1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Nóng: Ngân hàng sắp được mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết?

Thảo Thu

(Dân trí) - Nội dung này được quy định trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều và ngưng hiệu lực một số điều tại Thông tư 16/2021 quy định về việc tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến về dự thảo thông tư trên. Theo Ngân hàng Nhà nước, hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng đang cho thấy phát sinh tiềm ẩn rủi ro bởi chưa có quy định điều kiện về năng lực tài chính với doanh nghiệp phát hành; cơ chế kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn chưa chặt chẽ...

Điều này dẫn đến hệ lụy là các doanh nghiệp thông qua việc phát hành trái phiếu nhằm mục đích đặt cọc, góp vốn, mua cổ phần, hợp tác kinh doanh, bổ sung vốn lưu động hoặc thực hiện tăng vốn lớn trong thời gian ngắn để chứng minh năng lực tài chính.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp lấy tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đất thuê trả tiền hàng năm chưa đủ điều kiện để nhận làm tài sản bảo đảm... Chất lượng tài sản bảo đảm không cao sẽ gây rủi ro về khả năng thu hồi nợ của ngân hàng khi doanh nghiệp này rơi vào mất khả năng thanh toán.

Với những lý do trên, phía Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều thay đổi tại dự thảo thông tư mới này.

Nóng: Ngân hàng sắp được mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết? - 1

Qua kết quả thanh tra hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng cho thấy phát sinh tiềm ẩn rủi ro đối với một số mục đích phát hành trái phiếu (Ảnh: Mạnh Quân).

Thứ nhất, dự thảo ngưng hiệu lực thi hành đối với quy định tại khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021 đến hết ngày 31/12/2023.

Theo đó, ngân hàng chỉ được mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM mà ngân hàng này đã bán và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng lô hoặc cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán.

Điều kiện kèm theo là bên mua trái phiếu doanh nghiệp từ tổ chức tín dụng thanh toán toàn bộ tiền tại thời điểm ký kết hợp đồng bán trái phiếu doanh nghiệp cho bên mua trái phiếu; doanh nghiệp phát hành trái phiếu được xếp hạng ở mức cao nhất theo quy định xếp hạng tín dụng nội bộ của tổ chức tín dụng tại thời điểm gần nhất trước khi tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp...

Thứ hai, các ngân hàng có quyền, nghĩa vụ kiểm tra, giám sát việc sử dụng tiền thu từ trái phiếu của doanh nghiệp phát hành đảm bảo số tiền thu được sử dụng đúng mục đích tại phương án, cam kết. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp phát hành không theo đúng cam kết, ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp phát hành mua lại trái phiếu trước hạn.

Với doanh nghiệp phát hành, hệ số nợ phải trả (bao gồm cả khối lượng trái phiếu dự kiến phát hành) cần không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất tại thời điểm phát hành và đã được kiểm toán.

Ngoài ra, tổ chức tín dụng khi mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích nhằm thực hiện bảo đảm nghĩa vụ, tổ chức tín dụng phải phong tỏa số tiền mua trái phiếu cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm.

Không những thế, các ngân hàng phải sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch mua trái phiếu với bên bán trái phiếu.

Các tiêu chí xác định phương án khả thi và tiêu chí xác định doanh nghiệp phát hành trái phiếu có khả năng tài chính để đảm bảo thanh toán đủ gốc và lãi trái phiếu đúng hạn phải theo quy trình nghiệp vụ, quy định quản lý rủi ro đối với hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.

Theo Ngân hàng Nhà nước, dự thảo lần này hướng đến phù hợp với thực tiễn, tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng, góp phần bảo đảm an toàn với hoạt động ngân hàng.