Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:

"Samsung cần chú trọng xây dựng quan hệ lao động hài hòa và tiến bộ..."

Hoàng Mạnh

(Dân trí) - Chiều 15/1, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã có buổi tiếp thân mật ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã bày tỏ sự vui mừng trước chuyến thăm đầu năm 2021 của đại diện Tổ hợp Samsung Việt Nam. Chuyến thăm cũng thể hiện quan tâm trong phát triển kinh tế và nhân lực của Samsung tại Việt Nam.

Bộ trưởng cho biết: "Năm 2020, trong bối cảnh tác động của Covid-19, Samsung vẫn duy trì công ăn việc làm, phúc lợi của người lao động. Đặc biệt, số lượng lao động ấn tượng lên tới 120.000 người. Con số này cũng tương đương với số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ở thời điểm trước dịch Covid-19…".

Samsung cần chú trọng xây dựng quan hệ lao động hài hòa và tiến bộ... - 1

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung (bìa phải) và ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam. (Ảnh: Giáp Tống)

Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã gửi lời cảm ơn tới Tổ hợp Samsung trong công tác hỗ trợ bồi dưỡng, huấn luyện thí sinh Việt Nam tham dự các Kỳ thi tay nghề cấp Quốc gia, Asean và thế giới. Nhờ đó, nhiều thí sinh đã có giải cao trong các Kỳ thi.

Tại cuộc làm việc, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam đã gửi lời cảm ơn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, dù công việc đầu năm bận rộn nhưng vẫn dành thời gian tiếp và lắng nghe những kiến nghị của doanh nghiệp.

Samsung cần chú trọng xây dựng quan hệ lao động hài hòa và tiến bộ... - 2

Theo ông Choi Joo Ho, Samsung hiện có 6 nhà máy và 1 Trung tâm nghiên cứu phát triển đặt tại Việt Nam. Hoạt động của Samsung tại Việt Nam đang tạo việc làm cho khoảng 120.000 lao động.

Liên quan tới các quy định liên quan tới việc thực hiện Luật Lao động 2019, ông Choi Joo Ho kiến nghị trong việc gia hạn thời gian xử lý chấm dứt hợp đồng lao động dài hơn quy định hiện hành và đề xuất quy định siết chặt hơn về điều kiện nghỉ việc của người lao động ở những bộ phận quan trọng của doanh nghiệp. Qua đó nhằm đảm bảo tính bảo mật và nguồn lực chi cho đào tạo của doanh nghiệp.

Samsung cần chú trọng xây dựng quan hệ lao động hài hòa và tiến bộ... - 3

Buổi làm việc có sự tham gia của nhiều lãnh đạo cục, vụ (Ảnh: Giáp Tống)

Trân trọng những ý kiến của doanh nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, liên quan tới Bộ Luật Lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, Bộ cũng tham mưu trình Chính phủ 4 nghị định tích hợp các quy định chi tiết hơn các nội dung của Luật. 

"Trong đó có nhiều vấn đề quan trọng như nhà nước không can thiệp vào việc xây dựng thang, bảng lương trong doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội giúp các doanh nghiệp có điều kiện xây dựng chế độ thu hút nhân sự có trình độ vào làm việc. Tuy nhiên, nhà nước cũng quy định mức lương tối thiểu dựa trên mức sống tối thiểu để làm căn cứ "sàn" giúp người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận..." - Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng cho biết, quan điểm của Bộ nhằm đảm bảo quan hệ lao động hài hòa, vừa đảm bảo quyền lợi người lao động và giúp doanh nghiệp phát triển.

Samsung cần chú trọng xây dựng quan hệ lao động hài hòa và tiến bộ... - 4

Liên quan tới những đề xuất của Samsung, Bộ trưởng cũng chia sẻ câu chuyện "chảy máu chất xám" tương tự ở một số doanh nghiệp lớn ở Việt Nam. 

"Trong nền kinh tế thị trường, người lao động có quyền lựa chọn công việc tốt hơn. Nhưng ở những lĩnh vực nhạy cảm, đặc biệt thì cần phải điều tiết bằng những quy định cụ thể. Thông tư mới đây của Bộ cũng đề cập tới vấn đề này…" - Bộ trưởng cho biết. 

Những quy định này sẽ giúp cụ thể hóa, quy định sự thỏa thuận bằng văn bản giữa người sử dụng lao động và người lao động về việc xử lý cụ thể khi phát sinh các tranh chấp lao động. 

Nghiên cứu việc đào tạo nâng cao tay nghề của lao động tại doanh nghiệp

Cũng tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gợi ý, theo quy định về bảo hiểm thất nghiệp, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí để đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động. 

"Người lao động làm việc cho Samsung đều tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp. Do đó, việc sử dụng một phần kinh phí từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp để tham gia đào tạo lại cho người lao động là có tính khả thi…" - Bộ trưởng nhận định. 

Những lao động nào chưa được đào tạo thì được đào tạo để có bằng cấp hoặc đào tạo chuyển đổi nghề. Đồng thời, việc này có thể thí điểm ở 1 trong 6 nhà máy của công ty tại Việt Nam.

"Thay vì ngồi chờ người lao động thất nghiệp rồi mới đào tạo, bồi dưỡng. Chúng ta có thể nghiên cứu việc đào tạo nâng cao ngay khi người lao động đang có việc làm, để thích ứng với yêu cầu cao" - Bộ trưởng giải thích thêm.