Hệ lụy khi mượn hồ sơ của người khác đi xin việc

Xuân Trường

(Dân trí) - Thời gian qua, không ít lao động do chưa đủ tuổi lao động hoặc vì một số lý do cá nhân nên đã mượn hồ sơ của người thân để xin việc làm và tham gia BHXH. Đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Chị Nguyễn Thị Thu (20 tuổi, TPHCM) chia sẻ, khi đi làm, chị chưa đến tuổi lao động nên đã mượn chứng minh nhân dân (CMND) của chị gái để làm hồ sơ xin vào công ty làm việc.

"Từ khi mượn CMND của chị gái, tôi xin việc làm và đóng BHXH mang tên chị tôi. Tôi không biết việc mượn hồ sơ để xin việc có vi phạm pháp luật hay không? Giờ tôi nghỉ việc có được hưởng BHXH không", chị Thu băn khoăn.

Giải đáp nội dung này, luật sư Trần Văn nam (Đoàn luật sư TPHCM) khẳng định, mượn hồ sơ của người khác đi xin việc làm là hành vi vi pháp luật.

ho-so-xin-viec_Xuan-Truong

Người lao động mượn hồ sơ của người khác để xin việc, đi làm là hành vi vi phạm pháp luật (Ảnh minh họa, Xuân Trường).

Theo luật sư Nam, Công văn 1767/LĐTBXH-BHXH năm 2022 nêu rõ trường hợp người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động là vi phạm nguyên tắc trung thực và vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của BLLĐ năm 2019.

Ngoài ra, khoản 4 Điều 10 của Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định: "Các vấn đề khác liên quan đến việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự".

Khoản 4 Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (Luật BHXH) quy định, hành vi gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện BHXH, BHTN bị nghiêm cấm.

Cũng theo luật sư Nam, theo điểm d khoản 4 Điều 10 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người lao động hoặc người tuyển dụng có hành vi mượn CMND hoặc CCCD của người khác để làm hồ sơ giao kết hợp đồng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Cụ thể, khi mượn hồ sơ của người khác (trong đó có CMND, CCCD) thì cả người mượn và người cho mượn đều bị xử phạt vi phạm hành chính từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm.

tim-viec-lam_Xuan-Truong

Để tránh bị ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân, người lao động không được mượn hồ sơ của người khách để xin việc làm (Ảnh: Xuân Trường).

Chưa hết, khoản 6 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định biện pháp khắc phục hậu quả cho hành vi gian lận khi giao kết hợp đồng lao động là: Buộc nộp lại Giấy chứng minh nhân dân, thẻ CCCD hoặc Giấy xác nhận số CMND; hoặc buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Ngoài vi phạm pháp luật, người lao động bị xử phạt hành chính thì công ty có thể áp dụng một trong các biện pháp xử lý kỷ luật: khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng, cách chức, sa thải theo quy định tại Điều 117 và Điều 124 BLLĐ năm 2019.

"Việc mượn hồ sơ của người khác để xin việc là hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, người lao động cần đặt yếu tố trung thực lên hàng đầu trong việc cung cấp thông tin, hồ sơ và tài liệu liên quan của bản thân, để tránh bị ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình", vị luật sư khuyến cáo.

Mượn hồ sơ xin việc có được hưởng BHXH?

Khi người lao động đang mượn tên hoặc đang dùng hồ sơ mang tên người khác để đi làm việc nên thông báo cho người sử dụng lao động và cơ quan BHXH biết để được hướng dẫn điều chỉnh hồ sơ, nhằm bảo vệ quyền lợi của bản thân.

Cụ thể, căn cứ vào Văn bản hướng dẫn số 880/BHXH-ST, người lao động thể tiến hành như sau:

Thứ nhất, người mượn hồ sơ phải đến Sở LĐ-TB&XH tỉnh (nơi làm việc) để trình báo về việc đang mượn hồ sơ của người khác làm việc, sau đó Sở LĐ-TB&XH sẽ tiến hành kiểm tra, lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính đối với người mượn hồ sơ.

Thứ hai, căn cứ vào Biên bản và Phiếu nộp phạt vi phạm hành chính, người mượn hồ sơ sẽ mang đến BHXH tỉnh, thành phố (bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính) kèm theo các hồ sơ sau để làm thủ tục hiệu chỉnh hồ sơ BHXH, cấp lại hoặc cấp mới sổ BHXH.