1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Ông Hồ Đức Lam “đánh quả lớn”, Nhựa Rạng Đông vẫn đi giật lùi

(Dân trí) - Việc bán 20% cổ phần của Nhựa Rạng Đông Long An cho đối tác Nhật Bản được cho là bước đi quyết định mang lại nguồn lợi lớn trong năm 2018 cho doanh nghiệp của ông Hồ Đức Lam. Ông Lam đặt kế hoạch lãi 50 tỷ đồng sau khi để thua lỗ năm 2017, thế nhưng cả quý I, mức lãi chưa nổi 1 tỷ đồng.

Phiên giao dịch hôm qua, cổ phiếu RDP của Công ty cổ phần Nhựa Rạng Đông đóng cửa tại mức giá 11.500 đồng sau hai phiên giảm sâu, mất tổng cộng 13,3%.

Chỉ trong vòng 1 tháng qua, giá cổ phiếu RDP đã “bốc hơi” tới gần 18% và giảm gần 25% so với thời điểm này 1 năm về trước. Mức giảm của cổ phiếu này so với thời điểm đầu năm thậm chí lên tới hơn 35%.

Cổ phiếu RDP đã bị đưa vào diện cảnh báo trên sàn giao dịch TPHCM (HSX) từ 4/5 vừa qua do kết quả kinh doanh thua lỗ trong năm qua. Cụ thể, năm 2017, mặc dù doanh thu tăng 11,1% lên 1.322 tỷ đồng, thế nhưng, Nhựa Rạng Đông lại bị lỗ ròng gần 55 tỷ đồng, giảm tới 104% so với 2016.

Việc chi trả cổ tức năm 2017 vốn có ý định chia bằng tiền nhưng đã phải chuyển sang phương án chi trả bằng cổ phiếu. Tỷ lệ chi trả vẫn là 20% và sẽ thực hiện đến quý III năm nay.

Ông Hồ Đức Lam đang giữ hơn 64% cổ phần tại Nhựa Rạng Đông
Ông Hồ Đức Lam đang giữ hơn 64% cổ phần tại Nhựa Rạng Đông

Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, Nhựa Rạng Đông đã bán 20% cổ phần của Nhựa Rạng Đông Long An cho Tập đoàn Sojitz Planet (Nhật Bản). Nhờ phát sinh khoản thu nhập 124 tỷ đồng từ hoạt động thanh lý cổ phần này cho nên trong năm qua, công ty này vẫn có 69 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối, tăng 30% so với năm 2016.

Tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên vừa qua, ông Hồ Đức Lam – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, người đang sở hữu áp đảo 64,15% cổ phần công ty này cho biết, trong năm 2018, Nhựa Rạng Đông sẽ phát triển theo mô hình mới.

Theo đó, việc sản xuất kinh doanh sẽ tập trung tại công ty con là CTCP Nhựa Rạng Đông Long An. Công ty mẹ sẽ tập trung đầu tư các lô đất mà công ty sở hữu tại Củ Chi, Hóc Môn. Và với lợi thế đất đai, ông Lam cho biết có thể sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh sang bất động sản.

Ông Hồ Đức Lam cũng tỏ ra khá lạc quan với triển vọng sản xuất kinh doanh trong năm 2018 này khi đã lên mục tiêu tăng doanh thu tăng 13,4%, đạt 1.500 tỷ đồng. Trong đó nhóm sản phẩm bao bì tiếp tục tăng trưởng mạnh và thậm chí lãnh đạo công ty này còn phấn đấu đứng vào top 10 nhà sản xuất bao bì lớn nhất châu Á vào năm 2021. Lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 50 tỷ đồng, tăng 190,4% so với năm 2017.

Chưa rõ, trong năm nay, Nhựa Rạng Đông có thể tạo được bước ngoặt lớn như ông Hồ Đức Lam kỳ vọng hay không. Tuy nhiên, trong quý I/2018, kết quả kinh doanh của công ty này vẫn còn khá bi đát.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, tổng lợi nhuận sau thuế của Nhựa Rạng Đông bị giảm tới hơn 84% so với cùng kỳ, chỉ đạt 817 triệu đồng mặc dù doanh thu thuần tăng nhẹ 3%.

Nguyên nhân được đưa ra là do chi phí nguyên vật liệu tăng giá cao, giá bán các thành phẩm sản xuất tăng nhẹ vì có các chính sách cho khách hàng thân thiết. Bên cạnh đó, chi phí quản lý tăng 16,7% tương đương 1,4 tỷ đồng, bán hàng tăng 40% tương đương 2,1 tỷ đồng. Và do công ty có thay đổi các chính sách mới về quản lý và bán hàng.

Đến trung tuần tháng 5 vừa qua, Nhựa Rạng Đông đã phải thông báo tạm ngừng hoạt động của Chi nhánh Nghệ An trong vòng 1 năm để đánh giá lại tình hình hoạt động và sắp xếp lại nhân sự.

Và mới đây, một Phó Tổng giám đốc của công ty này là ông Nguyễn Văn Thường đã từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân).


Giá cổ phiếu RDP đã lao về sát ngưỡng mệnh giá

Giá cổ phiếu RDP đã lao về sát ngưỡng mệnh giá

Bích Diệp

Ông Hồ Đức Lam “đánh quả lớn”, Nhựa Rạng Đông vẫn đi giật lùi - 3