Bạn đọc viết:

"Với quy định nồng độ cồn bằng 0, uống bia không cồn cũng khó an toàn"

PV

(Dân trí) - Dù được giới thiệu là bia không cồn, nhưng trên thực tế, đó là nồng độ cồn rất thấp - dưới 0,5%, chứ không phải bằng 0, nên tôi vẫn có thể bị phạt nồng độ cồn khi lái xe.

Từ thời điểm trước Tết Nguyên Đán, khi cảnh sát giao thông (CSGT) tăng cường công tác kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển ô tô và xe máy, tôi đã nghe bạn bè mách rằng có thể thoải mái uống bia không cồn, hay còn gọi là "bia chay", không phải lo nồng độ cồn trong cơ thể.

Với quy định nồng độ cồn bằng 0, uống bia không cồn cũng khó an toàn - 1

Khi các quy định về nồng độ cồn của tài xế được siết chặt, nhiều người bắt đầu cân nhắc sử dụng bia không cồn trong các cuộc vui (Ảnh: Copter).

Tôi đã lập tức tìm hiểu về sản phẩm này thì thấy trên thị trường hầu hết đều được giới thiệu là có nồng độ cồn thấp - dưới 0,5%, chứ không phải là hoàn toàn không có cồn. Do đó, tôi cũng không dám thử, vì quy định hiện nay là người điều khiển ô tô phải có nồng độ cồn bằng 0 và mức phạt đối với người vi phạm rất cao.

Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển xe ô tô có nồng độ cồn nhưng chưa quá 50mg/100ml máu hoặc dưới 0,25mg/lít khí thở sẽ bị phạt từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng, và bị tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng. Mức phạt tương tự với người điều khiển xe máy là từ 2 đến 3 triệu đồng, kèm tước giấy phép lái xe từ 10 đến 12 tháng. Với người đi xe đạp là 80.000-100.000 đồng.

Với quy định mang tính tuyệt đối như vậy, những người lái ô tô phải hoàn toàn tránh các loại đồ ăn, thức uống có chứa cồn, dù chỉ là một lượng rất nhỏ; thậm chí, nên tránh cả các loại đồ ăn có khả năng chuyển hóa thành cồn (ethanol) trong cơ thể, như chuối chín, mít chín, đồ nếp... Tôi thấy như vậy quá bất cập!

Trên thực tế, bạn bè tôi đã có người nhận kết quả nồng độ cồn trên 0 dù chỉ dùng nước súc miệng hoặc siro cảm cúm, vậy thì việc uống bia có nồng độ cồn dưới 0,5% tôi nghĩ vẫn có thể "dính án", nhất là khi uống nhiều.

Tất nhiên, nếu là bia không cồn thì tôi nghĩ rằng sẽ khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa nhanh, sau vài tiếng có thể "bay hơi" hết, nhưng việc giải thích và chứng minh với CSGT sẽ rất phức tạp và mất thời gian - điều không ai muốn.

Thực tế là trong một vài lần khi lái ô tô về muộn, tôi đã bị CSGT yêu cầu dừng xe và kiểm tra nồng độ cồn. Tôi không thấy lực lượng y tế có mặt ở chốt kiểm tra, nên rất băn khoăn trường hợp nếu tôi thấy bị oan, muốn được kiểm tra bằng phương pháp xét nghiệm máu thì có được chấp nhận không, chi phí sẽ do bên nào chịu.

Bạn nào đã từng thổi nồng độ sau khi sử dụng bia không cồn có thể chia sẻ cho mọi người cùng biết kết quả không?

Tôi hoàn toàn ủng hộ quy định cấm lái xe sau khi đã uống rượu bia, nhưng quy định giới hạn nồng độ cồn bằng 0 thì theo tôi là chưa hợp lý, nên có "vùng xanh" như ở hầu hết các nước phát triển.

Độc giả Quốc Anh

Bài viết này thể hiện quan điểm của độc giả, không nhất thiết trùng với ý kiến của báo Dân trí.