1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban kinh tế Trung ương:

Tình trạng độc quyền nhà nước trong lĩnh vực năng lượng còn cao

(Dân trí) - Sáng nay (22/7), tại Diễn đàn cấp cao về năng lượng, Ủy viên Bộ Chính trị, trưởng ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng: Tình trạng độc quyền Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng còn cao.

"Từ nay đến năm 2025, Việt Nam phải tăng thêm 5.000 MW điện nguồn, có cả điện tái tạo. Tính ra mỗi năm cần số vốn đầu tư 7 đến 10 tỷ USD, đó là chưa tính đến vốn đầu tư mạng lưới truyền tải", đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam năm 2020 đang diễn ra sáng nay (22/7) tại Hà Nội.

Tình trạng độc quyền nhà nước trong lĩnh vực năng lượng còn cao - 1

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Diễn đàn

Tại diễn đàn thu hút hơn 1.500 diễn giả, học giả, giới đầu tư năng lượng của trong và ngoài nước, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các Bộ ngành Việt Nam thể hiện rõ mong muốn thu hút nguồn lực tư nhân, liên doanh hợp tác phát triển năng lượng tại Việt Nam, nhấn mạnh hợp tác năng lượng xanh, sạch và bền vững như điện mặt trời, điện gió và điện sinh khối.

Việt Nam cần 7-10 tỷ USD đầu tư nguồn điện

Tại Diễn đàn cấp cao, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, thay mặt Chính phủ nhấn mạnh chính sách của lãnh đạo Đảng, Chính phủ về chủ trương thúc đẩy phát triển an ninh năng lượng và năng lượng xanh, sạch và bền vững.

Phó Thủ tướng khẳng định, ngành năng lượng Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng và góp phần vào nhiệm vụ phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, nhiệm vụ mới, thách thức mới ngành này cần phải tăng tốc, phát triển sớm, mạnh hơn.

"Từ nay đến năm 2025, Việt Nam phải tăng thêm 5.000 MW điện nguồn, có cả điện tái tạo. Tính ra mỗi năm cần số vốn đầu tư 7 đến 10 tỷ USD, đó là chưa tính đến vốn đầu tư mạng lưới truyền tải. Chính vì vậy, rất cần cơ chế, chính sách phát triển đúng đắn nhằm huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước cho tư nhân phát triển điện", Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, chiến lược xây dựng năng lượng quốc gia Việt Nam khuyến khích giảm dần nguồn điện hóa thạch, nhiệt điện, ưu tiên nguồn điện khí và đẩy mạnh năng lượng tái tạo để phát triển bền vững năng lượng Việt Nam. Bên cạnh đó, phát triển không gian điện năng để phát triển đúng với tiềm năng của đất nước, đồng thời hướng đến giải tỏa công suất và tăng cường kết nối năng lượng với các quốc gia và khu vực.

Độc quyền nhà nước trong ngành năng lượng vẫn cao

Tình trạng độc quyền nhà nước trong lĩnh vực năng lượng còn cao - 2

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban kinh tế trung ương

Tại Diễn đàn, phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Bình đánh giá những thành tựu to lớn của ngành năng lượng Việt Nam, đồng thời chỉ ra nhiều hạn chế, yếu kém.

Cụ thể, ngành năng lượng còn khó khăn trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu phát triển và phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi.

Theo ông Bình, thị trường năng lượng cạnh tranh của Việt Nam phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện.

"Tình trạng độc quyền Nhà nước còn cao, các chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội", Trưởng Ban kinh tế trung ương nói.

Theo Trưởng Ban kinh tế trung ương: “Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ban hành ngày 11/2/2020 đã tạo bước đột phá về phát triển ngành năng lượng quốc gia, giành ưu tiên cao hơn cho việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới và năng lượng sạch”.

Trước nhiều chuyên gia, học giả và nhà đầu tư trong và ngoài nước trong lĩnh vực năng lượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban kinh tế trung ương đề nghị các chuyên gia có kiến nghị, đề xuất cụ thể để sớm hoàn thiện thể chế cho phát triển ngành năng lượng, trong đó trọng tâm là xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả.

"Các chuyên gia kiến nghị về các cơ chế, chính sách đột phá cho chuyển dịch năng lượng thành công, tạo cơ chế thuận lợi cho huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển năng lượng quốc gia; đầu tư công nghệ và sử dụng tiết kiệm năng lượng", ông Bình nêu.

Còn chồng chéo, vướng mắc trong nhiều Luật

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh dù chính sách phát triển năng lượng được cụ thể hóa bằng Nghị quyết của Bộ Chính trị, song một số chính sách ở các Luật chuyên ngành vẫn vẫn chồng chéo, vướng mắc cần được sửa đổi như tại Luật Điện lực, Luật Dầu khí, Luật Khoáng sản...

Tình trạng độc quyền nhà nước trong lĩnh vực năng lượng còn cao - 3

Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương

Ông Tuấn Anh đề nghị cần tổng kết, rà soát và sửa đổi các luật trên để hạn chế tối đa sự chồng chéo, mẫu thuẫn giữa các luật, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, nhất quán và tháo gỡ những nút thắt còn tồn tại.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, sự phát triển kinh tế của Việt Nam đã khiến chúng ta từ một nước xuất khẩu năng lượng, trở thành nước nhập khẩu thô năng lượng.

"Trong ngắn hạn, Chính phủ sẽ thúc đẩy triển khai chương trình trao đổi điện từ các nước láng giềng Lào, Campuchia và Trung Quốc. Nghiên cứu, thực hiện các giải pháp kỹ thuật nhập khẩu từ các nhà máy điện hoặc qua lưới điện; nghiên cứu liên kết lưới điện với các nước tiểu vùng Mekong để tăng cường đa dạng hóa nguồn năng lượng", ông Trần Tuấn Anh nói.