Người trẻ "giấy trắng" bị loại đầu tiên khi đi xin việc

My Nguyễn

(Dân trí) - Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến quá trình học tập và xin việc của sinh viên Trung Quốc, đặc biệt là những bạn trẻ mới ra trường.

Trong suốt 2 năm dịch bệnh, sinh viên chủ yếu học tập, được cấp bằng online (trực tuyến). Điều này khiến họ không có nhiều trải nghiệm thực tế và kinh nghiệm giải quyết công việc, đồng thời gặp khó khăn khi thuyết phục nhà tuyển dụng.

Liên tục bị từ chối

Theo SCMP, Connie Xu (22 tuổi, sống tại Quảng Đông, Trung Quốc) đã gửi hồ sơ xin việc tới hơn 50 công ty khác nhau. Cuối cùng, cô nhận được lời mời phỏng vấn cho vị trí thực tập sinh tại một công ty lớn ở Trung Quốc.

Người trẻ giấy trắng bị loại đầu tiên khi đi xin việc - 1
Nhiều sinh viên mới ra trường gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm việc làm (Ảnh: SCMP).

Cô gái tốt nghiệp vào tháng 6 với tấm bằng Ngôn ngữ và Văn học Trung Quốc. Xu tự tin rằng mình là ứng cử viên sáng giá, bởi cô đã có kiến thức và kinh nghiệm khi làm việc ở trường đại học.

Vì vậy, Xu vượt cả quãng đường xa đến phỏng vấn, hy vọng đây có thể là cơ hội làm việc tốt. Tuy nhiên, thực tế không như cô mong đợi.

"Họ nói tôi là người chưa có kinh nghiệm. Theo lời người phỏng vấn, tôi chỉ là một tờ giấy trắng không có bất kỳ kinh nghiệm làm việc thực tế nào", cô nói.

Xu không phải là trường hợp hiếm hoi không tìm được việc làm. Trong những năm gần đây, tìm được công việc tốt là điều khó khăn, đặc biệt là đối với sinh viên mới ra trường.

Theo thống kê, trong năm nay, có tới 11,58 triệu người gia nhập lực lượng lao động ở Trung Quốc.

Tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm 16-24 tuổi tiếp tục tăng trong tháng 5, lên mức cao nhất mọi thời đại là 20,8% (mức kỷ lục trước đó là 20,4% vào tháng 4).

Đây là những con số đáng báo động, cho thấy tỷ lệ thất nghiệp và cạnh tranh công việc tại đất nước tỷ dân đang ngày càng leo thang.

Người trẻ giấy trắng bị loại đầu tiên khi đi xin việc - 2

Nhiều bạn trẻ Trung Quốc thiếu kinh nghiệm thực tế do ảnh hưởng của dịch bệnh (Ảnh: Reuters).

Miriam Wickertsheim - nhà tuyển dụng cho các công ty nước ngoài - cho biết, những sinh viên mới tốt nghiệp mà cô nói chuyện gần đây có vẻ kém hấp dẫn hơn trong mắt nhà tuyển dụng, do họ chủ yếu học và được cấp bằng online.

"Người được phỏng vấn nói, họ học từ xa nên có ít hoạt động xã hội và cơ hội làm việc trực tiếp hơn để phát triển kỹ năng mềm. Các nhà tuyển dụng cho biết, họ sẽ đợi lứa sinh viên tốt nghiệp tiếp theo", cô chia sẻ.

Wickertsheim nói thêm, nhiều công ty tư nhân nhỏ ở Trung Quốc (thường là bến đỗ đầu tiên cho sinh viên vừa tốt nghiệp) đã phải chịu thiệt hại trong đại dịch và vẫn cố gắng phục hồi.

Hiện nay, khi môi trường kinh doanh đầy thách thức, rất nhiều công ty không muốn thực hiện các loại đầu tư đó, đặc biệt là khi những sinh viên vừa tốt nghiệp thường có tỷ lệ nghỉ việc và biến động cao.

Tỷ lệ thất nghiệp đáng báo động

Trong bối cảnh cứ 5 người thuộc nhóm 16-24 tuổi lại có một người không tìm được việc làm, chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ có cách giải quyết.

Ngày 1/6 vừa qua, Bộ Giáo dục Trung Quốc công bố chiến dịch 100 ngày "Hướng dẫn sinh viên tốt nghiệp tìm kiếm việc làm và giúp sinh viên tìm được việc càng sớm càng tốt, trước và sau khi rời ghế nhà trường".

Tuy nhiên, ngay cả với sự giúp đỡ của các trường đại học, sinh viên chưa chắc đã tìm được việc.

Người trẻ giấy trắng bị loại đầu tiên khi đi xin việc - 3
Tỷ lệ cạnh tranh việc làm tại đất nước tỷ dân ngày càng tăng cao (Ảnh: Global Times).

Mo Haonan - sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật xây dựng ở Hàng Châu, Trung Quốc - đã có cơ hội thực tập thông qua một đợt tuyển dụng do trường đại học tổ chức.

Tuy nhiên, công việc của Mo chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Chàng trai 21 tuổi bị công ty sa thải vài tuần sau khi hỗ trợ xong một dự án.

"Họ chỉ coi chúng tôi là lao động không cần thiết. Sau khi hoàn thành một dự án, công ty không kiếm được khách hàng nào nên sa thải chúng tôi mà chẳng bồi thường mấy", anh nói.

Song theo Eddie Cheng - chuyên viên tuyển dụng cho các công ty Trung Quốc, vẫn có một chút tia sáng dành cho những sinh viên mới tốt nghiệp.

Ông cho biết, những vị trí quản lý cấp trung kém hiệu quả hoặc không thiết yếu thường là những vị trí đầu tiên bị cắt giảm, trong khi các công ty có thể mở thêm vị trí quản trị viên tập sự.

Người trẻ giấy trắng bị loại đầu tiên khi đi xin việc - 4
Nhiều người trẻ Trung Quốc đang chờ đợi cơ hội việc làm (Ảnh: Reuters).

"Một số công ty sa thải các vị trí trung hoặc cao cấp và thuê sinh viên mới tốt nghiệp. Họ sẽ trả ít tiền hơn để thuê một sinh viên vừa ra trường và đào tạo trong vài năm. Chi phí thuê một giám đốc điều hành có thể tương đương với lương cho 30 sinh viên mới tốt nghiệp", ông Cheng nói.

Với tấm bằng trong tay, Xu đã kiệt sức với hành trình "săn việc" không hồi kết.

Cô cho rằng, những người không có kinh nghiệm thực tập sẽ là nhóm đầu tiên bị loại trong quá trình nộp hồ sơ. Ngay cả những người bạn của cô có bảng điểm xuất sắc cũng chưa tìm được việc làm.

"Khóa sinh viên chúng tôi đã bị kẹt trong trường 3 năm, vậy chúng tôi lấy kinh nghiệm trong ngành từ đâu?", cô thắc mắc.