1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

“Tàu điện một ray không chỉ tiết kiệm chi phí…”

(Dân trí) - “Không chỉ là tiết kiệm chi phí, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, việc xây dựng tàu điện 1 ray còn là cú huých để đưa ngành cơ khí trong nước phát triển…” - lãnh đạo Vinaconex khẳng định.

“Tàu điện một ray không chỉ tiết kiệm chi phí…” - 1
Vinaconex đang đề xuất triển khai tàu điện 1 ray trên tuyến đường Láng - Hòa Lạc kéo dài đến Nam Hồ Tây (ảnh minh họa)
 
Ý tưởng đầu tư cho dự án tàu điện 1 ray trong những ngày qua đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận trong nước. Vì sao Vinaconex lại đề xuất phương án này và vì sao lại chọn tuyến đường từ Láng - Hòa Lạc kéo dài đến Nam Hồ Tây để thử nghiệm? Xung quanh vấn đề này, ông Đoàn Châu Phong - Phó Tổng Giám đốc Vinaconex cho biết:
 
Về ý tưởng đầu tư tuyến đường sắt trên cao, chúng tôi trình Thủ tướng Chính phủ từ năm 2002, khi bắt đầu triển khai xây dựng tuyến đường Láng - Hoà Lạc. Theo đó, Vinaconex đã đề xuất làm tuyến tàu điện một ray để chỉnh trang toàn bộ tuyến đường cao tốc Láng - Hoà Lạc và đã được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
 
Chúng tôi chọn tuyến Láng - Hoà Lạc để xây dựng tàu điện 1 ray, ngoài việc muốn xây dựng một tuyến đường mẫu của đô thị Việt Nam, thì còn tận dụng được lợi thế về vị trí đất lưu không tại dải phân cách giữa 2 làn xe cơ giới, nên tiết kiệm được chi phí và thời gian cho việc giải phóng mặt bằng.
 
Nếu xây dựng tàu điện 1 ray, chúng ta sẽ tận dụng được gì ở lợi thế của Việt Nam?
 
Ở các nước, trong tổng chi phí đầu tư tàu điện 1 ray thì ước tính 60% cho phần xây dựng, 25% cho chi phí thiết bị, 5% chi phí vận hành và 10% là chi phí bảo hành, bảo dưỡng...
 
Còn ở Việt Nam, trong tổng chi phí này chúng ta hoàn toàn có thể tiết kiệm được 50% chi phí xây dựng do ứng dụng công nghệ mới mà Vinaconex đang thi công như: công nghệ bê tông dự ứng lực, chi phí nhân công… để giảm chi phí chung toàn dự án.
 
Ngoài ra, về đầu tư sản xuất thiết bị, đây cũng là cơ hội cho ngành cơ khí trong nước nội địa hoá các chi tiết như phần ray, vỏ thân tàu; chỉ còn nhập động cơ và phần điều khiển nhưng tôi tin là kể cả phần điều khiển, chúng ta cũng chế tạo được trong nay mai.
 
Như vậy, so với mức đầu tư tàu điện 1 ray trên thế giới, liệu suất đầu tư của chúng ta có cạnh tranh không?
 
Hoàn toàn cạnh tranh, như chúng tôi tính toán sơ bộ, chi phí cho tuyến tàu điện 1 ray trên thế giới, cụ thể như dự án Hita chi Okinawa 2003, suất đầu tư 44 triệu USD/km; Kuala Lumpur 2003: 36 triệu USD/km; tuyến cạnh tranh nhất hiện nay là Urbanaut Incheon - Korea 2008: 18 triệu USD/km… thì ở Việt Nam là 8 triệu USD/km (tương đương 152,9 tỉ đồng) và tổng mức đầu tư toàn tuyến khoảng 5.810 tỉ đồng.
 
So với các phương tiện giao thông khác, tàu điện 1 ray vẫn có suất đầu tư cao hơn, vậy việc thu hồi vốn sẽ được triển khai như thế nào?
 
Khi triển khai dự án, chúng ta thấy vấn đề an sinh ở đây là rất lớn, có thể giải quyết ách tắc giao thông, khuyến khích người dân tham gia phương tiện giao thông công cộng. Còn hiệu quả về tài chính thì cần phải thông qua một dự án nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá phân tích tổng thể về thời gian thu hồi vốn và các dự án đầu tư.
 
Xin cám ơn ông!
 
Lan Hương