Tâm điểm
Trịnh Minh Tuấn

Làm gì để chấm dứt "ép buộc" học thêm?

Tôi tốt nghiệp phổ thông hơn hai mươi năm, nhưng đến lúc này, tôi vẫn nhớ những buổi học thêm tiếng Anh ở nhà thầy T, học thêm Toán ở nhà thầy Th. Với tôi, nếu không học thêm có lẽ không đỗ đại học được.

Hơn hai mươi năm sau, khi là phụ huynh của một bé gái đang học lớp 9 trường công, thì con gái tôi cũng đang học thêm. Cháu học thêm ở một trường công khác. Ngoài ra, cháu còn học thêm ở một cơ sở giáo dục tư. Lý do cháu học thêm chắc cũng như phần lớn các bạn cùng trang lứa, là học tốt hơn những môn mình thích; hoặc học chắc hơn những môn mình chưa tốt.

Học thêm, dạy thêm không phải là hiện tượng riêng có ở Việt Nam, mà nó có tính phổ biến. Ví dụ như học thêm, dạy thêm ở Nhật Bản và Hàn Quốc - những quốc gia có sự tương đồng về truyền thống văn hóa, giáo dục, thi cử như Việt Nam.

Điểm khác biệt về học thêm, dạy thêm tại hai quốc gia kể trên, là "hoạt động học thêm, dạy thêm diễn ra độc lập với hệ thống các trường phổ thông", nghĩa là, giáo viên đang giảng dạy tại các trường phổ thông thuộc hệ thống giáo dục quốc dân không được phép dạy thêm. Các hoạt động học thêm, dạy thêm chỉ được diễn ra ở các cơ sở giáo dục tư hoặc các trung tâm luyện thi.

Làm gì để chấm dứt ép buộc học thêm? - 1

Học sinh đối mặt với nhiều áp lực trong học tập (Ảnh minh họa: Kiều Phương).

Giáo viên dạy thêm tại cơ sở giáo dục tư hoặc các trung tâm luyện thi là giáo viên tự do hoặc là giáo viên ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp giáo dục tư này. Luật quy định như vậy nhằm đảm bảo nguyên tắc không xung đột lợi ích và không ảnh hưởng tới mối quan hệ thầy trò trong trường học.

Học thêm, dạy thêm nhìn dưới lăng kính pháp lý là một giao dịch dân sự. Giao dịch này phản ánh sự thực khách quan là nhu cầu của người học và quyền của người dạy. Người học có quyền học thêm. Và người dạy có quyền dạy thêm. Miễn là hoạt động học thêm, dạy thêm không vi phạm các điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.

Hiện tại pháp luật Việt Nam đang điều chỉnh hoạt động học thêm, dạy thêm theo tinh thần như vậy. Thậm chí, Luật giáo dục 2005 (sửa đổi 2009) còn không có bất kỳ điều khoản nào điều chỉnh hoạt động học thêm, dạy thêm bởi các nhà lập pháp cho rằng đây là một giao dịch dân sự, vì vậy, không cần quy định trong lĩnh vực luật công, như Luật giáo dục.

Hoạt động học thêm, dạy thêm chỉ thực sự trở thành vấn đề xã hội vào đầu những năm 2000. Nó trở thành chủ đề thời sự trên các phương tiện truyền thông. Thậm chí, nó trở thành đề tài khoa học nhận được sự quan tâm của học giả quốc tế. Đơn cử, từ năm 2004-2007, ông Tanaka Yoshitaka, chuyên gia phát triển giáo dục tại Việt Nam, Myanmar, Lào, Indonesia, trong công trình "Cải cách giáo dục Việt Nam" đã bình luận: "Hiện tượng kỳ quặc là giáo viên tập trung vào giờ phụ đạo hơn là giờ học chính quy… Vì vậy, hiện nay chính quyền trung ương đã cấm dạy thêm".

Chính quyền trung ương cấm dạy thêm là chỉ quyết định số: 03/2007/QĐ-BGDĐT  (ban hành tháng 1/2007) của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của quyết định này là về dạy thêm, học thêm trong nhà trường và dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.

Theo định nghĩa của quyết định 03, dạy thêm, học thêm trong nhà trường là dạy thêm, học thêm do nhà trường phổ thông, cơ sở giáo dục khác dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông thực hiện.

Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường là dạy thêm, học thêm do các tổ chức khác thực hiện (không phải nhà trường).

Quyết định 03 giải thích dạy thêm, học thêm trong nhà trường bao gồm: Phụ đạo học sinh học lực yếu, kém; bồi dưỡng học sinh giỏi; dạy thêm cho những học sinh có nguyện vọng củng cố, bổ sung kiến thức; ôn thi tuyển sinh trung học phổ thông…

Còn dạy thêm học thêm ngoài nhà trường bao gồm: Bồi dưỡng kiến thức, ôn luyện thi. Như vậy, phạm vi dạy thêm, học thêm trong nhà trường rộng hơn dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.

Để tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm, vào tháng 5/2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 17 quy định về dạy thêm, học thêm thay thế cho quyết định 03. Thông tư này làm rõ thêm: Học thêm có thu tiền; hồ sơ, trình tự, thủ tục tổ chức dạy thêm, học thêm; hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Thông tư 17 nhấn mạnh việc phụ đạo cho những học sinh học lực yếu, kém, bồi dưỡng học sinh giỏi thuộc trách nhiệm của nhà trường, không thu tiền của học sinh, không coi là dạy thêm, học thêm. Đây là điểm khác cơ bản so với quyết định 03.

Về phân loại dạy thêm, học thêm thì Thông tư 17 không khác gì quyết định 03, nghĩa là có dạy thêm, học thêm trong nhà trường và dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường. Dạy thêm, học thêm trong nhà trường được quy định cụ thể là do cơ sở giáo dục công lập tổ chức. Giáo dục công lập gồm cơ sở giáo dục phổ thông; trung tâm dạy nghề; trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm học tập cộng đồng; trung tâm ngoại ngữ, tin học. Còn dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường là không bao gồm các cơ sở giáo dục kể trên.

Đến Luật giáo dục sửa đổi 2019, lần đầu tiên, hành vi "ép buộc học sinh học thêm để thu thêm tiền" được liệt kê cụ thể vào 6 hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục (Điều 22). Như vậy, cùng với Điều 22 và Thông tư 17, thì các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tùy theo tính chất có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điểm qua lịch sử lập quy, lập pháp về dạy thêm, học thêm ta thấy, hoạt động học thêm, dạy thêm ban đầu là một giao dịch dân sự thông thường; sau khi nó trở thành vấn đề xã hội thì được quản lý thông qua biện pháp hành chính (quyết định 03) rồi nâng lên thành văn bản quy phạm pháp luật (Thông tư 17); và đến 2019 thì "ép buộc học sinh học thêm" là hành vi bị nghiêm cấm quy định trong Luật giáo dục sửa đổi 2019. 

Câu hỏi đặt ra, về bản chất, học thêm là nhu cầu chính đáng của người học; dạy thêm là quyền tự do kinh doanh pháp luật không cấm của thầy cô. Vậy làm thế nào để học thêm, dạy thêm chính đáng và hợp pháp? Rõ ràng nếu chỉ dùng mệnh lệnh hành chính để "cấm" sẽ không hiệu quả. Còn hình sự hóa một giao dịch dân sự học thêm, dạy thêm không phải là biện pháp hay. Minh chứng là Hàn Quốc đã từng bỏ tù một số giáo viên dạy thêm nhưng cũng không thể giải quyết vấn nạn dạy thêm vì lợi nhuận?

Vì vậy, theo quan điểm của tôi, việc đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm là ban hành thông tư mới thay thế thông tư 17. Trong thông tư mới quy định về dạy thêm, học thêm, Bộ cần dứt khoát:

Không tổ chức dạy thêm, học thêm trong các cơ sở giáo dục công lập; các thầy cô đang giảng dạy tại các trường phổ thông công lập không được phép dạy thêm. Bởi việc dạy thêm tại các trường công lập, do các thầy cô trong chính ngôi trường đó dạy sẽ tiềm ẩn xung đột lợi ích và có thể làm xấu mối quan hệ thầy trò.

Chuyển hoạt động học thêm, dạy thêm sang các trung tâm luyện thi, cơ sở giáo dục tư, do các thầy cô tự do hoặc các giáo viên ký hợp đồng lao động với các tổ chức này thực hiện. Các cơ sở giáo dục tư này đơn thuần cung ứng dịch vụ giáo dục phục vụ nhu cầu chính đáng của học sinh và phụ huynh.

Cuối cùng, để giảm thiểu học thêm, dạy thêm thì cần giảm quy mô lớp học, thay đổi chương trình dạy, nội dung học và văn hóa thi cử. Có lẽ đó mới là biện pháp lâu dài. Còn hai giải pháp trên mới chỉ đảm bảo rằng việc học thêm, dạy thêm là chính đáng, hợp pháp để không có thầy cô có rủi ro bị xử lý hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự do hoạt động dạy thêm.

Tác giả: Ông Trịnh Minh Tuấn là người sáng lập Công ty cổ phần xuất bản và giáo dục Quảng Văn, Ehomebooks và Trung tâm nghiên cứu xuất bản - giáo dục IPER.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!