Tâm điểm
Bùi Minh Đức

Chờ đợi một kỷ lục yoga ở Việt Nam

Lẫn trong tiếng còi xe inh ỏi của thủ đô New Delhi, Ấn Độ, tôi nghe thấy lời chào mời từ những người dân địa phương đứng bên cạnh một nhóm khách du lịch phương Tây. "Namaste! yoga không? Có mấy lớp yoga hay lắm, đảm bảo các bạn sẽ thích," họ đon đả mời khách bằng giọng Anh - Ấn đặc trưng.

Yoga hiện là một điểm nhấn cho ngành du lịch Ấn Độ, một "sản phẩm văn hóa" được Ấn Độ "xuất khẩu" đến toàn thế giới. Từ Hà Nội đến Mumbai, từ Bali đến New York, những nơi tôi đi qua đều thấp thoáng bóng người tập yoga trong công viên, trong các phòng tập gym mỗi buổi chiều.

Vượt ra ngoài ranh giới tiểu lục địa Nam Á, yoga đã trở thành một hoạt động tập luyện sức khỏe thể chất và tinh thần quan trọng trong đời sống thường nhật của người dân. Riêng tại Mỹ, nó đã trở thành một nền "công nghiệp" trị giá khoảng 10 tỷ USD mỗi năm. 

Chờ đợi một kỷ lục yoga ở Việt Nam - 1

Yoga đã trở thành một hoạt động tập luyện sức khỏe thể chất và tinh thần quan trọng trong đời sống hàng ngày của nhiều người dân (Ảnh minh họa: DT). 

Làm quen với yoga từ cách đây nhiều năm và dù không phải một người tập luyện chuyên nghiệp, tôi vẫn luôn dành ra vài chục phút cuối mỗi buổi tập thể thao để thực hiện một số động tác yoga cơ bản dành cho người "nhập môn."

Phòng múa mỗi buổi chiều tại trường đại học ở Đại học Clark (Mỹ), nơi tôi đang theo học, trải đầy những tấm thảm yoga. Mỗi người một góc, đeo tai nghe và bắt đầu những bài tập của mình. Có những động tác yoga quen thuộc tôi nhận ra, nhưng cũng có nhiều động tác lạ lẫm khi trên thực tế có rất nhiều loại yoga mà người tập phổ thông không thể biết hết được.

Từ những sự quan tâm với yoga, tôi thấy thú vị khi được biết báo Dân trí sẽ tổ chức ngày hội yoga Dân trí, với sự tham gia của 5.000 người vào sáng 12/8 tại sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội. Khi diễn ra, hoạt động này sẽ xác lập kỷ lục "Màn đồng diễn yoga đông người tham gia nhất".

Mỗi năm có hàng trăm, hàng nghìn sự kiện yoga lớn nhỏ diễn ra trên toàn thế giới với không ít các sự kiện quy mô lên đến hàng chục nghìn người. Ở thành phố New York, Mỹ, vào ngày 21/6 - ngày quốc tế Yoga đồng thời là ngày Hạ chí, rất đông người dân New York sẽ tập trung ở Quảng trường Thời đại, cùng nhau tập yoga.

Giữa nhịp sống hối hả tại các quốc gia phương Tây, không ít người tìm đến những nét văn hóa phương Đông như yoga, thiền… để cân bằng cuộc sống. Theo một khảo sát từ năm 2001, đối tượng tập yoga chủ yếu là phụ nữ tốt nghiệp đại học, độ tuổi trung bình 44 với thu nhập 67.000 USD/năm (tương đương với khoảng 1,6 tỷ đồng/năm theo tỷ giá hiện tại). Tuy nhiên, những con số trên đã phần nào thay đổi khi nhóm trẻ tuổi 18-24 chiếm khoảng 17% số người tập yoga tại Mỹ, theo số liệu năm 2020. 

Thoát khỏi cái bóng một "trào lưu" hay "thú chơi" của những người ở tầng lớp trí thức trong xã hội, yoga đã trở thành một thực hành quen thuộc trong đời sống của mọi người ở các giai tầng xã hội khác nhau. 

Nhiều tài liệu cho rằng yoga đã theo chân các nhà sư Ấn Độ tới Việt Nam từ cách đây 2.000 năm, nhưng phải mãi đến những năm 1990, yoga mới bắt đầu được đón nhận, dần trở nên phổ biến trong vài năm trở lại đây. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đầu tiên đồng bảo trợ Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc công nhận ngày 21/6 hàng năm là Ngày quốc tế yoga kể từ năm 2014. 

Người tập tìm đến yoga vì những lợi ích sức khỏe thể chất như cải thiện sức khỏe tim mạch, cải thiện giấc ngủ, giúp người tập kiểm soát cân nặng, tăng cường sự dẻo dai, giảm các vấn đề đau lưng. Hơn thế nữa, yoga không chỉ nằm trong những động tác kỹ thuật, với những tư thế Chào mặt trời, Chó úp mặt hay Chiến binh, mà còn ẩn giấu những hệ thống niềm tin, quan niệm, giá trị tinh thần sâu xa trong văn hóa Ấn Độ.

Tôi bắt đầu tìm đến yoga khi trải qua các vấn đề về tinh thần và tập luyện với các bài tập pranayamas (bài tập kiểm soát việc thở) để giảm thiểu căng thẳng, các hội chứng rối loạn lo âu, căng thẳng. Từ trải nghiệm của mình, tôi thấy rằng yoga không đơn thuần là một bài thể dục, đó là cách để mỗi người kết nối với cơ thể cũng như kết nối với thế giới ngoài kia.

Khi nhìn vào những tấm hình tập yoga được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều dần lên theo thời gian, có lẽ chúng ta cũng phần nào cảm nhận được sự phát triển và lan tỏa của yoga ở Việt Nam. Các tác nhân của đời sống kinh tế - xã hội như ô nhiễm môi trường, công việc mưu sinh, biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế… đặt nhiều áp lực lên vai mỗi người. Đó đều là những yếu tố khiến yoga ngày càng được quan tâm như một giải pháp cho "wellbeing" - sức khỏe toàn diện, của mỗi người.

Và đi qua nhiều năm dịch bệnh, người Việt càng nhận ra giá trị của sức khỏe tinh thần quan trọng không kém gì sức khỏe thể chất. Sự nhận thức của xã hội, đặc biệt của người trẻ, về các vấn đề tâm lý cũng dẫn đến mong muốn kiếm tìm các giải pháp để cải thiện đời sống tinh thần. Tôi nghĩ rằng việc các phong trào yoga ở Việt Nam bắt kịp với xu hướng trên thế giới, cho thấy người Việt cũng ngày càng quan tâm nhiều hơn tới sức khỏe toàn diện để phù hợp với lối sống mới lành mạnh hơn.

Yoga giúp mỗi người tìm lại cân bằng trong cuộc sống, để trong từng hơi thở và động tác, người tập thấy mình đang hiện hữu ở thực tại. Không cần những dụng cụ phức tạp, không đòi hỏi không gian rộng lớn tiện nghi, người tập có thể tìm cho mình một khoảng không - thời gian phù hợp để tập yoga ở bất cứ đâu.

Tất nhiên, yoga không phải là một liệu pháp hoàn hảo, không phải một công thức "thần thánh" cho mọi vấn đề mà xã hội hiện đại gặp phải. Trong thế giới nơi mọi giá trị tinh thần đều có thể thương mại hóa, yoga cũng có thể trở thành một sản phẩm được đóng gói dành cho tất cả mọi người. Tôi tin vào những giá trị yoga mang lại, dù bạn là một chuyên gia hay chỉ biết vài động tác cơ bản, nhưng tôi cũng tin rằng mỗi người sẽ cần những cách thức khác nhau cho các vấn đề của bản thân và yoga không bao giờ là giải pháp cho tất cả (one-size-fit-all). 

Trong một thế giới nơi chủ nghĩa cá nhân lên ngôi và sự kết nối của con người được đo lường bằng số bạn bè trên mạng xã hội, yoga tạo ra một cộng đồng liên kết thật. Những người tập Yoga nhận ra rằng họ không chỉ kết nối thân - tâm - trí bên trong mỗi người mà còn kết nối với những người xung quanh và thế giới bên ngoài.

Bởi vậy, đây chắc chắn sẽ tiếp tục là một hoạt động được đông đảo người dân đón nhận, ngày càng trẻ hóa độ tuổi cũng như có sự tham gia nhiều hơn của nam giới. Xã hội càng chao đảo, con người càng muốn tìm cho mình một điểm cân bằng giữa cuộc sống đầy biến động - và yoga là một trong số những giải pháp hiệu quả cho vấn đề của thế giới hiện đại.

Ngày hội yoga Dân trí sắp diễn ra và chắc chắn là hàng nghìn người đang háo hức chờ đợi.

Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!