1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Tổng Giám đốc Lilama: Nhà quản lý = Tâm + Tài

(Dân trí) - Phạm Hùng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) là người đã thành danh trong giới doanh nhân. 35 tuổi nghề và 26 năm làm lãnh đạo, ở con người này dường như đã đạt được hết độ chín trong cuộc đời của một người đàn ông. Từng trải, thành đạt, lịch thiệp và trên hết là tấm lòng yêu thương con người...

Nuôi dưỡng bởi quá khứ

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, chàng trai trẻ Phạm Hùng đã mang sẵn trong mình dòng máu của tính cần cù, chịu thương chịu khó. Hành trang mà anh mang theo suốt  những năm đi học xa nhà, xa quê hương là hình ảnh người mẹ thân thương, tần tảo, là cái làng chài thân thuộc và niềm kiêu hãnh về người cha.

Những công trình mà Lilama đã áp dụng mô hình EPC là: Nhà máy (NM) nhiệt điện Uông Bí mở rộng MW, NM nhiệt điện Cà Mau 720MW, NM xi măng Hoàng Thạch III, Thăng Long, Sông Thao, NM lọc dầu Dung Quất...

Trải qua 45 năm xây dựng và trưởng thành, Lilama đã vinh dự được nhân 12 Huân chương của Đảng, Nhà nước và hàng trăm Huân chương lao động dành cho từng tập thể, cá nhân.

Cha mất lúc anh vừa tròn ba tuổi, mẹ anh một tay nuôi bảy người con khôn lớn, trưởng thành. Thời bấy giờ nhà anh giàu, to nhất làng, có đến bốn chiếc thuyền buôn và đánh cá. Năm đói Ất Dậu cha anh cho hai chiếc thuyền vào tận Sài Gòn, Cần Thơ để mua gạo về cứu đói cho dân làng.

Thế nhưng, đến năm 1954, đất nước tiến hành cải cách ruộng đất, nhà anh bị quy là địa chủ. Trong kí ức của người đàn ông trưởng thành này vẫn còn in đậm hình ảnh một thằng bé với đôi mắt sợ hãi, nép chặt bên mẹ nhìn cảnh đám đông xô nhau đến lấy tiền, lấy mâm đồng, nồi niêu xoong chậu và thóc gạo. Tám mẹ con phải dắt díu nhau ra khỏi căn nhà của ông cha để sang tá túc trong một căn nhà bé tẹo, lụp xụp.

“Một thời gian sau, mẹ lại đưa anh chị em tôi trở về nhà cũ cùng bức Huân chương kháng chiến. Cha tôi được truy tặng liệt sĩ. Lúc còn sống, ông là Chủ tịch xã kháng chiến Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã hi sinh cùng với 107 người khác trong một trận đột kích của Pháp ngày 27.7.1953. Cả xã hiện giờ vẫn chung một ngày giỗ”, nét trầm ngâm hiện rõ trên khuôn mặt anh khi nhớ lại quá khứ.

Nhà quản lý = Tâm + Tài

Chính việc được thừa hưởng tính cách quả quyết của cha, sự tháo vát của mẹ đã tạo nên một doanh nhân Phạm Hùng đĩnh đạc, tự tin và quyết đoán như ngày hôm nay. Anh đã quyết việc gì là làm, kể cả không được người khác ủng hộ.

Vốn là một kĩ sư tốt nghiệp Trường Năng lượng Moskva (Liên Xô cũ), trải qua một quá trình đúc rút kinh nghiệm làm việc tại nhiều công trình công nghiệp của đất nước, anh nhận thấy nhiều thiết bị ngành lắp máy có thể chế tạo được, tại sao lại phải nhập ngoại(?) Đau buồn hơn cả là khi mình phải làm thuê cho người nước ngoài trên chính đất nước mình...

Những ngày đầu khi anh trình bày phương án Lilama đứng ra làm tổng thầu EPC (từ tư vấn thiết kế đến cung cấp thiết bị và tổ chức thi công) cho các công trình xây dựng, nhiều người đã bĩu môi, chê anh là “ngựa non háu đá”. Nhưng cũng với sự tự tin, quả quyết của một nhà doanh nghiệp, Dự án EPC đã đưa Lilama trở thành doanh nghiệp đầu tiên của ngành xây dựng và cũng là doanh nghiệp đầu tiên trong cả nước được Đảng và Nhà nước giao ứng dụng và thực hiện các công trình trọng điểm, làm lợi cho quốc gia hàng nghìn USD.

Là người đứng đầu của một đơn vị với 20.000 công nhân viên, người ta vẫn thấy kĩ sư - Tổng Giám đốc Lilama Phạm Hùng đầu đội mũ bảo hộ sát cánh với anh em công nhân trên từng công trình. Chẳng  biết  từ  bao giờ, anh đã trở thành người anh cả nghiêm khắc nhưng hết đỗi thân thiết của “mái nhà” Lilama.

Tuy nhiên, “lãnh đạo” Phạm Hùng cũng là người “thay giám đốc như thay áo”. Đối với anh, trong công việc mọi thứ phải hoàn hảo. “Sự hoạt động của bộ máy phải luôn ở trạng thái động, phải được vận hành trơn tru, người nào phải vào đúng chỗ của người ấy. Khi tôi đã đặt anh ở vị trí nào, tôi đòi hỏi anh phải làm tốt yêu cầu ở vị trí đó.

Còn không, phải đặt vị trí khác cho anh và đặt vào đó người xứng đáng hơn”, Tổng Giám đốc Phạm Hùng khẳng khái nói.

Tiếp xúc với anh được nghe anh nói rất nhiều về hai từ Tâm và Tài trong kinh nghiệm quản lý. Bởi trong cương vị của một Giám đốc doanh nghiệp nhà nước nếu không có tâm sẽ tai hại vô cùng. Nhà nước giao cho Giám đốc nhiều của cải, quyền hành và với cương vị này, có quá nhiều cơ hội, nhiều kẽ hở để cho một anh giám đốc có thể biến của chung thành của riêng.

Và vì thế đã có nhiều người bị “ngã ngựa” bởi không biết dừng lại trước danh giới. Trong công việc, anh luôn đề cao những người có đầu óc chiến lược, biết vạch ra đường đi nước bước. Một người quản lý giỏi là người không những có tư duy kinh tế tốt mà còn phải  có tư duy tốt về xã hội, từ đó biết dùng người để tổ chức thực hiện, có bản lĩnh và biết chịu mọi trách nhiệm...

Và có lẽ những điều đó đã làm nên một doanh nhân – Anh hùng lao động Phạm Hùng trong thời kì đổi mới với 20.000 con người và những công trình mang thương hiệu Lilama trên mọi miền đất nước.

Nguyễn Hiền