Tâm điểm
Vân Thiêng

Cải cách tiền lương và cải cách nền công vụ

Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, được Quốc hội thông qua chiều 9/11, đã chính thức xác định triển khai phương án cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ 1/7/2024.

Trước đó trong phiên trả lời chất vấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay Chính phủ đã cố gắng tăng thu, giảm chi, tiết kiệm được khoảng 560 nghìn tỷ đồng để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024-2026.

Như vậy, từ giữa năm tới, lương mới được trả theo vị trí việc làm thay cho mức lương cơ sở và hệ số lương hiện hành, mang lại kỳ vọng cải thiện đáng kể thu nhập từ lương của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; giảm độ chênh lệch giữa thu nhập từ lương với sự biến động giá cả thực tế của thị trường, đảm bảo đời sống của những người hưởng lương từ ngân sách. Qua đó góp phần giữ chân người có năng lực, hạn chế tình trạng "chảy máu chất xám" ở khu vực công như lâu nay.  

Cải cách tiền lương và cải cách nền công vụ - 1

Quốc hội đề nghị triển khai kịp thời, hiệu quả phương án cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 từ 1/7/2024 (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn)

Lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ được thiết kế gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương); bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Hiện chưa có con số cụ thể tiền lương theo cải cách của từng vị trí, tuy nhiên, với tinh thần nêu trên, cải cách tiền lương lần này không đơn giản chỉ là nâng lương, mà sâu xa hơn, còn là cơ hội để cải thiện hình ảnh nền công vụ trong mắt người dân.

Một quốc gia muốn phát triển, phải có một nền công vụ hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và liêm chính, lấy việc phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu tối thượng. Đồng nghĩa với việc bộ máy công quyền phải được vận hành bởi những người toàn tâm toàn ý vì việc công, dám nghĩ dám làm, chuyên cần, tận tụy chứ không "chân trong chân ngoài", "sáng vác ô đi tối vác về", làm việc cầm chừng.

Công cuộc cải cách tiền lương lần này chính là cơ hội để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tiến trình cải cách nền công vụ quốc gia; nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; phải làm sao để họ thấy hãnh diện vì được làm việc trong hệ thống chính trị các cấp.

Lâu nay các cấp có thẩm quyền đã nhiều lần nhấn mạnh Việt Nam phải "xây dựng cơ chế phù hợp để cán bộ công chức không thể, không dám và không cần tham nhũng". Muốn có đội ngũ cán bộ "ba không" thì luật pháp phải đủ nghiêm, chế tài kiểm soát phải đủ chặt chẽ và không thể không nói tới sự cần thiết của chính sách đãi ngộ xứng đáng. Ở nhiều quốc gia, việc trả lương cao cho đội ngũ cán bộ, công chức không chỉ chứng tỏ nền kinh tế vững mạnh mà còn thể hiện sự văn minh, tiến bộ trong nhận thức, trong tư duy về "giá cả của sức lao động".

Chuyện kể rằng, trong chuyến thăm Việt Nam, khi nói chuyện với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã nói rất thật rằng, ông luôn tự hào bởi đảo quốc này có mức lương công chức thuộc diện cao của thế giới. Chính phủ Singapore luôn tính toán để công chức có mức lương đàng hoàng, để họ thấy được làm việc trong nhà nước là một sự hãnh diện, có cơ hội cống hiến trí tuệ, tài năng cho dân, cho nước.

Nước ta chưa giàu, chưa thể thỏa mãn tất cả nhu cầu vật chất của đội ngũ cán bộ công chức, nhưng tôi nghĩ, cũng cần phải có "ngưỡng" của tiền lương, thu nhập từ lương. Khi đạt đến "ngưỡng" có thể chấp nhận được trong điều kiện nhất định, cán bộ, công chức, viên chức sẽ yên tâm làm việc có trách nhiệm hơn, một bộ phận sẽ không cần nghĩ đến chuyện sách nhiễu, tiêu cực.

Cải cách tiền lương lần này sẽ là một cú hích tạo động lực cho người lao động và động lực để cải cách nền công vụ, thông qua việc xác định vị trí việc làm theo đúng quy định và sát với thực tiễn từng đơn vị, từ đó xây dựng bảng lương "đúng người đúng việc"; mỗi vị trí việc làm có mức lương tương xứng với công sức và kết quả làm việc, không còn "cào bằng" và không phụ thuộc vào thâm niên công tác, bằng cấp như lâu nay.

Kỳ vọng rằng 1/7/2024 không chỉ là cột mốc cải cách tiền lương mà còn là cột mốc để môi trường làm việc của khu vực công thực sự là "đất lành chim đậu", thu hút ngày càng nhiều hơn những người hiền tài vào làm việc, cống hiến.

Tác giả: Ông Nguyễn Vân Thiêng là nhà báo với hơn 30 năm trong nghề, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!