1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Suy thoái xưa, nay qua “góc nhìn” Anh quốc

(Dân trí) - Nền kinh tế càng phức tạp lại càng mong manh và khi nó tan rã thì cơn hồng thủy lại càng hung tợn. Hãy xem lịch sử dạy chúng ta điều gì. Người viết là giảng viên lịch sử tại trường Trinity College, ĐH Oxford.

Suy thoái xưa, nay qua “góc nhìn” Anh quốc - 1
Lạc quan nhưng vẫn lo cho nền kinh tế thế giới năm 2010.
 
Đón một năm mới nhiều lo âu và suy nghĩ, ít nhất Anh quốc cũng có thể an ủi chính mình vì hiện giờ không phải là 1.600 năm trước khi năm 410 bắt đầu. Trong năm đó thành Rome bị cướp phá và Đế chế này từ bỏ việc phòng thủ nước Anh.

Tuy đánh dấu điểm khởi đầu một lịch sử rực rỡ của người Anh, khi những tộc người Anglo-Saxon bắt đầu cuộc chinh phạt không gì ngăn nổi xuống vùng đất thấp Anh quốc, nó cũng khơi mào một cuộc suy thoái mà những gì diễn ra gần đây không thể sánh nổi.

Dưới đế chế La Mã, Anh quốc được hưởng lợi nhờ việc sử dụng hệ thống tiền đúc tinh vi bằng ba kim loại, vàng, bạc và đồng, giúp bôi trơn nền kinh tế. Đến thập niên đầu thế kỷ thứ 5, tiền xu từ các mỏ của Đế chế trên lục địa không còn chảy đến Anh quốc và cho dù cũng có một số cố gắng tự sản xuất đồng tiền thay thế nhưng chúng cũng sớm bị bỏ dở.

Trong suốt 300 năm kể từ năm 420 SCN, nền kinh tế Anh vận hành mà không có tiền kim loại. Các ngành công nghiệp trọng yếu cũng đi xuống theo con đường tương tự.

Người La Mã ở Anh không thiếu những vật dụng đơn giản bằng sắt như đinh tán giày hay đinh đóng quan tài (được tìm thấy trong các mộ táng La Mã). Cũng giống như tiền kim loại những thứ này cũng biến mất vào đầu thế kỷ 5 cùng với ngành sản xuất bình gốm bằng bàn xoay.

Khu vực Anh Quốc dưới sự cai trị của La Mã có một mạng lưới thành thị dày đặc, từ các khu dân cư lớn như London và Cirencester có chức năng hành chính đến những trung tâm thương mại nhỏ mọc lên quanh các trục giao thông thủy bộ.

Cho đến năm 450, tất cả đã biến mất hoặc đang đứng trên bờ diệt vong. Canterbury, thị trấn duy nhất ở Anh vẫn còn cư dân kể từ thời La Mã cho đến nay, trong các thế kỷ từ 5 đến 7 giống như một tập hợp những mái nhà gỗ đơn sơ hơn là một đô thị đúng nghĩa.

Hơn nữa, chỉ đến thế  kỷ 8, với việc các trung tâm buôn bán như London và Saxon Southampton (tái) mọc lên, đời sống đô thị mới trở về với nước Anh. Trong 200 - 300 năm tính từ thế kỷ 5, kinh tế Anh trở về mức trước khi La Mã xâm lăng năm 43 TCN.

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong cuộc “đại suy thoái” ấy là quy mô và sự bất ngờ của nó. Có thể sẽ chẳng lấy gì làm ngạc nhiên nếu sau khi tách ra khỏi đế chế nước Anh có quay lại thời kỳ Đồ sắt tiền La Mã.

Nhưng miền Nam nước Anh trước khi bị La Mã thôn tính có nền kinh tế tiên tiến hơn nhiều so với nước Anh thế kỷ 5 - 6 với hệ thống tiền kim loại bản địa; đồ gốm làm bằng bàn xoay; và cả những khu định cư mang dáng dấp đô thị.

Chúng đều biến mất trong hai thế kỷ 5 - 6 và chỉ đến thế kỷ 8 nền kinh tế Anh quốc mới phục hồi lại được như trước cuộc xâm lăng của Hoàng đế Claudius.

Khó mà nói chắc được khi nào Anh quốc mới đạt tới những thành tựu như thời đỉnh cao dưới thời đế chế La Mã, có thể phải đến năm 1000 hoặc 1100. Nếu vậy, cuộc suy thoái hậu La Mã đã kéo dài 600 tới 700 năm.

Ít nhất thì cũng có chút vui từ câu chuyện buồn này, vì cuộc suy thoái hiện nay vẫn chưa là gì cả. Nhưng sung sướng trên đau khổ của người khác thì chẳng có gì đáng tự hào, đặc biệt là trong tình thế hiện nay.

Lý do nền kinh tế Anh quốc hậu La Mã sụp đổ có thể để lại cho chúng ta nhiều suy ngẫm. Gần như chắc chắn rằng sự đột ngột và khủng khiếp của cuộc suy thoái này là do nền kinh tế dưới thời La Mã đã quá tinh vi và chuyên môn hóa cao độ.

Cư dân La Mã-Anh ngày càng quen với việc mua bình gốm, đinh tán và nhiều vật dụng cơ bản khác từ những nghệ nhân cách đó nhiều dặm, những nghệ nhân này đến lượt mình lại dựa vào thị trường rộng lớn để duy trì sản xuất.

Khi bất ổn ập đến vào thế kỷ 5, cấu trúc mong manh ấy đổ sụp, khiến dân cư không còn mua được hàng hóa mình muốn mà cũng không có được kỹ năng hay phương tiện cần thiết để sản xuất chúng ngay tại địa phương. Phải mất hàng thế kỷ mới xây dựng lại được mạng lưới chuyên môn hóa và trao đổi tương tự như thời La Mã.

Nền kinh tế Anh Quốc hiện nay đương nhiên ở một trình độ khác hẳn so với thời thuộc La Mã. Sản phẩm kim khí và đồ gốm không phải được sản xuất ở cách nơi tiêu thụ vài dặm mà ở phía bên kia địa cầu trong khi việc thanh toán được tiến hành thông qua hệ thống điện tử đôi khi có phần mù mờ.

Nếu nền kinh tế hiện nay thực sự sụp đổ, thì những gì diễn ra vào thế kỷ thứ 5 hãy còn quá nhẹ nhàng.

Minh Tuấn (tổng hợp)