SMEs có cần chuẩn hóa khung năng lực?

(Dân trí) - Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) thường xuyên phải đối diện với nhiều áp lực cạnh tranh. Trong khi các tổ chức lớn có nguồn lực để xây dựng khung năng lực và chuẩn hóa đội ngũ, các SMEs thường không có thời gian để suy nghĩ về vấn đề này.

“Lời giải cho bài toán nhân lực của Vingroup đều xoay quanh chữ Đào tạo. Nếu không đào tạo thì không có được nhân tài, nhân lực để duy trì hoạt động chứ chưa nói đến sự phát triển hệ thống" – ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup chia sẻ. Để duy trì sự phát triển của hệ thống, các doanh nghiệp lớn luôn có nhiều hoạt động đào tạo, chuẩn bị nhân sự song song với hội nhập công nghệ để hòa nhập với kỷ nguyên số.

Các doanh nghiệp SMEs trên hành trình đấu tranh sinh tồn của mình cũng nhận thức được điều đó, nhưng với quy mô nhỏ bé, nguồn lực tài chính có hạn, họ thường đặt bài toán doanh thu lên hàng đầu và để trách nhiệm học tập, phát triển bản thân lên vai nhân sự. Mặc khác, do không chuẩn hóa được năng lực đội ngũ, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp này bị yếu đi.

SMEs có cần chuẩn hóa khung năng lực? - 1
Nhân sự không chất lượng sẽ là rào cản cho doanh nghiệp nắm bắt cơ hội trong kỷ nguyên số

Đồng cảm với họ, ông Hoàng Anh Tuấn – người sáng lập hệ thống Soya Garden cũng từng chia sẻ về khoảng thời gian khó khăn khi loay hoay với bài toán nhân sự. Không biết phải bắt đầu từ đâu, đào tạo nhân sự như thế nào để sở hữu khung năng lực chuẩn, Soya Garden đã phải rất vất vả ở giai đoạn đầu. Cùng với việc thay đổi nhiều nước cờ quan trọng, ví như quyết định tham gia chương trình gọi vốn Shark Tank Việt Nam và nhận rót vốn từ shark Thủy, họ đã thay đổi cả cách tiếp cận và nhìn nhận về vấn đề nhân sự, nhanh chóng xác lập con người là yếu tố nền tảng để nắm bắt cơ hội, và tính đến nay, Soya Garden đã trở thành chuỗi đồ uống tốt cho sức khỏe có tiếng, với gần 40 cơ sở và sẽ tiếp tục mở rộng thêm nhiều cơ sở trên khắp cả nước trong thời gian tới.

Vậy các SMEs khác thì sao? Có bao giờ bạn tạm dừng cuộc chạy đua và tự hỏi nhân sự của mình đã đạt khung năng lực chuẩn chưa và làm thế nào để tăng nội lực, sẵn sàng nắm bắt cơ hội có được từ thị trường?

Khung năng lực là gì?

Khung năng lực được định nghĩa là hệ thống các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, thái độ, hành vi và các đặc điểm cá nhân khác để một người có thể hoàn thành một vị trí hay một công việc. Về cơ bản có 3 loại năng lực: Năng lực cốt lõi, năng lực chuyên môn, năng lực lãnh đạo.

Năng lực cốt lõi là nguồn lực và/hoặc lợi thế chiến lược của một doanh nghiệp, bao gồm sự kết hợp giữa kiến ​​thức tổng hợp và năng lực kỹ thuật, cho phép nó có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Nói cách khác, năng lực cốt lõi là những gì công ty làm tốt nhất và bao gồm các hành động, hoạt động và tài nguyên kết hợp để phân biệt công ty với các đối thủ cạnh tranh.

Năng lực chuyên môn là khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể trong thực tế cho một ngành nghề cụ thể.

Năng lực lãnh đạo là một nhóm các năng lực liên quan đến khả năng dẫn dắt, lãnh đạo trong một tổ chức cụ thể, đi theo tầm nhìn và chiến lược của tổ chức đó.

Điều cốt yếu là: để có thể kinh doanh hiệu quả một nhân sự, hoặc một tổ chức, đều phải phát triển và trưởng thành về tất cả các năng lực này. Việc chỉ tập trung vào bồi dưỡng năng lực chuyên môn (một thực tế thường thấy) mà bỏ quên năng lực cốt lõi và năng lực lãnh đạo thường dẫn các SMEs tới thực trạng duy trì được hoạt động, nhưng không thể có bước tiến vượt bậc.

Để phát triển đồng bộ khung năng lực và tăng năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp cần lựa chọn giải pháp đào tạo nào đáp ứng được khung năng lực chuẩn. Điều này tương đối khó, do đa phần các chương trình đào tạo dành cho doanh nghiệp hiện nay chủ yếu do một số giảng viên uy tín trong 1 lĩnh vực chuyên môn viết lên, không dựa trên 1 khung năng lực chuẩn nào.

Nhiều quốc gia trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương như Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc đã dựa vào các thư viện khóa học quốc tế chuyên dành cho doanh nghiệp, như e-Leanring Skillsoft để nhân sự của mình được đào tạo theo chuẩn khung năng lực quốc tế. Ngân hàng e-Learning đồ sộ này cung cấp đầy đủ các khóa học để xây dựng năng lực cốt lõi, năng lực chuyên môn và năng lực lãnh đạo. Không đứng ngoài xu thế, Việt Nam cũng đã ứng dụng mô hình đào tạo e-Learning thông qua đối tác chiến lược của Skillsoft là Nexedu.

SMEs có cần chuẩn hóa khung năng lực? - 2
Ngân hàng e-Learning Skillsoft cung cấp những khóa đào tạo bổ trợ khung năng lực chuẩn quốc tế cho doanh nghiệp

Hình thức e-Learning linh hoạt giúp SMEs chủ động về thời gian đào tạo, cá thể hóa không gian, thời gian và nội dung học tập. Đào tạo một cách đồng bộ, nhanh chóng, và vẫn đảm bảo tiến độ công việc giúp các doanh nghiệp duy trì thế trận kinh doanh trong cuộc đua chuyển dịch số dồn dập hiện nay.

Minh Long