên liệu từ Moscow.

Giám đốc điều hành Gazprom không cung cấp bất kỳ thông tin nào thêm về khối lượng khí đốt của Nga mà các quốc gia châu Âu đang nhập khẩu.

Tuy nhiên, ông cho biết Nga đang vận chuyển các loại khí tự nhiên thông qua Ukraine đến Baumgarten (Áo). "Khu vực này là trung tâm phân phối rất lớn ở châu Âu, cung cấp khí đốt cho các quốc gia khác trên khắp châu Âu", Miller cho biết.

Ông cho biết theo các hợp đồng hiện tại, Nga vẫn đang cung cấp khí đốt cho các nước ở phía Nam và Đông Nam châu Âu.

"Dĩ nhiên, khí đốt Nga vẫn đang chảy đến châu Âu với khối lượng không hề nhỏ. Nó vẫn được tiêu thụ bởi các nước từng tuyên bố đã thoát phụ thuộc khí đốt Nga", Giám đốc điều hành Gazprom nói thêm.

Nhiều nước châu Âu vẫn bất chấp mua khí đốt Nga - 1

Aleksey Miller, Giám đốc điều hành của "gã khổng lồ" khí đốt Gazprom (Ảnh: TACC).

Năm ngoái, lượng khí đốt Nga cung cấp cho thị trường châu Âu bắt đầu giảm, do đường ống Nord Stream 1 gặp sự cố và nhiều nước châu Âu từ chối mua khí đốt bằng rúp.

Trong bối cảnh nguồn cung từ Nga giảm, EU lại phải tăng cường mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Tính đến cuối năm 2022, EU mua LNG nhiều nhất thế giới, vượt các nước đứng đầu truyền thống là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Năm ngoái, Mỹ đã trở thành nước xuất khẩu LNG lớn sang thị trường EU, trong khi Nga tăng lượng xuất khẩu LNG lên 20%.

Đầu năm nay, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, EU đã tìm cách vượt qua sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga. Đồng thời, ông cho biết thêm rằng Moscow đã giảm 80% xuất khẩu khí đốt sang khu vực này. 

Theo RT