Cuộc phiêu lưu mới trên đất Mỹ của Huyền Chip “xách ba lô lên và đi”

(Dân trí) - Huyền “Chip” (tên đầy đủ Nguyễn Thị Khánh Huyền) đã có những chia sẻ về cuộc sống “nhiều màu sắc” của mình hơn một năm qua bên Mỹ, khi du học tại trường đại học Standford danh tiếng.

Huyền “Chip” là tác giả sách du ký nổi tiếng từng gây tranh cãi “Xách ba lô lên và đi”. Cô càng gây bất ngờ và ngưỡng mộ hơn khi đạt điểm SAT cao ngất ngưởng và nhận được học bổng của trường ĐH Standford (tháng 9/2014).

Trong suốt một năm vừa qua, cô gần như "bặt vô âm tín" trên các trang mạng. Trong thời điểm Tết đến, Xuân về, gác lại sự bộn bề của lịch học tập bên Mỹ, Huyền đã có những tâm sự mở lòng với PV Dân trí về cuộc sống mới nơi xứ người.

Nhìn lại một năm qua ở Mỹ, Huyền cảm thấy bản thân có gì thay đổi?

Già đi. Tình cờ là mình vừa mới nhắn tin với một người bạn kêu: “Tự nhiên dạo này tao lo già mày ạ.” Nó trả lời: “Ơ hay, là người mà không già thì có mà thành tinh à?” Sao đó nó thêm vào: “Phụ nữ lo già là vì lo mất nhan sắc. Mày có nhan sắc đâu mà phải nghĩ ngợi.” (cười)

Nỗi lo này xuất phát từ suy nghĩ những ngày còn nhỏ, mình thường tự đặt ra: Đến 18 tuổi làm được cái này, 20 tuổi làm được cái kia, 25 tuổi làm được cái nọ… Mình thấy bản thân đã đạt qua nhiều mốc tuổi nhưng vẫn chẳng làm được nhiều cái đã đặt ra lắm. Vì thế, mình thấy hơi buồn, hơi lo lắng.


Huyền (trái ảnh) được bình chọn là trợ giảng thân thiện nhất ngành khoa học máy tính của trường năm vừa qua.

Huyền (trái ảnh) được bình chọn là trợ giảng thân thiện nhất ngành khoa học máy tính của trường năm vừa qua.

Nghỉ học vài năm mới bắt đầu lại, Huyền có gặp trở ngại gì không? Tâm thế đối với việc học tập của Huyền có khác so với thời điểm vừa học xong cấp 3?

Khi mới bắt đầu đi học lại mình cũng có khá nhiều lo lắng: liệu mình có học được không? Liệu mình sẽ có bạn không? Liệu mình có già quá không? Nhưng khi đã bắt tay vào học rồi thì đầu óc mình chỉ tập trung vào học thôi và những lo lắng đó trở nên thật vụn vặt.

Tâm thế mình so với hồi học xong cấp 3 khác nhiều chứ. Khác nhất là giờ mình muốn đi học, trong khi hồi học xong cấp 3 chỉ muốn đi chơi. Khác thứ hai là giờ mình thấy mình đỡ quan tâm đến thiên hạ hơn, không còn lo lắng đến chuyện mình phải làm gì để người ta yêu quý mình.

Mà đời thật lạ, mình cố gắng thân thiết với ai thì người đó cứ tránh xa mình ra. Đến lúc mình chẳng thiết tha gì đến thiên hạ thì không hiểu tự nhiên từ đâu ra bao nhiêu người muốn thân thiết với mình.

Điều khiến Huyền hứng thú với ngành học của mình?

Ban đầu sang đây mình định học các ngành xã hội nhưng vì Standford nổi tiếng về Khoa học máy tính nên mình đăng ký học thử một lớp. Học xong, mình thấy thích nên học thêm một lớp nữa. Và cho đến khi được nhận làm trợ giảng, mình có quyết định theo học ngành Khoa học máy tính, cụ thể là Trí tuệ nhân tạo.

Lựa chọn này, một phần cũng do môi trường bên đây nữa, khi trường nằm giữa thung lũng Silicon Valey, là trái tim của ngành công nghệ. Trường mình có rất nhiều người giỏi làm trí tuệ nhân tạo và cũng nhiều nghiên cứu cực kỳ thú vị. Mình học ở đây có cơ hội tiếp cận với những nghiên cứu tiến bộ, hàng đầu thế giới. Cũng một chút may mắn, mình được tham gia một số nghiên cứu rất tuyệt vời.

Việc học tập của Huyền bên ấy có bận rộn, áp lực lắm không?

Các trường đại học bên Mỹ cho sinh viên khá nhiều tự do về việc chọn ngành và môn học, nên áp lực hay không là do mình chọn. Mình thì vẫn còn đang trong giai đoạn thèm học nên chọn học khá nhiều môn một lúc, nên lịch của mình khá bận.


Huyền chip trong chuyến khám phá thành phố Cancun (Mexico)

Huyền chip trong chuyến khám phá thành phố Cancun (Mexico)

Bận học tập và nghiên cứu, Huyền có đi chơi được nhiều không?

Vì đi học nên mình không có điều kiện đi đây đi đó nhiều như ngày trước, nhưng mỗi khi có kỳ nghỉ thì mình đều tranh thủ đi ra khỏi trường. Nghỉ lâu thì đi đâu đó xa xa. Trong năm vừa rồi mình đi được Mexico, Cuba và 6 bang ở nước Mỹ.

Nghỉ ngắn ngày thì mình với bạn bè hay lái xe đi những nơi gần. California, bang mình đang sinh sống, rất rộng và có rất nhiều nơi để đi. Từ trường mình lái xe chỉ nửa ngày là đã có biển, có núi đồi, có sa mạc, có điểm trượt tuyết, có vườn quốc gia.

Huyền lấy tiền đâu để có những chuyến đi như thế?

Mình khá may mắn khi năm đầu tiên ở đây đã được nhận làm trợ giảng nên cũng bớt đi gánh nặng tài chính. Mình hiện đang trợ giảng một lớp khoa học máy tính trong trường.

Trong những chuyến đi đó, kỉ niệm Huyền thấy đáng nhớ nhất?

Mỗi chuyến đi lại có đặc thù riêng của nó. Khi đi Mexico một mình, tất cả những người mình quen bên này tìm mọi cách để thuyết phục mình đừng đi. Họ nghĩ rằng Mexico nguy hiểm lắm. Mẹ của bạn mình, người Mỹ, còn mời mình đến nhà ăn cơm cùng với một người bà quen đã từng đến Mexico chỉ để thuyết phục mình nên đi với ai đó. Hoá ra không phải chỉ có người Việt mới sợ đi một mình.

Mình thích chuyến đi với một nhóm bạn đến Black Rock City ở giữa sa mạc. Đặc biệt là chuyến Cuba trong 3 tuần. Ở đó, người dân không được phép đánh bắt hải sản, giết bò, chỉ có thể tiếp cận những món đơn giản: cơm, đậu, thịt gà… và một vài loại rau. Tuy nhiên đó lại là những người hạnh phúc nhất mà mình từng thấy.

Mình dễ dàng gặp những người nội trợ vừa lau dọn nhà vừa hát, vừa nhảy. Hay khi ra đường phố, những đứa bé chập chững biết đi đã được anh chị dạy nhảy. Người Cuba nhảy từ bé đến lớn và nhảy vô cùng đẹp. Chẳng cần dịp gì, chỉ là những buổi chiều trên phố, họ bật nhạc lên và nhảy thôi.

Câu hỏi riêng tư một chút, Huyền sang đó có bạn trai chưa?

Đã có rồi và đã chia tay rồi.


Huyền chip tại La Havana (Cuba)

Huyền chip tại La Havana (Cuba)

Huyền có thêm nhiều bạn mới không? Điều khiến Huyền cảm thấy ấn tượng khi nhớ đến những người bạn của mình?

Sang đây, mình có nhiều bạn bè mới, nhưng họ bận kinh khủng, thường chỉ gặp nhau 30 phút, một tiếng. Ai cũng dùng lịch Google Calendar, và lên thời gian biểu từng phút một luôn. Điều này giúp mình ý thức được thời gian thực sự rất quý.

Những người ở đây thông minh và đặc biệt. Mọi người đều giỏi nên không ai khoe khoang về bản thân nhưng đôi khi mình tình cờ phát hiện ra những điều thú vị về bạn bè.

Ví dụ như năm ngoái mình biết được một cậu bạn là đại kiện tướng cờ vua trẻ thứ 2 thế giới. Một người bạn khác, mới 20 tuổi đã thuyết trình ở Nasa về vấn đề tên lửa… Mặc dù vậy, khi biết những điều đó, cũng không hề thay đổi cách mình chơi với họ.

Họ truyền cảm hứng cho mình rất nhiều. Cuộc sống nghe có vẻ tuyệt vời như thế, nhưng mình cũng nhiều áp lực. Trong môi trường có những cái đặc biệt, ai cũng giỏi như thế, mình cảm thấy bản thân thật nhỏ bé. Hằng ngày luôn có hai cảm xúc: mình được truyền cảm hứng, và thấy sợ, phải cố gắng nhiều hơn.

Tết năm nay, Huyền có về Việt Nam không?

Bên này không được nghỉ Tết âm lịch nên mình không về Việt Nam được. Chắc mình sẽ ăn Tết cùng cộng đồng người Việt bên này rồi đi về học như bình thường. Năm ngoái mình đi ăn ké với gia đình một người bạn gốc Việt bên này.

Kế hoạch trong năm 2016 của Huyền?

Hè này mình sẽ đi làm nghiên cứu ở Scotland (trường đại học Edinburgh) và có lẽ cũng tranh thủ về nước ra sách. Mình mới viết xong một cuốn tự truyện kể về năm đầu tiên của mình Stanford và hy vọng sẽ ra mắt vào dịp tháng 9 này.

Mình khá hài lòng cuộc sống ở đây, không chỉ ngôi trường và thời tiết đẹp, mà bạn bè cũng rất tuyệt.

Cám ơn Huyền về cuộc trao đổi này. Chúc Huyền năm mới hạnh phúc và tiếp tục chinh phục được thêm những miền đất mới.

Hoài Thư