DMagazine

Giải mã căn bệnh nguy hiểm từ Nhật Bản khiến quả vải bị "vu oan"

(Dân trí) - "Ăn vải có thể gây viêm não Nhật Bản" là thông tin được lan truyền trong cộng đồng trong một thời gian dài, thậm chí đến thời điểm hiện tại.

"Ăn vải có thể gây viêm não Nhật Bản" là thông tin lan truyền trong cộng đồng một thời gian dài, thậm chí đến thời điểm hiện tại.

Giải mã căn bệnh nguy hiểm từ Nhật Bản khiến quả vải bị vu oan - 1

Năm 1871, ca lâm sàng viêm não Nhật Bản đầu tiên của thế giới được ghi nhận tại chính đất nước tạo nên cái tên đặc trưng của căn bệnh này.

Nửa thế kỷ sau ca bệnh đầu tiên xuất hiện trong y văn, những làn sóng dịch viêm não Nhật Bản liên tục bùng phát ở xứ sở hoa anh đào, đặc biệt vào các năm 1927, 1934 và 1935 khiến hàng nghìn người, trong đó chủ yếu là trẻ em mắc bệnh.

Chưa có vaccine, nền y học chưa phát triển, viêm não Nhật Bản trở thành một nỗi ám ảnh lúc bấy giờ khi bệnh có tỷ lệ tử vong cao (lên đến 20 - 30% với các trường hợp phải nhập viện), các trường hợp sống sót cũng để lại những di chứng thần kinh nặng nề như: động kinh, giảm học lực, đần độn, liệt, thất ngôn.

Chỉ vài thập kỷ sau những làn sóng dịch đầu tiên, viêm não Nhật Bản đã lan rộng ra nhiều nước trên thế giới.

Viêm não Nhật Bản đã nhiều lần bùng nổ thành đại dịch trên những khu vực rộng lớn ở Bắc Á, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Cho đến ngày nay, ở nhiều quốc gia, viêm não Nhật Bản vẫn là một vấn đề phức tạp. 

Ở Việt Nam, ca bệnh viêm não Nhật Bản được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1952 sau đó thành bệnh lưu hành trên cả nước. Năm 1995, viêm não Nhật Bản chiếm đến 61,3% các ca viêm não do virus được ghi nhận.

Giải mã căn bệnh nguy hiểm từ Nhật Bản khiến quả vải bị vu oan - 3

Trong những năm 80 và đầu thập kỷ 90 thế kỷ XX, tỷ lệ mắc bệnh ở nước ta khá cao (7/100.000 dân). Từ năm 1997, khi vaccine viêm não Nhật Bản được đưa vào dự án Tiêm chủng mở rộng cho trẻ em lứa tuổi 1-5, tỷ lệ mắc bệnh đã giảm đáng kể.

Hơn 60 năm kể từ khi được ghi nhận, "thủ phạm" gây viêm não Nhật Bản mới được các nhà khoa học xác định. Đó là một loại virus thuộc nhóm Arbovirus, họ Togaviridae, giống Flavivirus (Flavivirus có liên quan đến bệnh sốt xuất huyết, sốt vàng da và nhiễm virus West Nile, lây lan qua đường muỗi đốt).

Virus viêm não Nhật Bản có kích thước 15-22-50 nanomet, là loại virus không chịu nhiệt, bất hoạt ở nhiệt độ 56 độ C trong 30 phút và 2 phút ở nhiệt độ 100 độ C. Virus có thể tồn tại trong thời gian lên đến vài năm ở trạng thái đông lạnh.

Loại virus này đã được đặt lên là Japanese encephalitis virus - JEV.

Nghiên cứu cũng đã chỉ ra virus viêm não Nhật Bản có nguồn gốc nguyên thủy từ một loại virus cổ đại ở khu vực Malay Archipelago. Loại virus này sau đó tiến hóa trong vài ngàn năm, thành các chủng khác nhau (genotype I - IV) và lan rộng khắp châu Á.

Việc xác định được virus viêm não Nhật Bản là bước đệm quan trọng để các nhà khoa học nghiên cứu ra vaccine phòng viêm não Nhật Bản, góp phần đáng kể trong việc khống chế sự bùng nổ của căn bệnh này.

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), tại Việt Nam, từ năm 1997 vaccine viêm não Nhật Bản được đưa vào tiêm chủng mở rộng với diện triển khai tại 12 tỉnh, thành phố thuộc vùng có nguy cơ cao (mỗi tỉnh một huyện).

Giải mã căn bệnh nguy hiểm từ Nhật Bản khiến quả vải bị vu oan - 5

Diện triển khai được mở rộng hàng năm, năm 1998 và 1999 tăng lên 13 tỉnh, thành phố với 53 huyện triển khai; năm 2000 tăng lên 20 tỉnh với 81 huyện triển khai; năm 2005 tăng lên 51 tỉnh với 308 huyện triển khai; đến năm 2014 vaccine viêm não Nhật Bản được triển khai tại tất cả các huyện thuộc 63 tỉnh thành phố dưới hình thức tiêm chủng theo đợt.

Từ năm 2015, vaccine viêm não Nhật Bản chính thức được triển khai trong tiêm chủng mở rộng hàng tháng.

Nghĩa là thay vì tổ chức tiêm chủng theo đợt diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định trong năm tùy theo từng nơi, các địa phương đã tổ chức tiêm vaccine viêm não Nhật Bản hàng tháng cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng.

Giải mã căn bệnh nguy hiểm từ Nhật Bản khiến quả vải bị vu oan - 7

Nữ sinh 18 tuổi, sống tại Lục Ngạn (Bắc Giang) được đưa vào bệnh viện khi bất ngờ xuất hiện triệu chứng đau đầu liên tục, buồn nôn…

Sang ngày thứ hai, bệnh nhân gần như mất khả năng đi lại, phải nằm li bì trên giường bệnh, ý thức lú lẫn, nói chuyện lộn xộn.

Các bác sĩ chỉ định điều trị theo phác đồ sốt virus nhưng tình trạng bệnh không cải thiện. Sang ngày thứ 5 của bệnh, kết quả chọc dịch não tủy có tế bào tăng. Bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh với chỉ định theo dõi viêm não, màng não.

Theo BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản. Đây là ca bệnh khá hy hữu.

"Viêm não Nhật Bản chủ yếu gặp ở trẻ em. Người trưởng thành ít khi mắc căn bệnh này do thường đã có miễn dịch từ vaccine hoặc do từng bị mắc bệnh triệu chứng nhẹ trong quá khứ.

Ở khoa chúng tôi thỉnh thoảng tiếp nhận một số trường hợp bệnh nhân trưởng thành nhưng hầu hết chỉ khoảng 16 tuổi", BS Thiệu cho hay.

Giải mã căn bệnh nguy hiểm từ Nhật Bản khiến quả vải bị vu oan - 9

Việc tiêm vaccine viêm não Nhật Bản sẽ giúp duy trì miễn dịch bền vững trọn đời với căn bệnh này. Tuy nhiên, theo BS Thiệu "lá chắn miễn dịch" chỉ hoàn thiện khi đã tiêm đủ 3 mũi vaccine.

Sau khi tiếp nhận, bệnh nhân ngay lập tức được chọc dịch não tủy, chỉ định điều trị bằng thuốc kháng sinh, kháng virus, an thần, khám viêm.

Theo chuyên gia này, viêm não Nhật Bản rất nguy hiểm khi nguy cơ cao để lại các di chứng thần kinh nếu không được điều trị kịp thời.

Viêm não Nhật Bản có thời gian ủ bệnh từ 5 - 14 ngày, trung bình khoảng một tuần. Trong giai đoạn này, người bệnh không có triệu chứng rõ rệt của bệnh.

Sau giai đoạn ủ bệnh, virus viêm não Nhật Bản vượt qua hàng rào mạch máu - não và gây phù não với các triệu chứng khởi phát như: đột ngột sốt cao 39 - 40 độ C hoặc hơn.

Ngoài ra, người bệnh còn có các triệu chứng khác như: đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn. Trong 1 - 2 ngày đầu có thể gặp dấu hiệu như: cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn vận động nhãn cầu, mất ý thức hay phản xạ gân xương tăng,…

"Khi bệnh nhân có biểu hiện mắc viêm não Nhật Bản, lượng virus chủ yếu tập trung ở não và gây tổn thương các tế bào thần kinh. Do vậy, việc điều trị viêm não Nhật Bản rất khó khăn, với tỷ lệ tử vong và di chứng rất cao.

Viêm não Nhật Bản là một trong những bệnh để lại di chứng đặc biệt nặng nề. Bệnh gây tử vong cao (25-35%) hoặc di chứng thần kinh nghiêm trọng vĩnh viễn…

Các di chứng thần kinh kể trên thường chiếm hơn 50% người bị mắc bệnh, thường gây tàn phế, mất khả năng lao động, để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội", BS Thiệu cho hay.

Theo chuyên gia này, với viêm não Nhật Bản cần tập trung điều trị nội khoa trong 7-14 ngày đầu ngăn tình trạng chuyển nặng thì tiên lượng bệnh nhân sẽ rất tốt. Sau 14 ngày, tiên lượng sẽ thấp hơn. Giai đoạn này thường bệnh đã để lại các di chứng về thần kinh.

Các bác sĩ chỉ điều trị di chứng và ngăn bệnh nặng hơn, khả năng cải thiện của bệnh nhân là rất thấp.

"Với trường hợp bệnh nhân nữ 18 tuổi mà chúng tôi đang điều trị, đến thời điểm hiện tại, bệnh nhân gặp tình trạng nói khó và chưa đi lại được, yếu mỏi xương tay. Điều này cho thấy bệnh nhân đã bị ảnh hưởng đến ngôn ngữ và vận động.

Điều may mắn là bệnh nhân vẫn chưa bị động kinh, co giật nếu không sẽ có nguy cơ để lại những di chứng nặng nề ở não", BS Thiệu cho hay.

Giải mã căn bệnh nguy hiểm từ Nhật Bản khiến quả vải bị vu oan - 11

"Ăn vải có thể gây viêm não Nhật Bản" là thông tin được lan truyền trong cộng đồng trong một thời gian dài và thậm chí đến thời điểm hiện tại.

Có nhiều lý do khiến quả vải bị đổ lỗi là thủ phạm gây viêm não Nhật Bản. Một trong số đó là việc viêm não Nhật Bản xuất hiện phổ biến nhất ở nước ta trong giai đoạn tháng 5 -7 hàng năm, trùng với mùa vải. Thêm vào đó, bệnh nhân viêm não Nhật Bản cũng xuất hiện nhiều ở các vùng trồng vải lớn.

Theo BS Thiệu, không có chuyện quả vải gây viêm não Nhật Bản. Tuy nhiên, lại có một mối liên kết đặc biệt giữa loại quả này và bệnh viêm não Nhật Bản. Để hiểu rõ vấn đề này, chúng ta cần phải biết được cách căn bệnh này lây truyền sang người.

Theo BS Thiệu, các nhà khoa học đã xác định được các loài động vật mang mầm bệnh viêm não Nhật Bản thường là gia súc như lợn, trâu bò, ngựa và chim hoang dã. Ở các loại động vật này, virus viêm não Nhật Bản chỉ "ẩn mình" chứ không gây bệnh.

Con người bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản khi muỗi culex (muỗi ruộng) hút máu của các động vật mang mầm bệnh sau đó tiếp tục đốt người.

Giải mã căn bệnh nguy hiểm từ Nhật Bản khiến quả vải bị vu oan - 13

Theo giám sát dịch tễ, giai đoạn tháng 5 -7 muỗi sẽ hoạt động nhiều, cũng là mùa chim đến ăn quả chín.

"Ở các vùng có quả chín ở giai đoạn này, điển hình là vùng trồng vải có thể có nhiều chim di cư từ những vùng có virus đến ăn quả. Trong quá trình chim di cư sinh sống tại đây, muỗi sẽ hút máu chim mang mầm bệnh sau đó lại tiếp tục truyền sang các loại gia súc.

Điều này khiến mầm bệnh "bao vây" khu dân cư làm tăng nguy cơ con người bị lây truyền virus từ vết muỗi đốt", BS Thiệu cho hay.

Do đó, theo ghi nhận, ở Việt Nam các ổ dịch viêm não Nhật Bản phần lớn tập trung ở những vùng trồng nhiều lúa nước kết hợp với chăn nuôi lợn hoặc vùng trung du bán sơn địa có trồng nhiều hoa quả và nuôi lợn.

"Viêm não Nhật Bản lây truyền qua vết đốt của muỗi. Không lây truyền trực tiếp từ người sang người vì thời gian tồn tại của virus trong cơ thể người ngắn và không đủ nồng độ virus để lây truyền.

Việc ăn vải hoàn toàn không liên quan đến nguy cơ mắc bệnh viêm não Nhật Bản. Bên cạnh đó, ăn chung, uống chung, dùng chung đồ dùng hoặc tiếp xúc gần gũi với người bệnh cũng không làm lây nhiễm bệnh", BS Thiệu nhấn mạnh.

Giải mã căn bệnh nguy hiểm từ Nhật Bản khiến quả vải bị vu oan - 15

Theo BS Thiệu, tiêm phòng vaccine là biện pháp bảo vệ bản thân quan trọng nhất trước viêm não Nhật Bản.

"Cần chú ý tiêm đủ liều, đúng phác đồ để vaccine phát huy tối đa giá trị miễn dịch. Người trưởng thành không nhớ tiền sử tiêm vaccine viêm não Nhật Bản của mình hoàn toàn có thể tiêm lại", BS Thiệu phân tích.

Theo khuyến cáo của Bộ Y Tế, để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh viêm não Nhật Bản, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp dưới đây:

Giải mã căn bệnh nguy hiểm từ Nhật Bản khiến quả vải bị vu oan - 17

- Vệ sinh môi trường sạch sẽ, định kỳ dọn dẹp nhà ở, làm sạch chuồng gia súc để hạn chế nơi trú đậu của muỗi. Nếu có thể, nên dời chuồng gia súc ra xa nhà, xa nơi vui chơi sinh hoạt của trẻ em, loại bỏ các ổ bọ gậy, bãi nước tồn đọng.

- Cho trẻ ngủ màn để tránh muỗi đốt, thường xuyên sử dụng các biện pháp phòng chống và tiêu diệt muỗi trong các hộ gia đình.

- Tiêm vaccine đầy đủ và tuân thủ đúng lịch tiêm viêm não Nhật Bản. Việc tiêm chủng được áp dụng cho người lớn và trẻ em đủ tuổi (từ 9 tháng tuổi trở lên).

- Khi đã mắc bệnh, việc điều trị chủ yếu chỉ tập trung vào việc giảm triệu chứng. Chủ động cho trẻ tiêm vaccine và tuân thủ theo lịch tiêm phòng viêm não Nhật Bản theo khuyến cáo. Đây là biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất.

Nội dung: Minh Nhật

Thiết kế: Tuấn Huy

Nội dung: Minh Nhật

Thiết kế: Tuấn Huy