1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia: "Chúng tôi không muốn chia chác"

Hải Nam Nguyễn Hải

(Dân trí) - Dù nhận trách nhiệm với những vi phạm xảy ra tại Đại sứ quán Việt Nam ở Malaysia nhưng bị cáo Trần Việt Thái "lăn tăn là không có bị hại". "Chúng tôi không muốn chia chác", ông Thái nói.

Sáng 19/7, phiên tòa xét xử đại án "chuyến bay giải cứu" tiếp tục phần tranh luận.

Tự bào chữa cho bản thân, bị cáo Trần Việt Thái (cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia) cho biết, thời điểm tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ Malaysia về nước là rất căng thẳng, bắt buộc phải có kinh phí dự phòng cho tình huống bất ngờ.

Theo cựu đại sứ, bị cáo nhận trách nhiệm với những vi phạm xảy ra tại Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia nhưng ông Thái "lăn tăn là không có bị hại". "Chúng tôi không muốn chia chác", ông Thái nói về số tiền thu dôi ra để làm "kinh phí dự phòng".

Nói về một trong những lý do phải thu thêm kinh phí dự phòng, ông Thái khai, nhiều người mãn hạn tù ở những trại giam xa. Nếu không thể đưa họ về nước, thì cũng không thể cho họ quay lại trại.

Cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia: Chúng tôi không muốn chia chác - 1

Ông Trần Việt Thái (Ảnh: Nguyễn Hải).

Phân trần thêm, ông Thái cho biết, số tiền thu dôi ra để làm kinh phí chỉ dao động 12-15%, tức 2-3 triệu đồng, thấp hơn mức 40-80 triệu đồng mà môi giới thu ở thời điểm đó.

Trước đó, trong phần xét hỏi, bị cáo Thái khai chỉ đạo Nguyễn Hoàng Linh và Lê Ngọc Anh (cựu cán bộ đại sứ) đi khảo sát thực tế để lập kế hoạch dự trù kinh phí đưa những người Việt Nam mãn hạn tù về nước. Các khoản khảo sát có tiền vé máy bay, tiền hộ chiếu, thủ tục về nước, tiền xét nghiệm covid-19.

Theo lời khai của cựu đại sứ, sau khi khảo sát, đại sứ quán thống nhất 3 mức thu: 20,3 triệu đồng/người có hộ chiếu; 24,9 triệu đồng/người chưa có hộ chiếu; 30-34 triệu đồng/người ở đảo xa phải bay thêm chuyến nội địa.

Riêng chi phí cấp hộ chiếu, đại sứ quán thu hơn 4,6 triệu đồng/cuốn nhưng thực tế chỉ 1,6 triệu đồng/cuốn.

Tổng số tiền mà đại sứ quán đã thu là 44,6 tỷ đồng. Số tiền này, chỉ 34,2 tỷ đồng được chi cho việc đưa công dân về nước.

Số tiền dư còn lại, cựu đại sứ Việt Nam tại Malaysia cho biết trích một phần dùng để "bồi dưỡng" cho cán bộ tại đại sứ quán, theo tỷ lệ: Đại sứ hệ số 1,5; 2 cán bộ trực tiếp hệ số 1,2; còn lại hệ số 1, căn cứ vào mức phụ cấp của Nhà nước.

Sau khi cân đối, ông Thái hưởng 580 triệu tiền "bồi dưỡng", cấp dưới hưởng 220-480 triệu đồng.

Trước tòa, bị cáo Nguyễn Hoàng Linh (cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia) nói đã nhận thức được sai phạm ở 2 vấn đề: Tham gia khảo sát chi phí khi chưa có quy định và nhận tiền bồi dưỡng.

"Sau khi làm việc với cơ quan chức năng, tôi biết việc nhận bồi dưỡng là không đúng nên đã nộp lại toàn bộ", Linh nói và khẳng định bản thân chỉ có một lời khai thống nhất từ trước đến nay, không che giấu điều gì ở đại sứ quán.

Tự bào chữa cho bản thân, Linh cho rằng bản án mà VKS đề nghị dành cho bị cáo là nặng. "Tôi không biết là sẽ được hưởng bồi dưỡng bao nhiêu. Trước đó, tôi đã làm nhiều việc mà không được trả tiền", bị cáo nói.

Trình bày tình tiết giảm nhẹ, Linh cho biết từng được tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác bảo hộ công dân tại nước ngoài. "Kính mong HĐXX xem xét vai trò của tôi, cũng như bối cảnh của đại sứ quán khi đó, để tôi và những bị cáo khác tại đại sứ quán được hưởng khoan hồng", bị cáo Linh trình bày.

Trong phần luận tội, Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia 5-6 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

VKS đề nghị mức án 4-5 năm tù đối với Nguyễn Lê Ngọc Anh và Nguyễn Hoàng Linh; 2-3 năm tù với Đặng Minh Phương (3 bị cáo là cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia) cùng về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.