“Lãnh đạo trẻ HYLI” ra sách trắng bàn về giao thông ASEAN

(Dân trí) - Vừa qua, chương trình “Sáng kiến tài năng lãnh đạo trẻ” HYLI 2015 đã phát hành cuốn sách trắng với các ý tưởng và kiến nghị nhằm giúp các hệ thống giao thông trong khu vực ASEAN hoạt động hiệu quả hơn.

Cuốn sách trắng này được soạn thảo dựa trên sáng kiến, thảo luận của 31 sinh viên xuất sắc tại khuôn khổ chương trình HYLI 2015 được tổ chức tại Manila (Philippines) cuối tháng 7/2015.

Bìa sách trắng của chương trình Sáng kiến lãnh đạo tài năng trẻ HYLI 2015
Bìa sách trắng của chương trình Sáng kiến lãnh đạo tài năng trẻ HYLI 2015

Theo đó, trong vòng 4 ngày diễn ra, các sinh viên đến từ 8 quốc gia (Philippines, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Nhật Bản) đã cùng lắng nghe các diễn giả, tạo nhóm thảo luận về các vấn đề dựa trên chủ đề chính “Nhận định của ASEAN về những thách thức của xã hội và môi trường trong việc thiết kế và triển khai các hệ thống giao thông công cộng” và tập trung tìm kiếm các giải pháp toàn diện, bền vững cho lĩnh vực giao thông công cộng tại các nước ASEAN.

Về vấn đề “những phương án hạ tầng cơ sở của các hệ thống giao thông thân thiện với môi trường và con người là yếu tố trung tâm”, các bạn SV đều cho rằng việc bảo vệ sức khỏe cho các đối tượng tham gia giao thông là yếu tố vô cùng quan trọng khi xúc tiến việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc hiện nay là tình trạng xuống cấp của các phương tiện công cộng cũng như các hệ thống cơ sở hạ tầng không thuận tiện đang khiến người dân lựa chọn các phương tiện cá nhân thay cho phương tiện công cộng.

Để thuyết phục người dân chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, các sinh viên đã đề xuất xây dựng các trạm trung chuyển, vận dụng các nguồn lực thân thiện với môi trường, sử dụng các hệ thống đường nhánh và áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin tích hợp.


4 SV xuất sắc đại diện cho Việt Nam tại HYLI 2015

4 SV xuất sắc đại diện cho Việt Nam tại HYLI 2015

Một vấn đề khác cũng được các sinh viên thảo luận sôi nổi, đó là “Hình thành văn hóa chia sẻ: thay đổi lối sống vì một hệ thống giao thông hiệu quả hơn”. Theo các bạn SV, cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu sự phối kết hợp giữa khối chính phủ và tư nhân, khó tiếp cận với những nguồn thông tin chính thống và ách tắc giao thông là những nguyên nhân chính lý giải tại sao xã hội cần hiểu rõ nhu cầu cấp thiết phải hình thành văn hóa chia sẻ.

Đồng thời các “lãnh đạo trẻ” tài năng cũng đưa ra 3 nhóm giải pháp là các chính sách khuyến khích của chính phủ dành cho các công ty tư nhân trong việc xúc tiến hoạt động chia sẻ phương tiện giao thông; phát triển các ứng dụng di động và phân tích dữ liệu lớn nhằm cung cấp cho công chúng những thông tin chính xác; và làm việc từ xa nhằm giảm thiểu nhu cầu sử dụng các phương tiện giao thông cũng như giảm hiện tượng ùn tắc giao thông.

Với những nội dung thể hiện ý tưởng, quan điểm sáng tạo và đột phá của các đại biểu trẻ tuổi, cuốn sách trắng đã phần nào “phản ánh được tiếng nói của những đối tượng chịu ảnh hưởng từ các vấn đề về giao thông công cộng cũng như khát khao tạo nên được sự khác biệt trong vấn đề này” và “hiến kế” giúp các hệ thống giao thông trong khu vực ASEAN hoạt động hiệu quả hơn.

Vũ Phong