Việt Nam nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Đại sứ quán Na-uy tại Việt Nam và các tổ chức của Liên Hợp Quốc tổ chức hội thảo sáng nay 11/10 tại Hà Nội để khởi động chương trình giảm khí thải do nạn phá rừng và suy thoái rừng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Đại sứ quán Na-uy tại Việt Nam và các tổ chức của Liên Hợp Quốc tổ chức hội thảo sáng nay 11/10 tại Hà Nội để khởi động chương trình giảm khí thải do nạn phá rừng và suy thoái rừng.

Việt Nam nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính
Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II sẽ tiếp tục nỗ lực giảm khí thải và cải thiện an sinh xã hội cho cộng đồng (Ảnh minh họa)

Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phê duyệt tại Quyết định số 1724/QĐ-BNN-HTQT ngày 29/7/2013 với tổng kinh phí 30 triệu đô la Mỹ do Na Uy tài trợ không hoàn lại, thực hiện trong giai đoạn 2013-2015.

Phát biểu lại lễ khởi động diễn ra sáng nay 11/10 tại Hà Nội, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, “Tuyên bố Chung về Giảm khí thải do nạn Phá rừng và Suy thoái Rừng (REDD+) là một trong những nỗ lực quan trọng nhằm giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu giảm 20% phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp đến năm 2020 và góp phần vào quá trình tăng trưởng xanh.”

Mục tiêu của chương trình là tăng cường năng lực để Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc chi trả dựa vào kết quả giảm phát thải khí nhà kính trong tương lai khi thực hiện REDD+, góp phần thực hiện thành công Chương trình hành động quốc gia về REDD+ và tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.

Chương trình này sẽ tập trung thực hiện tại 6 tỉnh thí điểm: Bắc Kạn, Lào Cai, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Lâm Đồng và Cà Mau dựa trên kết quả và tiến độ đạt được từ giai đoạn I (2009-2013). Tổng cục Lâm nghiệp được giao làm Chủ Chương trình với sự hỗ trợ kỹ thuật của FAO, UNDP và UNEP.

Trao đổi với báo chí bên lề buổi lễ khởi động, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam cho rằng: Đây là một dự án lớn với tổng vốn đầu tư lên tới 30 triệu USD nhưng thời gian thực hiện chỉ có 2 năm nên để thực hiên thành công chương trình đòi hỏi rất nhiều yếu tố như quản lý hiệu quả, sự tham gia của cộng đồng, phối hợp với các bộ ngành khác, phối hợp giữa các cơ quan của Bộ NN&PTNT.

“Nếu chương trình giai đoạn 2 thành công Việt Nam sẽ nhận được tiền tài trợ cho hoạt động giám sát và bảo vệ rừng để chi trả cho người dân ở giai đoạn 3. Do vậy giai đoạn 2 này đóng vai trò hết sức quan trọng,” bà Pratibha Mehta khẳng định.

Liên quan đến triển vọng phát triển chứng chỉ các bon ở Việt Nam, bà Pratibha Mehta cho rằng việc bảo vệ và phát triển độ che phủ rừng là một việc làm thiết thực với Việt Nam để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và hỗ trợ phát triển tăng trưởng xanh. Việt Nam có vị thế thuận lợi để kinh doanh chứng chỉ các bon với các nước phát triển, tuy nhiên nước ta cần xây dựng khung pháp lý và tạo ra cơ chế cho vấn đề này.

Thảo Nguyên