72 người Việt thử nghiệm dùng tế bào gốc trung mô để điều trị lão hóa

Hoàng Lê

(Dân trí) - Theo nhóm nghiên cứu, 12 người đầu tiên có tình trạng lão hóa viêm được truyền tế bào gốc trung mô đã có kết quả khả quan.

Trao đổi với phóng viên bên lề hội nghị khoa học lần thứ 12 của Hội Tế bào gốc TPHCM, diễn ra ngày 8/12, bác sĩ Phan Thanh Hào, Viện trưởng Viện tế bào gốc chống lão hóa cho biết, hiện nay không chỉ người dân mà những nhà khoa học, nhà nghiên cứu lâm sàng rất quan tâm các giải pháp làm chậm vấn đề lão hóa.

Trên thế giới có nhiều hướng nghiên cứu để tiếp cận vấn đề lão hóa, như ở góc độ gen đến sự biến đổi bên trong tế bào. Lão hóa có liên quan nhiều nhóm bệnh, từ cơ xương khớp đến thần kinh, tim mạch, nhóm bệnh chuyển hóa (như tiểu đường, mỡ máu, béo phì) và kể cả ung thư.

72 người Việt thử nghiệm dùng tế bào gốc trung mô để điều trị lão hóa - 1

Hệ thống lưu trữ tế bào gốc trung mô tại một bệnh viện ở TPHCM (Ảnh: BV).

Các nghiên cứu viên đã tiếp cận ở góc độ lão hóa viêm (lão hóa liên quan đến hệ miễn dịch). Theo đó, miễn dịch con người đóng vai trò rất quan trọng, nếu ai có hệ miễn dịch khỏe mạnh thì sẽ có sức khỏe vượt qua mọi bệnh tật.

Nhóm nghiên cứu nhận định, vấn đề miễn dịch của con người liên quan đến ít nhất 7 loại bệnh đã nêu. Khi sử dụng tế bào gốc trung mô (tế bào có từ tủy xương, mô mỡ, cuống rốn em bé) xử lý bệnh sẽ tác động đến việc giải quyết vấn đề lão hóa.

Cụ thể, các bác sĩ sẽ lấy mô mỡ tự thân của những người có tình trạng lão hóa viêm để nuôi cấy, sau đó truyền tế bào gốc trở lại cho chính bệnh nhân đó, dưới sự cho phép của Bộ Y tế.

Đến nay, nghiên cứu này đã thực hiện ở giai đoạn pha 1, trên cỡ mẫu 12 bệnh nhân (thông qua sàng lọc kỹ càng các tiêu chí đặt ra trên hơn 40 bệnh nhân). Sau khi truyền tế bào gốc lần 1 và lần 2, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành đánh giá kết quả, với tiêu chí đánh giá đầu tiên là sự an toàn.

72 người Việt thử nghiệm dùng tế bào gốc trung mô để điều trị lão hóa - 2

Một nhóm nghiên cứu ở TPHCM đang thử nghiệm dùng tế bào gốc trung mô để điều trị cho các bệnh nhân có tình trạng lão hóa viêm (Ảnh: BV).

Theo đó, tất cả 12 bệnh nhân đều không có biến cố nguy hiểm nào, cho thấy việc truyền tế bào gốc trung mô an toàn. Tiêu chí thứ hai là về mặt kết quả. Dựa trên xét nghiệm trước và sau khi truyền tế bào gốc, bệnh nhân được đánh giá có sự cải tiến rõ rệt, khi các yếu tố cytokine gây viêm giảm xuống hẳn.

"Quá trình đánh giá này rất dài. Chúng tôi phải liên hệ một công ty nghiên cứu đánh giá độc lập, để chứng minh kết quả nghiên cứu này một cách khách quan nhất", bác sĩ Hào nói.

Từ kết quả đã đạt ở giai đoạn 1, Bộ Y tế đã phê duyệt cho bệnh viện trên thực hiện nghiên cứu giai đoạn 2 ở cỡ mẫu lớn hơn, với 60 bệnh nhân. Dự kiến cuối năm nay, giai đoạn 2 của nghiên cứu sẽ hoàn thiện, để đầu năm 2024 tiếp tục trình Bộ Y tế.

Phó giáo sư Trần Công Toại, Chủ tịch Hội tế bào gốc TPHCM cho biết, với khả năng đặc biệt của mình, tế bào gốc đã mở ra một thế giới mới về điều trị bệnh, y học tái tạo.

Đã có nhiều bước tiến đáng kinh ngạc trong việc ứng dụng tế bào gốc để chữa trị nhiều loại bệnh lý, từ ung thư đến các vấn đề về tim mạch và thậm chí là lão hóa.

Chia sẻ tại hội nghị với chủ đề "Các công nghệ và sản phẩm ứng dụng từ tế bào gốc", ông Toại cho rằng, cộng đồng nghiên cứu tế bào gốc ở Việt Nam và quốc tế cần tiếp tục đoàn kết, hợp tác để đưa những phát hiện mới từ labo nghiên cứu đến lợi ích của cộng đồng y học toàn cầu.