Vì sao người trẻ ít nói lời yêu thương với cha mẹ?

Hoàng Vân

(Dân trí) - Trong một cuộc trò chuyện mới đây với sinh viên năm thứ nhất, không ít bạn thú nhận họ rất ngại nói lời yêu thương với người thân, và dành thời gian cho những mối quan hệ bên ngoài hơn là tình thân.

Ngại ngùng khi nói lời yêu thương cha mẹ

Khi được hỏi các bạn sinh viên năm nhất khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại - Học viện ngoại giao, hồi tháng 3 vừa qua, về việc họ có thường xuyên nói lời yêu thương cha mẹ, người thân không? Đa phần bạn trẻ nói rằng họ thực sự cảm thấy e ngại. Có rất nhiều lý do đưa ra, có bạn nói rằng, mình thấy nói ra điều đó nghe sến sẩm, ngượng ngùng; có bạn lại cho rằng ở cha mẹ suốt ngày rồi, bày tỏ hay nói lời yêu thương không cần thiết. "Đối với bố mẹ, mình có một sự ngại ngùng nhất định. Do khoảng cách thế hệ và tính chất bận rộn của công việc hiện tại, mình không có cơ hội thường xuyên gặp gỡ bố mẹ, ông bà. Mình cũng thường chọn cách thể hiện tình yêu bằng hành động thay cho lời nói, như làm việc nhà hay chủ động tổ chức những buổi tụ họp gia đình", Thủy Linh - sinh viên năm thứ nhất, Học viện Ngoại giao chia sẻ.

Thanh Long, bạn cùng lớp Thủy Linh cũng bày tỏ: "Hồi mình còn nhỏ, bố mẹ bảo gì là mình làm nấy, bảo ôm hôn là mình ôm hôn. Tuy nhiên giờ lớn rồi, mình lại thấy khá xấu hổ. Mình nghĩ tâm lý này của mình, có lẽ giống như tâm lý của nhiều bạn khác, là một việc không thể tránh khỏi trong quá trình trưởng thành. Những lúc gọi điện về nhà, mình cũng không có nhiều chuyện để tâm sự mà chỉ thường hỏi thăm bố mẹ xong là tắt máy đi ngủ".

Vì sao người trẻ ít nói lời yêu thương với cha mẹ? - 1

Thủy Linh - sinh viên Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao (Ảnh: Kiều Linh).

Trước câu hỏi Những khi gặp khó khăn và cần lời khuyên, bạn sẽ tìm đến bạn bè hay cha mẹ? Thanh Long cho hay: "Mình thường tìm đến bạn bè hoặc những người thân khác trong gia đình để bày tỏ, bởi bố mẹ mình thường có xu hướng quan tâm, lo lắng thái quá và khó giữ bình tĩnh khi con gặp vấn đề. Mình muốn sống tự lập chứ không muốn bố mẹ phải lo lắng và cưu mang quá nhiều". Long cũng nói thêm, đôi khi là do áp lực đồng trang lứa. Khi bạn bè mình ai cũng có người yêu mà mình lại chưa có, mình sẽ thấy tủi thân và cũng muốn có người yêu cho "bằng bạn bằng bè." Ngoài ra, người trẻ có xu hướng thích sống độc lập, không muốn bố mẹ quan tâm quá nhiều. "Mình nghĩ càng lớn lên, chúng ta sẽ càng nhận ra tầm quan trọng của tình thân, đặc biệt là khi ta lập gia đình và thực sự trở thành một người bố hay một người mẹ", Long nói thêm.

Về quan điểm vì sao đa phần cuộc gọi và tin nhắn của các bạn trẻ đến từ người yêu, bạn bè, đồng nghiệp chứ không đến từ gia đình, bạn Thùy Linh cho biết: "Gen Z chúng mình đôi khi coi tình cảm bố mẹ dành cho ta là điều đương nhiên, bởi gia đình luôn luôn yêu thương và sẵn sàng giang tay chào đón, che chở ta vô điều kiện. Chính từ suy nghĩ này, chúng mình dành phần lớn quỹ thời gian cho những mối quan hệ bên ngoài mà quên mất rằng tình cảm gia đình cũng cần có sự vun vén và nuôi dưỡng".

Rất nhiều bạn trẻ khi được hỏi về việc họ có thường xuyên chia sẻ với cha mẹ các vấn đề của mình hay không? Bên cạnh một số bạn cho biết họ thường xuyên chia sẻ với người thân trong nhà, trong đó có bố mẹ, thì cũng rất đông bạn trẻ vừa ngại ngùng vừa cảm thấy không thoải mái khi bộc lộ hết tâm tư với cha mẹ. Thậm chí có bạn nói rằng, chỉ "nhớ" tới bố mẹ khi hết tiền, hoặc khi cần một việc gì đó có liên quan tới chữ ký của bố mẹ.

Mạng xã hội có tác động tới việc "yêu sớm"? 

Theo Trường Giang- sinh viên năm thứ nhất khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, mạng xã hội ảnh hưởng đến rất nhiều khía cạnh trong cuộc sống, và tình yêu không phải ngoại lệ. "Theo mình, giới trẻ "yêu sớm" xuất phát từ việc có cảm xúc sớm, và những hình ảnh, bài đăng về tình yêu trên mạng xã hội là chất xúc tác cho những cảm xúc ấy", Giang nói. 

Rất nhiều sinh viên năm thứ nhất hé lộ họ đang trong một mối quan hệ, tuy nhiên, với mỗi bạn, tình yêu đó tới từ nhiều cách, có bạn tin vào tình yêu sét đánh và gắn bó với tình cảm đó, có bạn lại có "chuyện tình cảm" từ mạng xã hội. "Mình tin vào tình yêu sét đánh vì mình đã trải qua rồi. Thực ra mình chưa bao giờ ở trong một mối quan hệ thực sự, nhưng mình đã từng thầm yêu một người. Ngay từ lần gặp đầu tiên, mình đã thấy người ấy rất "hợp gu" mình, mình tin rằng người ấy là người con gái trong mộng của mình, và mình thậm chí còn mơ về tương lai "ngôi nhà và những đứa trẻ" cơ", Minh Đức chia sẻ.

Còn theo Thanh Tùng: "Mình đã từng thấy những người xung quanh mình "yêu từ cái nhìn đầu tiên," nhưng bản thân mình chưa có trải nghiệm ấy. Mình quan niệm tình yêu là sự gắn kết lâu dài, và "tình yêu sét đánh" chỉ là ấn tượng ban đầu. Việc ta có biến được ấn tượng ban đầu ấy thành tình yêu hay không lại là một câu chuyện khác".

"Người trẻ hiện nay quen nhau rất nhiều trên mạng xã hội, sử dụng những ứng dụng hẹn hò như Tinder, Bumble, nhưng lại thiếu tương tác ngoài đời. Mình nghĩ những tương tác trên mạng xã hội chỉ có thể khơi dậy trí tò mò chứ không thể đảm bảo cho một tình yêu bền vững lâu dài. Mình là một người yêu sớm. Mình đã có một mối tình "gà bông" từ những năm cấp 2 và bị "đá." Khi đó, mình tự hỏi vì sao tình yêu có thể kết thúc sớm thế khi mình dành rất nhiều tâm huyết cho nó, nhưng rồi mình nhận ra người trẻ dễ bày tỏ cảm xúc một cách bột phát, dễ thích thay vì yêu, và dễ từ bỏ một mối quan hệ vì học tập hay công việc", Thủy Linh nói thêm về các mối quan hệ của bạn trẻ xuất phát từ mạng internet.

Khẳng định thêm về chuyện tình yêu của giới trẻ, Diệu Huyền cho biết: "Theo mình việc quan trọng nhất là phải đặt ra mục tiêu. Hồi cấp 3 mình dành rất nhiều thời gian để yêu, và lực học mình đi xuống vì mình không biết học làm gì, thi vào đâu. Từ khi lên đại học mình bắt đầu có định hướng hơn, ví dụ học để lấy bằng xuất sắc, làm việc để kiếm tiền. Giờ mình dành ít thời gian cho tình yêu hơn, nhưng mình và người yêu đã có một mối quan hệ lâu dài và bọn mình đã tiến đến giai đoạn "nói ít hiểu nhiều." Chắc là mỗi người sẽ có những trải nghiệm riêng và tự rút ra kinh nghiệm cho bản thân".

Vì sao người trẻ ít nói lời yêu thương với cha mẹ? - 2

Trường Giang - sinh viên Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao (Ảnh: Công Huy).

Ngoài tình yêu, tình thân cần được giới trẻ chăm sóc hơn

"Mình là một người rất gần gũi và hay chia sẻ với bố mẹ. Để đạt đến được sự kết nối như vậy, bố mẹ và mình luôn cố gắng thấu hiểu cho nhau. Mình nghĩ các bậc phụ huynh nên cập nhật thông tin trên mạng xã hội để tìm hiểu thêm và biết cách giao tiếp với con cái, đồng thời, con cái cũng không nên đòi hỏi quá nhiều ở cha mẹ. Nếu cả hai bên đều cố gắng thì khoảng cách thế hệ sẽ được thu hẹp đáng kể", Trường Giang nói.

Không giống như Trường Giang, nhiều bạn trẻ lại thú nhận, họ không muốn chia sẻ với bố mẹ điều gì, thậm chí có bạn còn cho rằng, thà tự chịu còn hơn phải kể lể với bố mẹ. Chính điều đó, khi trao đổi với nhiều bậc phụ huynh, không ít người than phiền họ cảm thấy rất ức chế, thậm chí trầm cảm vì con cái không chia sẻ cho cha mẹ, tự ý làm những điều mình muốn, và khoảng cách thế hệ ngày càng xa dần, điều đó cũng khiến cho rất nhiều bạn trẻ ngày càng khó mở lời nói câu yêu thương tới cha mẹ.

Một phụ huynh từng viết trên facebook rằng: "Nói chuyện với con trai cú thật, nhịn nó hơn nhịn cơm sống. Cái gì cũng hỏi mẹ, từ việc nhỏ nhất như hôm nay có cần tắm gội không? Thế nhưng chỉ cần động vào cái điện thoại của nó để đi sạc hộ thì nó phản ứng ngay bằng giọng điệu: mẹ đang xâm phạm quyền riêng tư của con đấy. Có lúc nó gắt gỏng: thôi thôi con biết rồi, mẹ đi chỗ khác cho con nghĩ… Lắm lúc chỉ muốn táng cho một trận mà phải  nhịn, như lúc này chẳng hạn, đành phải ngắm ảnh lúc nó bé để dịu lòng".

Và để cho tình cảm của mỗi bạn trẻ ngày một tươi đẹp, đặc biệt không chỉ ở tình yêu mà là ở tình thân, "Theo mình, có rất nhiều cách thể hiện tình yêu. Việc nói lời yêu sẽ khiến người yêu mình cảm thấy an tâm và là một cách đảm bảo cho một mối quan hệ bền vững lâu dài", Thủy Linh nói. Nói lời yêu thương, dành sự yêu thương đối với tình yêu, đặc biệt là tình thân được nhiều người thừa nhận là "liều thuốc tinh thần" lớn nhất của mỗi người trong việc kết nối mối quan hệ của cá nhân với gia đình. Đó cũng là nền tảng để mỗi người trẻ sống có trách nhiệm với người thương, người thân cũng như với xã hội của mình hơn.

Vì sao người trẻ ít nói lời yêu thương với cha mẹ? - 3

Các bạn sinh viên tại Học viện Ngoại giao không ngại bày tỏ những quan điểm của mình về tình yêu giới trẻ (Ảnh: Tùng Khánh).

Nhà văn Hoàng Anh Tú: Việc các bạn trẻ ít nói lời yêu thương, bày tỏ tình cảm thông qua ngôn ngữ tới người thân trong gia đình, một phần là do chính tâm lý e ngại và khoảng cách của chính các bậc phụ huynh. Không ít gia đình đã không tạo ra được môi trường này, vì ngay cả việc nói ra cũng cảm thấy xấu hổ. Vậy làm sao để cha mẹ có thể hiểu được con cái nhiều hơn và con cái cũng chia sẻ được với bố mẹ nhiều hơn, đó là việc cần phải có giải pháp xây dựng một môi trường kết nối từ phía cha mẹ với con cái.

Thực tế, cha mẹ khi tiếp nhận thông tin con cái chia sẻ thường bị nỗi lo, sự bất ổn lấn át thông tin. Như việc con cái kể về việc một ca sĩ này, diễn viên nọ là ngay lập tức cha mẹ phủ quyết ngay thông tin bởi nỗi lo sợ con sẽ sa đà, sẽ ham chơi không chịu học hành. Chính vì thế khả năng tiếp tục câu chuyện sẽ rất khó. Bạn trẻ ngược lại, khi nhận thấy sự phủ quyết từ cha mẹ, thì hầu hết sẽ bị ám ảnh việc cha mẹ không hiểu mình, mà đã không hiểu thì con sẽ không nói, không chia sẻ tiếp.
Do vậy, để có sự thu hẹp khoảng cách cha mẹ với con cái, một trong những việc phải làm là phải biết khơi gợi, tiếp tục câu chuyện cùng với các con.