Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Đất nước ta thiếu cả thầy lẫn thợ”

(Dân trí) - Bên cạnh việc xác định vai trò của Đoàn viên, thanh niên trong thời đại mới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thẳng thắn trao đổi với tuổi trẻ cả nước về tình trạng “thiếu cả thầy lẫn thợ” hiện nay, chính sách hỗ trợ du học sinh về VN cống hiến…

Vào sáng nay (14/12), trong ngày làm việc thứ 4 và cũng là phiên họp cuối cùng của Đại hội đại biểu toàn quốc TW Đoàn lần thứ X, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi đối thoại với các đại biểu thanh niên - đại diện cho 25 triệu Đoàn viên, thanh niên cả nước.

 

Mở đầu phiên đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời người khởi đầu từ tuổi trẻ”. Trước lúc Bác đi xa đã để lại muôn vàn tình yêu thương cho thế hệ trẻ. Bác căn dặn, bồi dưỡng thế hệ sau là việc làm cần thiết và quan trọng, Đảng phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, đào tạo cho thanh niên là những người kế tục sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp xã hội chủ nghĩa vừa hồng vừa chuyên.

 

Quán triệt tinh thần đó, Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao vai trò của thanh niên, xác định thanh niên là lực lượng xung kích, Đoàn thanh niên là đội dự bị tin cậy của Đảng. Đảng và Nhà nước luôn xác định, công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, đã có nhiều chủ trương, chính sách dành cho thanh niên.

 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Đất nước ta thiếu cả thầy lẫn thợ”
 

Thủ tướng cho biết, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tác động mạnh đến nền kinh tế của đất nước, nhưng chúng ta đã có những thành tựu nhất định như cơ bản giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, ổn định chính trị xã hội. Trong thành tựu chung đó có sự đóng góp lớn của thanh niên.

 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, đòi hỏi thanh niên phải nỗ lực phấn đấu chung sức chung lòng đưa nước ta phát triển nhanh hơn như Nghị quyết 11 của TW Đảng đề ra.

 

Chúng tôi tự hào về thế hệ trẻ và vui mừng được gặp gỡ, đối thoại, trao đổi ý kiến với các bạn đoàn viên thanh niên tại ĐH này, những người đại diện cho thanh niên Việt Nam, lực lượng rường cột của đất nước.

 

Đại hội của thế hệ trẻ xây hoài bão lớn, rèn đức luyện tài, đoàn kết sáng tạo, xung kích xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đây là khẩu hiệu hành động rất hay, rất thiết thực và rất cách mạng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

 
Đất nước ta “thiếu cả thầy lẫn thợ”
 

Đất nước ta “thiếu cả thầy lẫn thợ”

 

Trước câu hỏi của đại biểu Đào Xuân Yên về những vấn đề bất cập, đào tạo đại học tràn lan, mất cân đối với các trường nghề, trung cấp, dẫn đến tình trạng thừa thầy thiếu thợ, khiến nhiều SV tốt nghiệp nhưng gặp khó khăn khi xin việc, Thủ tướng khẳng định đây là vấn đề lớn, khó và đang được đặt ra cho cả XH.

 

Thứ nhất, trong nhiệm vụ xây dựng bảo vệ Tổ quốc, nước chúng ta đang “thiếu cả thầy lẫn thợ” chứ không chỉ “thừa thầy thiếu thợ”.

 

Thủ tướng dẫn chứng, đến năm 2012, dân số nước ta là 88 triệu người và trong độ tuổi lao động là 60 triệu (số tròn). Đây là giai đoạn dân số vàng và theo dự báo kéo dài 30-35 năm.

 

Tuy nhiên số lao động trong độ tuổi lao động được đào tạo qua các cấp chiếm 46% nhưng chỉ có 8% trong số đó có trình độ CĐ, ĐH. Trong khi đó, ở nhiều nước, số lao động đều được đào tạo và đào tạo lại, chưa kể trình độ CĐ, ĐH cao hơn nước ta nhiều (Malaysia 20,1%, Thái Lan 14,2% và Hàn Quốc là 33,6).

 

Chưa kể tính đến cuối năm 2011, tỷ lệ SV ở VN là 250 SV/10.000 dân trong khi chỉ tính đến 2005, con số này ở Thái Lan là 374, Hàn Quốc 674, Anh 380, Mỹ 576. Những con số này cho thấy, đào tạo nghề của nước ta còn thiếu.

 
Đất nước ta “thiếu cả thầy lẫn thợ”
 

Thứ hai, cơ cấu đào tạo nghề còn bất cập chưa hợp lý. Nếu như bình quân thế giới tỷ lệ 1 ĐH - 4 trung cấp - 10 công nhân kỹ thuật thì ở Việt Nam, tỷ lệ này là 1 ĐH - 1,3 trung cấp - 0,9 công nhân kỹ thuật.

 

Trước tình hình này chính phủ đã ban hành chiến lược đào tạo, đào tạo nghề, phát triển, quy hoạch nguồn nhân lược đến 2020 để nước ta có nguồn nhân lực, phát triển nhanh, hợp lý về đào tạo nghề, ĐH và trên ĐH.

 

Cả nước có 2,2 triệu từ ĐH trở lên, con số này rất cần cho công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng bảo vệ tổ quốc. Chính phủ rất hoan nghênh, đánh giá cao những bạn trẻ đang có điều kiện, khả năng, học ĐH, CĐ.  Đảng và nhà nước tạo mọi điều kiện để SV học tập tốt với mục tiêu, không một bạn nào đã thi đỗ ĐH, CĐ mà bỏ học. Đất nước đang thiếu và đang cần lực lượng này cho sự nghiệp.

 

Mặt khác đất nước ta cũng đang cần thanh niên lành nghề, công nhân lành nghề. Vậy những em chưa đủ điều kiện để học CĐ, ĐH có thể lựa chọn con đường học nghề có thể lập thân lập nghiệp trong cuộc sống. Trong thực tiễn ở VN và thế giới, rất nhiều nhà văn hóa, doanh nghiệp, hay tướng lĩnh tài ba của đất nước cũng trưởng thành từ con đường này.

 

Nhưng dù bằng con đường nào, mỗi người có điều kiện, hoàn cảnh, được vào học ĐH, hay học nghề thì nhân tố có ý nghĩa quyết định cho sự thành công của mỗi con người là phải có hoài bão, ý chí, quyết tâm, bản lĩnh và phải sống có nghĩa tình, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, dân tộc, đất nước.

 
Đoàn cần định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh niên
 

Đoàn cần định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh niên

 

Đại biểu Nguyễn Anh Tuấn (Trưởng Ban Thanh niên Công nhân và Đô thị Trung ương Đoàn) có hỏi về vấn đề cấp vốn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề cũng như chỉ đạo định hướng của các trung tâm cụ thể hơn trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết “chính phủ đã đồng ý, kế hoạch đã phê duyệt, kinh phí đã bố trí”.

 

Tuy nhiên do điều kiện kinh tế hiện nay gặp nhiều khó khăn nên tiến độ bố trí kinh phí chưa theo kịp tiến độ. “Tôi sẽ quan tâm, kiểm tra đôn đốc, bố trí đủ ngân sách xây dựng theo kế hoạch đã được duyệt. Rất mong các đồng chí quản lý, hoạt động tốt, trước hết là hướng nghiệp tạo việc làm cho thanh niên”, Thủ tướng khẳng định.

 

Về vấn đề định hướng rõ hơn cho các trung tâm, Thủ tướng đề nghị Đoàn nên tập trung vào nội dun định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm bởi các trường dạy nghề đã được chính phủ giao cho Bộ Lao động Thương binh Xã hội và một số bộ, ngành khác tổ chức, đồng thời khuyến khích xã hội hóa. Vì vậy, nội dung quan trọng nhất, Đoàn nên hình thành các trung tâm tư vấn, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm.

 

Chính sách đối với du học sinh trở về nước cống hiến

 

Trước câu hỏi của PGS Bùi Thế Duy (phó GĐ Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) hỏi về chính sách thu hút du học sinh (DHS) về nước làm việc bởi thực tế, ngoài trở ngại về thu nhập, nhiều DHS còn e ngại không được trọng dụng, hay giao việc và thậm chí là “về nước để trưng bày, để cắt vào ngăn tủ”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa khẳng định, đất nước đang cần đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, cả thầy và thợ đểu cần có trình độ, kiến thức, kỹ năng thực sự.

 

Hiện nay, hơn 4 triệu người VN đang sinh sống, định cư ở nước ngoài, trong đó khoảng 100.000 HS, SVVN đang học ở các nước, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích đồng bào, thanh niên đang định cư học tập ở nước ngoài về làm việc trong nước.

 

Thực tế, những chính sách đó chưa thoả mãn nhu cầu của các bạn được đào tạo, nghiên cứu chuyên sâu ở các chuyên ngành khác nhau. Nhưng chính phủ sẽ tạo điều kiện phù hợp để thanh niên có trình độ cao ở các nước về làm việc. Chính phủ đang rà soát bổ sung các cơ chế chính sách thu hút lưu học sinh.

 

Mặt khác, Thủ tướng chia sẻ đất nước tuy đã vượt qua tình trạng “nước nghèo kém phát triển”, nhưng còn rất nhiều khó khăn do hậu quả của chiến tranh để lại nên mong rằng, mọi công dân Việt Nam, đồng bào đang định cư ở nước ngoài, thanh niên đang học ở nước ngoài cùng chia sẻ với đất nước mình.

 

“Gần hết thế kỷ 20 chúng ta cầm súng chiến đấu, hậu quả chiến tranh còn lớn, thanh niên cần hiểu và chia sẻ với khó khăn của đất nước để về nước tìm việc làm phù hợp với mình, cho gia đình và đóng góp cho đất nước. Trường hợp Ngô Bảo Châu là ví dụ, cho dù lương ở VN kém xa các trường ĐH trên thế giới mời Giáo sư nhưng một năm vẫn dành 3 tháng về công tác”, Thủ tướng chia sẻ.

 

Hoan nghênh thế hệ trẻ xung kích, xây dựng nông thôn mới hiệu quả, thiết thực

 

Đại biểu Trương Hồng Trang (Bạc Liêu) có hỏi về vai trò, việc cần làm của Đoàn thanh niên trong công tác xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng cho biết, “xây dựng nông thôn mới là chủ trương chiến lược lớn của Đảng, Nhà nước ta. Có thể nói, đây là chủ trương rất chiến lược, có ý nghĩa lịch sử đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước”.

 

Trong tình hình hiện nay, xây dựng nông thôn mới là đạt 19 tiêu chí toàn diện về kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng để thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn trên từng địa bàn và nhắm tới mục tiêu là đất nước phát triển bền vững.
 
Đoàn cần định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh niên

 

Với tinh thần đó, Chính phủ ban hành nhiều chủ trương chính sách, cơ chế thực hiện. Trong thời gian qua đã đạt được những kết quả bước đầu rất tích cực, tuy nhiên cũng còn rất nhiều khó khăn và để đạt được mục tiêu còn phải phấn đấu rất nhiều, cả từng địa phương, từng người dân.

 

Cùng với việc “hoan nghênh thế hệ trẻ, thanh niên đã xung kích, đồng hành, làm nhiều chương trình tốt, xây dựng nông thôn mới trong các mặt sản xuất, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh trật tự… với nhiều chương trình thiết thực, hiệu quả”, Thủ tướng cũng đề nghị TW Đoàn, bằng năng lực của mình sẽ đưa ra những kế hoạch, mục tiêu cụ thể của đề án thanh niên góp sức xây dựng nông thôn mới để hành động, và thông qua đó, kiến nghị với Đảng.

 

“Nhà nước, Chính phủ những cơ chế, chính sách để hỗ trợ Đoàn tham gia thiết thực, hiệu quả, góp sức xây dựng nông thôn mới, phấn đấu để thanh niên lập nghiệp, khẳng định mình và làm giàu ngay trên quê hương thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.

 

Cùng tham dự và trả lời trong buổi đối thoại với thanh niên ngoài Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn có Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức T.Ư Trần Lưu Hải, Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương Đào Ngọc Dung...

 
Đoàn cần định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh niên
 

Trước đó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự lễ kí kết nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

 

Nghị quyết liên tịch là sự phối hợp, trao đổi giữa Chính phủ và TW Đoàn trong việc giáo dục thế hệ trẻ, tăng cường giáo dục phẩm chất chính trị, đạo đức của thanh niên trong xây dựng đất nước; đẩy mạnh tuyên tuyền vận động phong trào xung kích thanh niên trong việc giữ vững an ninh quốc phòng, tổ quốc. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với thanh niên.

 

Chính phủ phối hợp tốt với TW Đoàn trong việc chăm lo đời sống thanh niên, phát triển các mục tiêu phát triển kinh tế của thanh niên. Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh thành phối hợp, hỗ trợ các nhiệm vụ, mục tiêu mà TW Đoàn đề ra.

 

Cũng theo nghị quyết, Chính phủ sẽ thường xuyên chỉ đạo các cơ quan báo chí phát hiện những gương điển hình tiên tiến của thanh niên, gương điển hình trong đời sống xã hội để tuyên tuyền. Hằng năm, Chính phủ và các thành viên Chính phủ sẽ làm việc với TW Đoàn để giải quyết kiến nghị liên quan đến thanh niên. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 1/2/2013.

 

Lê Trường - Mai Châm