Vụ AIC: Vì sao Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh không bị khởi tố?

Hải Nam

(Dân trí) - Theo Bộ Công an, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tiến Hưng ký các tài liệu của dự án theo ủy quyền, phân công của Giám đốc Sở nhưng không biết việc vi phạm của cấp dưới.

Trong kết luận điều tra vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã đề nghị truy tố 16 bị can về các tội danh: Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Cơ quan chức năng xác định, tại dự án mua sắm trang thiết bị Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch Công ty AIC) đã sử dụng nhiều thủ đoạn gian dối, chỉ đạo các công ty "quân xanh" để giúp Công ty AIC trúng 4 gói thầu, Công ty Mopha trúng 2 gói thầu, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 50 tỷ đồng.

Kết luận điều tra nêu, ngoài các bị can đã bị khởi tố, đề nghị truy tố, còn có một số cá nhân có hành vi vi phạm liên quan ở mức độ khác nhau.

Vụ AIC: Vì sao Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh không bị khởi tố? - 1

Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh (Ảnh: Bệnh viện S-N Quảng Ninh).

Tại Sở Y tế, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư Phạm Trọng Hiệu cùng cấp phó là Nguyễn Đức Quang có vai trò quan trọng, là đầu mối, trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo Sở quyết định mọi vấn đề của dự án.

Quá trình điều tra, Bộ Công an có đủ cơ sở xác định toàn bộ việc thông đồng giữa chủ đầu tư - nhà thầu và công ty thẩm định giá đều do ông Hiệu và Quang chỉ đạo, trực tiếp thực hiện. 

Theo kết luận điều tra, ông Hiệu và Quang "là người giúp sức tích cực cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại cho Nhà nước". 

Hành vi của 2 cựu cán bộ trên đủ yếu tố cấu thành tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, Bộ Công an cho biết, ông Hiệu và Quang đã chết nên không xem xét trách nhiệm hình sự.

Đối với Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tiến Hưng, Bộ Công an xác định ông này là người ký các tài liệu của dự án theo ủy quyền, phân công của Giám đốc Sở Y tế. Tuy nhiên, ông Hưng không biết việc vi phạm của cấp dưới, chỉ ký, chứng từ theo trình tự thủ tục.

Quá trình điều tra, Bộ Công an không có căn cứ chứng minh ông Hưng thông đồng với nhà thầu, công ty thẩm định giá, cũng như không có yếu tố vụ lợi. Vì vậy, không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự với ông Hưng.

Tương tự trường hợp ông Hưng, ông Phan Doãn Thức (nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính) cũng ký hồ sơ, chứng từ theo ủy quyền, phân công, trình tự mà không biết những vi phạm ở cấp dưới, nên không bị xem xét xử lý.

Theo kết luận điều tra, nguyên Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh Nguyễn Quốc Hùng là người đại diện đơn vị sử dụng tài sản, là thành viên Tổ chuyên gia. Nhưng, ông Hùng không tham gia lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu vì không có chuyên môn.

Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng khoa học Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh, ông Hùng và 14 thành viên đã ký Biên bản thông qua danh mục trang thiết bị điều chỉnh, bổ sung về số lượng so với quyết định đã được phê duyệt trước đó.

Quá trình điều tra, Bộ Công an xác định, ông Hùng và 14 thành viên trên thực tế không có chuyên môn về thiết bị, chỉ ký với mong muốn bệnh viện mua được thiết bị mới để đưa vào sử dụng. Kết luận điều tra cũng không tìm thấy căn cứ chứng minh ông Hùng và những thành viên trong Hội đồng có hành vi thông đồng với nhà thầu, vụ lợi cá nhân.

Do đó, không có căn cứ xử lý hình sự với ông Nguyễn Quốc Hùng.

Trong bản kết luận, Bộ Công an đề nghị truy tố bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch Công ty AIC) và anh trai là ông Nguyễn Anh Dũng (Giám đốc Công ty CP Bất động sản Phúc Hưng) về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài ra, 14 bị can khác tại Công ty AIC, Sở Y tế Quảng Ninh, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh... cũng bị đề nghị truy tố.