DMagazine

"Thật bất ngờ" với mức tăng trưởng gây sốc của TPHCM

(Dân trí) - Với mức tăng trưởng quý I chỉ 0,7%, TPHCM bị giới chuyên gia lo ngại không thể hoàn thành mục tiêu 7,5-8% cho cả năm nay, thậm chí chỉ có thể đạt 5% ngay cả khi hành động nhanh, mạnh, quyết liệt.

"Thật bất ngờ" với mức tăng trưởng gây sốc của TPHCM

 Giữa cái nắng gay gắt, chị Hà, bán đồ thủ công mỹ nghệ gần cửa Bắc chợ Bến Thành (TPHCM) đang ngồi sắp xếp lại từng cái tượng nhỏ. Cả tuần nay, chị chẳng bán được món nào ra hồn. "Khách Tây lác đác, khách ta thì hầu như chẳng ai mua, hỏi xong báo giá cũng quay đi. Có người bảo thôi tầm này tiết kiệm tiền, trang trí gì nữa, sáng giờ ngồi xua ruồi không à", chị Hà ngao ngán. 

TPHCM đã hoàn toàn bình thường. Ở thành phố này, chẳng ai còn nhắc tới đại dịch Covid-19 nữa. Dù thế, cuộc sống, với những tiểu thương ở chợ Bến Thành - biểu tượng giao thương của TPHCM - như chị Hà thì vẫn "khá là bất thường". Vốn dĩ là điểm đến khó có thể bỏ qua trong các tour du lịch của khách ngoại quốc nhưng đến nay lượng khách này đã giảm đi rất nhiều so với thời điểm trước dịch. 

Khó

Gần 2.700 sạp hàng ở chợ An Đông (An Đông Plaza, quận 5, TPHCM) hồi cuối tháng 3 đồng loạt đóng cửa, đòi miễn phí thuê năm 2023 và giảm 30% cho các năm tiếp theo. Các tiểu thương cho biết doanh số đều giảm 60-80%. Mỗi ngày chỉ lưa thưa vài trăm khách ghé chợ trong khi trước dịch có hàng nghìn lượt người. Một số chủ sạp hàng thậm chí thừa nhận lỗ vì ế ẩm, số khác chấp nhận lấy tiền túi trả lương nhân viên vì không có doanh số.

Không chỉ các chợ truyền thống, lâu đời của TPHCM rơi vào cảnh cầm chừng, nhiều trung tâm thương mại lớn cũng vắng khách. Ngoại trừ quận 1, nơi tập trung đông đúc nhân viên văn phòng, khách du lịch thì tại quận 7, Bình Thạnh, quận 10…, các trung tâm thương mại thường xuyên thưa người, ngay cả cuối tuần hay buổi trưa.

Một tòa nhà mới đây còn đóng cửa nhiều cửa hàng kinh doanh trong khu thương mại, khung cảnh đìu hiu không bóng người. Sau đó, đại diện chủ đầu tư cho biết đang cải tạo, nâng cấp ý tưởng phù hợp để đáp ứng nhu cầu khách thuê.

Thật bất ngờ với mức tăng trưởng gây sốc của TPHCM - 1
Thật bất ngờ với mức tăng trưởng gây sốc của TPHCM - 2
Thật bất ngờ với mức tăng trưởng gây sốc của TPHCM - 3

Các con phố lớn với mặt tiền kinh doanh từng được mệnh danh là "vị trí vàng", "vị trí kim cương" cũng bị bỏ trống hàng loạt. "Phố tiền tỷ" Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, trước đây chỉ cần rao cho thuê là ngay lập tức có khách, giờ đây chung cảnh im lìm. Trên đường Hai Bà Trưng, Lý Tự Trọng hay Ngô Đức Kế, Lê Lợi… nhiều cửa hàng 2 mặt tiền bỏ hoang cả năm nay, tấm bạt phủ bên ngoài đã rách tả tơi theo mưa nắng. Một số mặt bằng tiền tỷ giờ là nơi các gánh hàng rong tận dụng bán đồ ăn nhanh.

Chị Tính, chủ một quán bún bò nhỏ trong con hẻm nhỏ ở đường Hồ Bá Kiện, quận 10 thở dài nói: "Cứ ngỡ dịch Covid-19 qua đi, quán bún bò có khách trở lại, ai dè đìu hiu thưa vắng". Mỗi sáng, người chủ quán hàng gần 10 năm này chỉ bán được chừng 30 tô, giảm 70% so với trước đây.

Gia đình chị đã phải thắt chặt chi tiêu để duy trì cuộc sống. Thay vì mua một chiếc quần mới cho con vào lớp 1, chị Tính sửa sang lại đồng phục của đứa lớn để đứa nhỏ mặc. Thay vì mua một chút thịt bò cải thiện bữa ăn, cả gia đình ăn chút cá nước lợ miền Tây qua ngày.

Nhưng mất đi nguồn thu từ 70 tô bún mỗi ngày chưa phải là khó khăn lớn nhất với gia đình chị Tính. Chồng chị - anh Tâm - một nhân viên bất động sản, vừa mất việc sau đợt sa thải thứ 3 của một doanh nghiệp có tiếng.

Công ty nơi anh Tâm làm việc là chủ đầu tư nhiều dự án lớn tại TPHCM, Đồng Nai. Nhưng cả năm nay, công ty không có nổi một căn hộ để bán, dù từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022 đã bắt đầu thực hiện các thủ tục để hoàn thiện pháp lý dự án. Thủ tục còn đang dang dở thì ngân hàng thắt chặt tín dụng, chủ đầu tư không vay được tiền; trái phiếu phát hành cũng bị kiểm soát, chủ đầu tư không thể huy động vốn.... Nguồn tiền vào không có, pháp lý "đứng im", chưa kể nợ vay trước đó không có tiền trả khiến công ty lao vào vòng xoáy cạn tiền, cạn vốn.

Đợt 1. Đợt 2. Rồi đợt 3… Các đợt cắt giảm nhân sự liên tiếp diễn ra. Anh Tâm nằm trong số hơn 3.000 nhân viên thuộc diện cắt giảm. Nói cắt giảm cho nhẹ nhàng, thực chất là công ty cho anh nghỉ việc. Khi anh ra đi, nhiều phòng ban thậm chí chỉ còn một giám đốc bộ phận và một trưởng phòng, không còn nhân viên.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản khác chung tình cảnh tương tự nơi anh Tâm từng làm: không có dự án, không có nguồn thu, cắt giảm nhân viên, nợ lương, thậm chí báo lỗ, phá sản... Kéo theo đó, các nhà thầu xây dựng không có việc để làm, không có tiền trả lương công nhân, thậm chí phải gán tài sản để trả nợ.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) xót xa: Ngành bất động sản chưa bao giờ khó khăn đến thế!

Thật bất ngờ với mức tăng trưởng gây sốc của TPHCM - 4

3 tháng đầu năm, TPHCM có tới hơn 11.300 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động (Ảnh minh họa: Hải Long).

Khó khăn không chỉ riêng với một ngành nghề kinh doanh cụ thể. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, 3 tháng đầu năm nay có tới hơn 11.300 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động. 83% doanh nghiệp gặp khó vì thị trường bị thu hẹp, hàng tồn kho nhiều, giá nguyên liệu đầu vào tăng, khó tiếp cận nguồn vốn…

Đừng chỉ mạnh tay với cán bộ làm sai, hãy mạnh tay với cả cán bộ không làm

Sự suy giảm nhìn thấy rõ từ mọi mặt của nền kinh tế biểu hiện lên kết quả tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TPHCM trong quý I vừa qua chỉ đạt 0,7%, thấp nhất trong 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đứng thứ 56 trên 63 toàn quốc. "Đầu tàu kinh tế của cả nước" đã đứng sau sự tăng trưởng của Hải Phòng (9,65%), Đà Nẵng (7,12%), Hà Nội (5,8%) và Cần Thơ (4,02%).

Trong đó, 4 trên 9 ngành dịch vụ trọng yếu của TPHCM có mức tăng trưởng âm, đặc biệt ngành kinh doanh bất động sản giảm tới 16,2%. Bí thư TPHCM Nguyễn Văn Nên phải thốt lên: "Không ngờ thấp đến mức sâu như thế. Khó khăn đã nằm trong dự tính từ trước nhưng thực tế sâu hơn cái mà chúng ta dự đoán". Câu nói trong phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội TPHCM quý I và nhiệm vụ, giải pháp quý II vào sáng 1/4.

Đây không phải lần đầu tiên TPHCM cho thấy sự thụt lùi trong tăng trưởng. Giai đoạn 2011-2015, kinh tế thành phố duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao. Tăng trưởng bình quân  đạt 9,6%/năm, gấp 1,63 lần bình quân chung của cả nước. Đến giai đoạn 2016-2020, con số này đạt 6,41%/năm, đóng góp trên 22% GDP cả nước nhưng đã chậm hơn giai đoạn trước và thấp hơn Hà Nội (7,39%/năm).

Không chỉ mình Bí thư Nguyễn Văn Nên "không ngờ". Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu còn cho rằng con số 0,7% là thảm hại với một nền "kinh tế đầu tàu" như TPHCM.

Chia sẻ với Dân trí, ông Hiếu chỉ ra nguyên nhân chính dẫn đến sự trì trệ của TPHCM là sự chững lại của thị trường bất động sản và sự đóng băng của thị trường tài chính. Điều này bị chi phối bởi rào cản về thủ tục hành chính kéo dài, gây nhiều hệ lụy. Nhiều cán bộ sợ trách nhiệm, không dám đưa ra quyết định. Do đó, ông Hiếu cho rằng bên cạnh việc "mạnh tay" với cán bộ làm sai thì còn cần quy trách nhiệm với những cán bộ không chịu hành động, không can đảm nhận trách nhiệm.

Nêu ý kiến tại cuộc họp của UBND TP vào ngày 1/4, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nêu 2 nguyên nhân khách quan dẫn tới con số 0,7%. Đó là biến động tài chính thế giới và các động thái chấn chỉnh lại thị trường bất động sản, tài chính ở trong nước từ quý IV/2022. TPHCM chịu tác động nặng nhất từ 2 yếu tố này, đến nay đã "dễ chịu hơn".

Tuy nhiên, thành phố chưa tận dụng được hiệu quả 3 công cụ vốn là vốn đầu tư công, tư nhân, vốn từ thị trường nội địa. Trong đó, vốn đầu tư công trong quý I chỉ được giải ngân 2%, nghĩa là gần như TPHCM bỏ hoàn toàn công cụ này. Chính phủ đang tập trung tháo gỡ áp lực về vốn, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, gồm cả đầu tư công, tư nhân, tháo gỡ các dự án tồn đọng nhưng vẫn "vô vọng" ở TPHCM. Cuối cùng, TPHCM chưa phát triển tốt thị trường nội địa.

Cần giải pháp mạnh

TPHCM đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GRDP năm nay khoảng 7,5-8%. TS. Trần Du Lịch đặt kỳ vọng nền kinh tế TPHCM có sự khởi sắc từ quý III năm nay. Để làm được điều đó, thành phố cần có những giải pháp cụ thể, rõ ràng để thực sự tạo chuyển biến tích cực.

Cùng quan điểm này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đây là một con số tham vọng, với tình hình hiện nay thì khả thi nhất chỉ đạt GRDP khoảng 5%. Thành phố cũng cần có các biện pháp mạnh mẽ vực dậy nền kinh tế trong nửa năm sau, và phải là các phương án cụ thể, chỉ đạo thực tế, không chung chung.

Ông Hiếu đề xuất TPHCM cần xây dựng một trung tâm tài chính tầm cỡ, bao gồm nhiều định chế tài chính khác nhau, có thể do Chính phủ điều hành. Việc này đã được đề cập nhiều năm nhưng chưa thể thực hiện và có thể đây là thời điểm cần thiết để triển khai.

Cụ thể hơn, TPHCM cần phục hồi sản xuất kinh doanh, nhất là tại các khu công nghiệp. Hiện tại, nhiều hoạt động sản xuất đã được bình thường hóa nhưng chưa trở lại được như trước Covid-19. Thành phố cần quan tâm nhiều hơn, có các biện pháp hỗ trợ khu công nghiệp về pháp lý, hạ tầng, mặt bằng lao động, các thủ tục hành chính…

Thật bất ngờ với mức tăng trưởng gây sốc của TPHCM - 5

Thu hút nguồn lực xã hội cho các dự án hạ tầng giao thông, đô thị và dịch vụ là một trong những nhiệm vụ mà TPHCM xác định cần hành động ngay trong tháng 4 này (Ảnh: Hải Long).

TPHCM cũng như cả nước dựa nhiều vào thị trường xuất khẩu. Việt Nam có độ mở kinh tế với thế giới, khi có hơn 20 hiệp định thương mại tự do, giá trị xuất nhập khẩu 2 chiều hơn 700 tỷ USD, tương đương 180% GDP. Nhưng theo ông Hiếu, Việt Nam lại lệ thuộc vào nền kinh tế thế giới. Do đó, TPHCM cần đa dạng hơn thị trường xuất khẩu, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa.

Với "điểm nghẽn" thủ tục hành chính, ông Hiếu kêu gọi tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đúng là làm, sẵn sàng nhận trách nhiệm và cơ quan giám sát, kiểm tra cũng phải làm đúng, xử lý trường hợp vi phạm tiêu cực và nhìn nhận đúng các trường hợp sai do khách quan.

Khích lệ, tạo động lực mới cho cán bộ, công chức, viên chức TPHCM cũng là giải pháp đầu tiên mà TS. Huỳnh Thế Du đưa ra trong việc giải quyết bài toán trì trệ hiện nay. Theo TS. Huỳnh Thế Du, các lãnh đạo cấp cao của TPHCM sẽ phải nỗ lực gấp bội để đưa ra thông điệp rõ ràng, khuyến khích đội ngũ chủ động, sáng tạo ứng phó với những khó khăn hiện tại, tạo nên một đợt "phá rào" mới trong phát triển kinh tế.

Với câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công, TPHCM cần phân công bám sát để cùng "đếm" kết quả, làm việc chặt chẽ với Trung ương để sớm có những cơ chế đặc thù mang tính chiến lược. Trước mắt, thành phố chỉ nên tập trung vào một số ít khả thi, thay vì nhiều nhưng khó triển khai, ít tác động.

Hành động ngay trong tháng 4

Ngay trong tháng 4, UBND TPHCM xác định một số nhiệm vụ cần tập trung thực hiện ngay, như hoàn thiện đề án thu hút FDI và thu hút nguồn lực xã hội cho các dự án hạ tầng giao thông, đô thị và dịch vụ cho TP; Rà soát, đánh giá và triển khai các giải pháp nâng cao tỷ lệ tăng trưởng 4 ngành công nghiệp trọng điểm và 9 ngành dịch vụ.

Thành phố sẽ tiến hành rà soát các quy hoạch gắn với định hướng phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và định hướng chính sách phát triển công nghiệp Thành phố trong bối cảnh mới. Đồng thời, thành phố xây dựng đề án mở rộng khu Công nghệ cao hiện hữu; Xây dựng đề án nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP (ITPC); đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống quản trị thực thi, tiến độ triển khai đề án dữ liệu.

Ngoài ra, thành phố sẽ tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện 26 đề án, chương trình, hoàn thiện trình Bộ Xây dựng thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức thuộc TPHCM đến năm 2040; Ban hành, triển khai thực hiện chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; Triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển minh bạch, lành mạnh thị trường bất động sản…

Đà tăng trưởng của TPHCM đang giảm và đặt ra những thách thức để có thể bứt phá. TPHCM cần một cơ chế, chính sách vượt trội. Hiện tại, TPHCM trông chờ vào một số cơ chế, chính sách đặc thù để có thể phát triển. Cuối tháng 3, Chính phủ đã có tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị bổ sung Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (thay thế Nghị quyết 54) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm nay.

7 nhóm chính sách đặc thù cho TPHCM gồm chính sách về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TPHCM và TP Thủ Đức (thuộc TPHCM).

Giới chuyên gia cho rằng việc thí điểm cơ chế cho TPHCM là cần thiết. TS. Nguyễn Trí Hiếu ủng hộ việc TPHCM được thực hiện cơ chế đặc thù. Nếu các rào cản được thông qua, TPHCM sẽ có cơ hội để phát triển. Tuy nhiên, khả năng được thông qua cơ chế đặc thù theo dự đoán của ông Hiếu là 50%.

Nội dung: Kim Ngọc