"26 tuổi, tôi sợ mất việc, không có tiền tiết kiệm"

Vĩnh Ngọc

(Dân trí) - "Tôi làm việc trong một ngành không ổn định, nơi thường xuyên xảy ra tình trạng sa thải nhân viên. Tôi rất sợ bất ngờ mất việc mà không có tiền tiết kiệm", một cô gái chia sẻ.

Một cô gái trẻ giấu tên đã xin lời tư vấn từ chuyên gia tài chính nổi tiếng Paco de Leon khi cô lo lắng rằng mình có thể mất việc bất cứ lúc nào và không có đủ tiền tiết kiệm để sống trong khi chờ tìm việc mới.

Cô gái nói: "Tôi 26 tuổi và cảm thấy hoàn toàn lạc hướng khi nói đến số tiền nên có trong tài khoản tiết kiệm của mình. Tôi đang làm việc để tích lũy tiền tiết kiệm và tôi nghe mọi người nói rằng tôi nên có khoản tiết kiệm đủ cho từ ba tháng đến cả năm chi phí sinh hoạt trong trường hợp khẩn cấp.

Tôi làm việc trong một ngành không ổn định, nơi thường xuyên xảy ra tình trạng sa thải nhân viên và tôi muốn có sự chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu nhưng tôi luôn lo mình không có đủ tiền tiết kiệm.

Có cách nào dễ dàng để xác định chính xác tôi cần bao nhiêu tiền tiết kiệm hay không? Khi tôi đã tiết kiệm đủ tiền, tôi nên làm gì với số tiền tôi có?".

26 tuổi, tôi sợ mất việc, không có tiền tiết kiệm - 1

"26 tuổi, tôi sợ mất việc, không có tiền tiết kiệm" (Ảnh minh họa: iStock).

Người sáng lập công ty tài chính The Hell Yeah, Paco de Leon, chia sẻ: "Khi nói đến quỹ khẩn cấp, quỹ dự phòng, thường mọi người sẽ cần số tiền tương đương ba đến mười hai tháng chi phí sinh hoạt nên số tiền chính xác mà bạn cần tùy thuộc vào bạn, hoàn cảnh cá nhân của bạn và cảm nhận của bạn về rủi ro.

Dựa trên cách bạn mô tả công việc của mình - một ngành không ổn định, nơi thường xuyên xảy ra tình trạng sa thải nhân viên - tôi muốn nói rằng bạn cần số tiền dự phòng tương đương khoảng sáu tháng chi phí sinh hoạt là tối thiểu.

Khi bạn đã tiết kiệm được tiền cho sáu tháng sinh hoạt, hãy xem bạn cảm thấy như thế nào. Nếu bạn vẫn còn lo lắng thì hãy tiếp tục tiết kiệm và suy nghĩ về cảm xúc của bạn khi bạn đạt tới số tiền đó. Số tiền phù hợp sẽ giúp bạn ngủ ngon vào ban đêm.

Với câu hỏi: "Có nên đầu tư gì đó từ quỹ khẩn cấp của mình không?", luôn có hai trường phái, một người nói không và người kia nói có, có thể đầu tư cho những lĩnh vực rủi ro thấp. Tuy nhiên cá nhân tôi vẫn chưa gặp một người nào thuộc về phe thứ hai.

Hầu hết các chuyên gia tài chính đều đồng ý rằng quỹ khẩn cấp phải luôn sẵn sàng bất cứ khi nào bạn cần. Vì thế, không nên dùng để đầu tư mà nên gửi tiết kiệm vào ngân hàng có uy tín.

Ngoài quỹ khẩn cấp, bạn có thể làm một số việc khác để giúp mình bớt cảm thấy khó khăn về tài chính. Ví như đầu tư vào sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp của bạn, mua bảo hiểm, xem xét tìm thêm một công việc kinh doanh phụ tạo thêm nguồn thu nhập...

Ngoài ra bạn nên lập "danh sách mua sắm", lên kế hoạch chi tiêu hợp lý mỗi ngày để đặt bản thân vào trạng thái chủ động và không phải lúc nào cũng lo lắng về tiền bạc.

Quan trọng hơn, tôi luôn nghĩ rằng, "biết "đủ" là hạnh phúc" dù đấu tranh với cảm giác "có đủ rồi" thường giống như một mục tiêu di động.

Nhiều người trong chúng ta từng tự thuyết phục bản thân rằng, chỉ cần tiết kiệm được số tiền X, chúng ta sẽ cảm thấy "thế là đủ". Tuy nhiên khi đạt được con số đó, nhiều người không cảm thấy an toàn và lại có một mục tiêu đầy tham vọng khác để tiến tới.

Mặc dù đây có thể là lối suy nghĩ cho thấy người đó luôn tiến về phía trước, không dễ thỏa mãn và hài lòng với bản thân nhưng nó cũng có thể dẫn đến sự bất mãn.

Cuộc sống là một hành trình khó khăn. Đôi khi bạn có thể sẽ đi chệch hướng và cần phải điều chỉnh để đi đúng hướng. Nếu bạn có thể tìm ra cách đánh giá cao quá trình này, bạn sẽ có cho mình những bài học giá trị.

Tiền có thể giúp bạn mua được những thứ khiến bạn cảm thấy an toàn và yên tâm, đồng thời có thể xoa dịu nỗi lo lắng về những điều không chắc chắn.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là cuộc sống có nhiều rủi ro và tiền không phải là tất cả. Bạn cần giải quyết tận gốc những lo lắng của mình và tìm ra tất cả những điều giúp bạn cảm thấy an tâm hơn trong cuộc sống.

Theo Refinery