Tâm điểm
Lê Ngọc Thảo Nguyên

Công nghiệp văn hóa Việt Nam và 30.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi

Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa hôm 22/12 vừa qua.

Tại đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan tính toán dành gói tín dụng ưu đãi (trước mắt khoảng 20-30 nghìn tỷ đồng) cho ngành công nghiệp văn hóa.

Đây là thông điệp quan trọng và tín hiệu vui với ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Tất nhiên, các cơ quan chức năng sẽ lên kế hoạch sử dụng gói tín dụng ưu đãi này theo quy định pháp luật hiện hành. Ở đây, tôi xin bàn đến các vấn đề cốt lõi trong xây dựng chiến lược phát triển CNVH, để phát huy tốt nhất các khoản đầu tư.

Công nghiệp văn hóa Việt Nam và 30.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi - 1

Du khách xếp hàng vào tham quan ở Di tích nhà tù Hỏa Lò, tháng 5/2023 (Ảnh: Hữu Nghị)

Trước hết chúng ta hiểu như thế nào là công nghiệp văn hóa (CNVH). 

Theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg, các ngành CNVH được định nghĩa là "bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân", "dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ", đồng thời cần phát triển gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam" và "phát huy bản sắc văn hóa dân tộc". 

Như vậy, CNVH đóng hai vai trò: Vừa là công cụ kinh tế, vừa là công cụ đối nội và đối ngoại. Đối với nhiệm vụ kép này, cần thấy rằng sản phẩm văn hóa cho người tiêu dùng trong nước và quốc tế dù đều phải đòi hỏi tính hấp dẫn song có những yêu cầu khác nhau.

Ở vai trò đối nội, các sản phẩm, dịch vụ phải dùng nguyên liệu từ nền văn hóa Việt Nam để thu hút và nâng cao nhận thức, hiểu biết của chính người Việt về văn hóa nước mình. Sự ảnh hưởng của CNVH nằm ở việc khai thác sự đồng cảm văn hóa và tinh thần tự hào dân tộc. Một ví dụ thành công có thể kể đến tour tham quan theo chủ đề tại di tích nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) được đông đảo người dân trong nước đón nhận.

Bên cạnh đó, cần có biện pháp hỗ trợ CNVH cho thị trường trong nước trước sự cạnh tranh từ các sản phẩm văn hóa nước ngoài. Nhìn ra thế giới, Trung Quốc tính đến 2023 đã có hơn 6 năm áp dụng chiến lược bảo vệ các di sản truyền thống Trung Hoa nhằm đẩy mạnh "sự tự tin văn hóa" trong người dân Trung Quốc, như các kiến tạo về việc phục hồi quốc bảo, đầu tư và trợ giá cho hệ thống bảo tàng trọng điểm của đất nước. Đây là một hướng đầu tư cần lưu tâm.

Với vai trò đối ngoại, CNVH cần nắm rõ sự khác biệt của công chúng quốc tế so với dân chúng trong nước, nhất là với các quốc gia có nền văn hóa nhiều khác biệt với Việt Nam.

Sản phẩm xuất khẩu tốt không nhất thiết phải phản ánh giá trị văn hóa cốt lõi vì nhiệm vụ của nó là thu hút, tăng sự chú ý và nâng cao doanh số. Điển hình có thể kể đến sự bắt đầu và phát triển của Hàn Lưu (Hallyu) - cái tên được nhắc đến như một thành công vang dội của CNVH Hàn Quốc.

Từ ban đầu, các sản phẩm trong Hallyu, như K-pop (nhạc), hay K-drama (phim truyền hình), không chỉ để phục vụ người dân trong nước mà chủ yếu hướng tới xuất khẩu. Có thể kể đến như phim "Bản tình ca mùa Đông" được "nhào nặn" dành cho thị trường Trung Quốc, hay màu sắc âm nhạc thời sơ khai của K-pop đều mang hướng Hip-hop theo trào lưu của thị trường Mỹ, và hình tượng ca sĩ được xây dựng dựa trên hệ thống thần tượng của Nhật.

Giới học giả Hàn Quốc đã từng đặt câu hỏi về mức độ phản ánh văn hóa Hàn quốc của Hallyu, như Giáo sư John Lie từng trăn trở rằng "What's the K in K-pop? (Tạm dịch: Chữ K trong K-pop mang ý nghĩa gì?)".

Đa số các bài hát K-pop không gắn liền với các giá trị văn hóa truyền thống của Hàn Quốc, thậm chí cú hit đưa tên tuổi K-pop đến thị trường âm nhạc thế giới - "Gangnam Style" của ca sỹ PSY- còn là lời phê phán lối sống tại khu trung tâm xa hoa Gangnam.

Thực tế sự phát triển của các nhóm nhạc K-pop cũng cho thấy sự quốc tế hóa. Blackpink, nhóm nhạc có sức nóng toàn cầu thuộc quản lý của YG Entertainment, có một thành viên người Thái Lan, một Hàn kiều, và nhiều bài hát của họ hoàn toàn bằng tiếng Anh hoặc xen kẽ tiếng Anh.

Để liên hệ Blackpink hay K-pop nói chung với âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc như "pansori" thì thật khó, nhưng để chứng minh sức hút và sự đóng góp của họ vào GDP của Hàn Quốc thì rất dễ dàng. Như vậy, việc tạo ra sự thu hút cho sản phẩm văn hóa của Việt Nam để xuất khẩu đòi hỏi trước hết là việc tách biệt giữa thị trường trong và ngoài nước.

Việt Nam cũng đã và đang có những ví dụ thành công đưa Việt Nam đến gần hơn với công chúng quốc tế. Có thể kể đến, "See Tình" của Hoàng Thùy Linh với đoạn điệp khúc làm khuấy đảo người dùng Tik Tok. Để phát huy nhiều hơn những tài nguyên như vậy đòi hỏi sự tham gia của các nhân tố phi chính phủ, và cách thức tích hợp sức sáng tạo vào quy trình phát triển CNVH. 

Ba đề xuất phát triển công nghiệp văn hóa

Trong việc xây dựng CNVH thì sự góp sức của các nhân tố phi chính phủ, từ các doanh nghiệp đến các cá nhân, có ý nghĩa quan trọng, nếu không nói là yếu tố chủ chốt quyết định thành công. Thực tế từ Hollywood của Hoa Kỳ cho đến Hallyu của Hàn Quốc đều cho thấy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp giải trí, nghệ thuật, và sáng tạo nội dung.

Vì vậy, xây dựng một cơ chế hợp tác giữa cơ quan quản lý văn hóa và các doanh nghiệp là điều cấp thiết. Trong năm 2023, Việt Nam đã có thể đón tiếp các ngôi sao quốc tế, như Charlie Puth, Black Pink, và West Life đến trình diễn cũng là một minh chứng cho sự thành công bước đầu của việc hợp tác này.

Trích lời Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, ông Nguyễn Văn Hùng, khi bàn về việc phát triển CNVH, "nhà nước chỉ đứng ra định hướng, có tính chất vốn "mồi", còn lại sản phẩm văn hóa được làm ra phải là do nhân dân, doanh nghiệp thực hiện."

Tuy nhiên, làm sao để hiện thực hóa sự đa dạng trong chủ thể tham gia CNVH này là một bài toán phức tạp.

Thứ nhất, đâu là cơ chế để công nhận và hợp thức hóa những cá nhân và tập thể phi chính phủ trong CNVH. Ông Trần Nhất Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - tham gia trong phái đoàn của Việt Nam tại Expo Dubai 2020 - từng thừa nhận rằng "Nói vậy để thấy, mang được bài hát Việt ra thế giới, tạo được sự đồng cảm, yêu thích như Sơn Tùng M-TP hay một số bạn trẻ khác là không đơn giản. Cần có cơ chế khuyến khích những người tiên phong, dẫn dắt. Tất nhiên, đi kèm với đó là vô vàn câu chuyện về bản quyền, ưu đãi, khen thưởng, tôn vinh…". 

Công nghiệp văn hóa Việt Nam và 30.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi - 2

Hoàng Thùy Linh rẽ hướng sang ca hát từ năm 2009 (Ảnh minh họa: Facebook nhân vật).

Thứ hai, xu hướng trao quyền cho các cá nhân với các công cụ công nghệ thông tin trong thời đại công nghệ 4.0, cụ thể là mạng xã hội, đòi hỏi cơ quan quản lý phải coi trọng, khuyến khích chuyển đổi số và việc sử dụng các nền tảng số của công chúng.

Mạng xã hội không chỉ là một nền tảng mới, mà là một hình thái giao tiếp khác với các cách thức và biểu hiện truyền thống, với thế mạnh về tốc độ lan tỏa và có thể truyền tải khối lượng nội dung không giới hạn. Ví dụ như clip Tiktok "Vũ điệu rửa tay" của Quang Đăng trên nền nhạc Ghen Cô-Vy vào năm 2020 đã dễ dàng đưa tên tuổi Việt Nam đến với hàng triệu người trên thế giới chỉ trong vài giờ sau khi ra mắt.

Ngày nay, mỗi cá nhân đều có đầy đủ công cụ và điều kiện để tham gia sáng tạo nhằm xây dựng CNVH cho Việt Nam. 

Cuối cùng, sự đa dạng của chủ thể tham gia như vừa nêu là điều cần thiết, nhưng đâu là giới hạn của sáng tạo để nó không biến chất, gây ảnh hưởng xấu đến CNVH Việt Nam?

Chúng ta phải có một khuôn khổ pháp lý về việc bảo tồn và duy trì văn hóa Việt Nam. Nhưng quy định không có nghĩa là đưa ra những ràng buộc quá mức khiến sáng tạo văn hóa trở nên khó khăn. Tương tự như vậy, ưu đãi tín dụng không có nghĩa là can thiệp vào quá trình tạo ra sản phẩm văn hóa, mà cần hiểu là sự định hướng, là "vốn mồi" như nêu trên.

Để giải quyết thế lưỡng nan này, cần xem xét công nhận "công nghiệp sáng tạo" là một phân nhánh trong chính sách phát triển của CNVH.

Công nghiệp sáng tạo đặt sáng tạo làm trọng tâm, lấy sáng tạo để kết nối các chủ thể tham gia thuộc cả khối Chính phủ và phi chính phủ, giúp tạo ra không gian mở cho quá trình sản xuất ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Công nghiệp sáng tạo cũng có thể cộng hưởng với CNVH để tích hợp các sản phẩm sáng tạo, ví dụ như nội dung trên các nền tảng truyền thông đa phương tiện, vào giá trị kinh tế chung của CNVH.

Tác giả: Lê Ngọc Thảo Nguyên hiện là giảng viên tại Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM, đồng thời là nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành Chính trị & Lịch sử tại trường Đại Học Nottingham, chi nhánh Ninh Ba (Trung Quốc). Lĩnh vực nghiên cứu của bà tập trung vào ngoại giao công chúng, ngoại giao văn hóa và sức mạnh mềm của Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Trước đó, bà nhận bằng Thạc sĩ Chính trị toàn cầu từ ĐH Aberystwyth (Anh Quốc) và bằng Cử nhân Quan hệ quốc tế từ ĐH Nottingham (Anh Quốc).

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!