Tâm điểm
Nguyễn Thị Bích Hậu

Du học hay đi làm chui ở Úc?

Vào tháng 12/2023, tại bang Nam Úc, Australia, có 4 du học sinh trung học người Việt cùng học trong một trường phổ thông tự dưng biến mất.

Vì đây là trường công, nên các em không ở trong trường mà ở các gia đình cho thuê trọ. Và các chủ nhà người Úc đã phải báo cảnh sát khi không thấy các em đâu nữa. Khi ra đi, Sunnie Nguyễn, một trong 4 du học sinh được chủ nhà báo cáo là "mất tích" sau bữa tối cùng quần áo, balo, laptop và giấy tờ tùy thân. Chủ nhà và cảnh sát không thể liên lạc với cô bé qua điện thoại vì đã tắt máy, tài khoản mạng xã hội cũng khóa.

Đây đều là các du học sinh ở tuổi vị thành niên, visa của các em vẫn còn hiệu lực. Nhà chức trách cho hay không có thông tin hoặc bằng chứng nào cho thấy bốn học sinh gặp nguy hiểm và họ "dường như chủ động lẩn trốn chính quyền".

Du học hay đi làm chui ở Úc? - 1

Australia vừa qua tuyên bố sẽ siết quy định thị thực đối với sinh viên quốc tế và người lao động tay nghề thấp (Ảnh minh họa: Reuters).

Một trong số các kịch bản có thể xảy ra là 4 học sinh này đã bỏ trốn để đi làm chui bên ngoài. Tuy nhiên điều này chỉ có thể khẳng định chờ vào kết luận điều tra của cảnh sát Úc.

Việc có không ít du học sinh hay khách du lịch vào Úc đi làm chui là một thực tế lâu nay, báo chí xứ này từng nhiều lần bàn luận. Nhiều trường hợp đã bị bắt quả tang, đưa vào các trại tạm giam hay trục xuất về nước. Những người vi phạm ở đủ mọi lứa tuổi, từ các cháu du học sinh 18-30 tuổi cho tới những người cỡ 40-50 tuổi. Thậm chí có trường hợp là cha mẹ du học sinh hay có quan hệ gia đình với người định cư tại Úc, đã 60-70 tuổi cũng ráng qua làm chui kiếm tiền.

Làm chui ở Úc, tức là họ sẽ trà trộn vào các khu có đông người đồng hương, hay vùng nào có người thân quen chỉ dẫn. Các công việc phổ biến là làm trang trại, làm cho các tiệm ăn, tiệm nail, các cửa hàng đủ loại. Tệ hơn có những người tham gia vào các tổ chức trồng cần sa, và họ có thể kiếm vài ngàn đô la Úc mỗi tháng (1 đô la Úc gần bằng 16.000 đồng).

Số tiền kiếm được hàng tháng từ các công việc lao động phổ biến ở Úc nếu so với thu nhập trung bình ở Việt Nam thì lớn, nhưng nếu trừ đi chi phí thì số còn lại không phải là nhiều, đó là chưa kể rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Hơn nữa đây thường là tiền làm thời vụ, có nghĩa là không đều đặn hàng tháng mà lúc thế này lúc thế khác. Và phần lớn người làm chui nhận đồng lương bị trừ đầu, trừ đuôi từ người chủ nên không phải cao như đồng lương tối thiểu mỗi giờ theo quy định của Úc.

Các chi phí người làm chui phải chi trả là tiền thuê mướn nhà, ăn uống và dịch vụ thiết yếu vốn rất đắt đỏ tại Úc. Ngoài ra họ có thể còn phải trả khoản tiền gia đình đã vay mượn ra để đầu tư vào chuyến đi qua Úc.

Qua các phóng sự trên truyền thông Úc cũng như tìm hiểu thực tế cho thấy nhiều người đi làm chui phải sống trong những căn nhà ổ chuột, ăn uống kham khổ để tiết kiệm tiền gửi về nhà. Họ không hề được hưởng bất cứ phúc lợi xã hội tối thiểu nào, chẳng hạn như mua bảo hiểm y tế là chính sách an sinh cực kỳ quan trọng tại các quốc gia phát triển. Vì vậy khi không may bị bệnh hay tai nạn thì cuộc sống của những người làm chui sẽ rơi vào bi kịch.

Truyền thông địa phương gọi họ là "người rơm" vì không có giấy tờ cư trú hợp pháp. Khi bị nhà chức trách bắt giữ vì cư trú bất hợp pháp và lao động trái phép, họ có thể bị trục xuất hoặc bị ra tòa, xử tù tùy theo vi phạm cụ thể.

Nhiều trường hợp qua Úc đã tìm mối kết hôn giả để có quyền công dân nhờ bảo lãnh diện vợ chồng. Họ sẵn sàng bỏ ra số tiền cả trăm ngàn đô la Úc, tuy nhiên hôn nhân giả đòi hỏi phải "đóng kịch" trong thời gian đầu và đã có nhiều vụ việc lạm dụng, lừa đảo. Có những trường hợp ly hôn rồi làm kết hôn giả không chỉ một mà vài lần với mục đích kiếm tiền. Những cuộc đời quá buồn vì lòng tự trọng tối thiểu bị bỏ ở hàng sau chót.

Vừa qua Sở Giáo dục bang Nam Úc đã đưa 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình - các địa phương ở Việt Nam vốn là nơi xuất phát điểm của các du học sinh bỏ trốn nêu trên - vào danh sách không tiếp nhận du học sinh bậc học phổ thông từ lớp 1-12.

Họ cũng tiến hành rà soát lại học sinh phổ thông muốn qua Úc du học tại 6 tỉnh khác là Đồng Nai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh. Các học sinh từ 6 tỉnh này muốn qua Úc cần phải giải trình rõ ràng về mục đích xin học và kế hoạch du học cụ thể.

Những quy định mới này đã làm ảnh hưởng chung tới các bạn trẻ Việt Nam muốn qua Úc du học ở bậc phổ thông, cho dù mục đích của các bạn là hoàn toàn trung thực thì cũng bị phiền toái bởi nghi vấn gây rắc rối, trốn lại làm chui (nhất là ở bang Nam Úc và các địa phương nêu trên).

Các bang còn lại ở Úc dù chưa có các hành động cụ thể như bang Nam Úc, nhưng chính quyền sở tại sẽ nâng cao sự thận trọng trong xét duyệt hồ sơ của du học sinh để giảm rủi ro. Nhất là thời gian gần đây, Úc cho ra hàng loạt các chính sách nhằm giảm bớt số du học sinh vào nước này nói chung để tránh quá tải hạ tầng.

Vấn đề ở đây chính là nhận thức. Ở nhiều vùng quê tại Việt Nam có không ít gia đình vẫn mơ hồ về thực tế khi cho con đi làm chui ở Úc. Họ đôi khi chỉ nghĩ đơn giản rằng vay mượn tiền bạc và cho con qua bằng mọi giá là xong. Khi qua tới nơi, thay vì tuân theo mục đích chuyến đi được cấp trong visa, các em sẽ lao vào kiếm tiền gửi về nhà.

Họ không hề biết tới những khó khăn gian khổ và tình cảnh bấp bênh của con em mình gặp phải nơi xứ người. Tiếp tay cho họ là rất nhiều mối lái trung gian, những kẻ thu tiền và có thể hoàn toàn lừa đảo. Những mối lái này thường chỉ tô hồng cuộc sống ở Úc, trong khi phận đi làm chui trên thực tế có nhiều mảng xám ngắt.

Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!