Một học sinh trường Nguyễn Khuyến dương tính với H1N1 sau điều trị

(Dân trí) - Sau khi được điều trị đủ 7 ngày theo phác đồ, một học sinh đang được cách ly tại bệnh viện dã chiến trường Nguyễn Khuyến vẫn dương tính với vi rút H1N1sau khi tái xét nghiệm ngày 30/7.

Một học sinh trường Nguyễn Khuyến dương tính với H1N1 sau điều trị - 1

Hiện bệnh viện dã chiến trường Nguyễn Khuyến đang điều trị cho 37 học sinh nhiễm vi rút H1N1
 
BS N.T.Trang, đại diện BV Q.Tân Bình, cho biết học sinh này được xét nghiệm lần 1 vào ngày 23/7, có kết quả dương tính với vi rút H1N1. Sau khi được cách ly, điều trị ở bệnh viện dã chiến lập ngay tại trường, ngày 30/7 tái xét nghiệm vẫn cho kết quả dương tính.
 
Ngày 31/7, em học sinh này đã được tiến hành xét nghiệm lần 3 tại bệnh viện Nhiệt đới và sẽ được chuyển vào bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để điều trị theo phác đồ mới nếu có kết quả giống như lần 2.

 

BS Trần Quang Minh, Phó giám đốc TTYTDP Q. Tân Bình, cho biết, tính đến ngày 31/7 đã có 37 học sinh trường Nguyễn Khuyến nhiễm vi rút A/H1N1, trong đó 17 trường hợp được cách ly và phát hiện tại trường; 20 ca khác được phát hiện sau khi trường tạm thời đóng cửa. Hiện còn 11 trường hợp đang tiếp tục điều trị và chờ kết quả tái xét nghiệm.

 

Hiện trong toàn Q.Tân Bình vẫn còn 320 học sinh trường Nguyễn Khuyến cư trú tại các phòng trọ thuộc 15 phường trong quận. Tất cả đều được giám sát, đến nay sức khỏe vẫn bình thường.

 

“Nếu không có thêm ca dương tính mới nào, dự kiến bệnh viện dã chiến trường Nguyễn Khuyến sẽ được giải tỏa vào ngày 4/8”, BS Phan Văn Nghiệm nói.

 

Chiều 31/7, Đoàn kiểm tra liên ngành số 6, đoàn đầu tiên trong số 6 đoàn được thành lập, đã tiến hành kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm A/H1N1 tại các khu công nghiệp, các khu nhà trọ tại quận Tân Bình.  

 

Theo nhận định của bà Tô Thị Kim Hoa, Trưởng đoàn kiểm tra, các cấp liên quan của quận Tân Bình cần quan tâm đến các trung tâm giáo dục (hơn 60 trường và hàng trăm nhóm nhà trẻ gia đình) bởi đây là những nơi có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao. Ngoài ra, cần chú ý tới công tác vệ sinh môi trường tại địa phương bởi ngoài dịch cúm, địa bàn quận Tân Bình cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ đối với các dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay-chân-miệng....  

 

Trong buổi giao ban giám đốc các bệnh viện chiều ngày 31/7, BS Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết, dù cúm đã chuyển sang giai đoạn lây lan nhanh trong cộng đồng, tuy nhiên đến nay ngành y tế thành phố vẫn đang giám sát tốt, chặt chẽ từng ca bệnh.

 

Cũng theo ông Châu, một trong những cách có thể giảm các ca tử vong nếu dịch bùng phát mạnh và rộng hơn là tránh không tập trung điều trị nhiều ca bệnh cùng một nơi. Ngoài ra, là phân loại bệnh nhân nặng - nhẹ để đưa đến điều trị tại từng bệnh viện khác nhau…

 

TS Trần Tịnh Hiền, Phó giám đốc BV BNĐ một lần nữa khẳng định, nhờ phát hiện sớm, điều trị kịp thời, hơn 400 bệnh nhân nhiễm cúm tại thành phố đều đã lành bệnh và được xuất viện, không có trường hợp tử vong. Ngay cả 2 trường hợp nặng cũng đã được xuất viện.

 

Ngọc Thanh