Gen Z thích nhảy việc và lười phản biện: Xử lý ra sao?

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Gen Z thích nhảy việc là vấn đề khiến các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng đau đầu. Do đó, trường đại học cần có trách nhiệm trong giáo dục, định hướng cho sinh viên sau khi ra trường.

Gen Z thích nhảy việc và lười phản biện: Xử lý ra sao? - 1

TS Trần Việt Anh chia sẻ về mô hình đại học khởi nghiệp (Ảnh: Huyên Nguyễn).

TS Trần Việt Anh - Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Hùng Vương TPHCM (DVH) - đã thẳng thắn chia sẻ như vậy tại buổi lễ khai giảng năm học 2023-2024 và ra mắt bộ nhận diện thương hiệu.

Ông Việt Anh cho rằng, một trong những điều còn thiếu của giới trẻ Việt Nam hiện nay là sự tư duy. Nhiều người không dám tham gia, không dám phản biện ý kiến của mình một cách mạnh mẽ.

Ở khía cạnh khác, tình trạng nhảy việc của gen Z khiến các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng rất đau đầu.

Từ đó, vị Phó hiệu trưởng nhận định môi trường giáo dục đại học cần khuyến khích khả năng sáng tạo, tư duy độc lập, đặc biệt là tư duy phản biện của người học.

Ông đặt ra ba từ khóa cần giáo dục với các bạn trẻ đó là "trách nhiệm", "trung nghĩa" và "tự tin".

Giải thích sâu hơn, Phó hiệu trưởng DVH cho hay, trước hết, nhà trường cần có trách nhiệm xây dựng môi trường học tập lành mạnh, phát triển tối đa khả năng của sinh viên.

Song song đó, người học cần có trách nhiệm cùng với thầy cô, nhà trường để học tốt, tích lũy kiến thức, kỹ năng để làm việc có ích cho xã hội.

TS Việt Anh nhấn mạnh thêm, trước khi có trách nhiệm với xã hội, mỗi người cần có trách nhiệm với bản thân và những người xung quanh.

Từ "trung nghĩa" được vị lãnh đạo nhà trường nhận định rằng nó thể hiện sự trung thành, tin cậy, kiên định, tôn trọng sự công bằng, khách quan. Ông lấy ví dụ, các bạn làm doanh nghiệp và doanh nghiệp đối xử tốt, tạo ra môi trường văn hóa tốt, chúng ta phải trung thành.

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp phát triển không tốt, chúng ta cần xem lại cách làm việc như thế nào, có thể trung thành với đơn vị đó hay không chứ không thể dù sai vẫn chấp nhận theo cái sai của người chủ.

Gen Z thích nhảy việc và lười phản biện: Xử lý ra sao? - 2

Sinh viên cần được rèn luyện về "trách nhiệm", "trung nghĩa" và "tự tin" (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Ông Việt Anh cũng chỉ ra việc khởi nghiệp trong sinh viên ở Việt Nam còn manh mún, tỷ lệ thành công rất thấp. Do vậy, phải có một môi trường đại học khởi nghiệp, đào tạo ra con người dám nghĩ dám làm, dám đối mặt thử thách.

"Nhiều người nghĩ tự tin là ở tính cách nhưng chúng tôi cho rằng tự tin phải qua rèn luyện. Tự tin với những điều mà chúng ta cho là đúng. Tự tin còn là dám đương đầu, dám nghĩ, dám làm, chấp nhận đi ngược với số đông. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng cho việc khởi nghiệp sau này", TS Trần Việt Anh phân tích.

Ông bày tỏ ấp ủ xây dựng nhà trường trở thành một trường có định hướng ứng dụng, đại học khởi nghiệp.

Theo ông, trên thế giới, nhiều trường coi mô hình đại học khởi nghiệp như một thế hệ thứ ba của các mô hình đại học nhưng còn tương đối mới tại Việt Nam.

Để trở thành đại học khởi nghiệp, tiến sĩ cho rằng cần dạy về tinh thần khởi nghiệp, kỹ năng khởi nghiệp. Trong hệ sinh thái của đại học khởi nghiệp có vai trò nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Nhà trường nắm vị trí quan trọng trong việc tham gia quá trình đào tạo, khởi nghiệp, cơ sở giáo dục trở thành một thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp.

Vị phó hiệu trưởng cũng đề cập tới việc đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm vào những lĩnh vực thế giới cần như công nghệ, kinh tế xanh...; tối đa sự hợp tác giữa sinh viên, giảng viên, doanh nghiệp và xã hội.

Mục tiêu đặt ra là các ngành học được kiểm định và xếp hạng bởi các tổ chức kiểm định và đánh giá chất lượng giáo dục uy tín trong nước và trên thế giới.