Tâm điểm
Bích Diệp

Ngành LĐ-TB&XH bước vào "năm dữ liệu số"

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết một năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia (Đề án 06) hôm 25/12 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh năm 2023 là "năm dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới", dứt khoát phải xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Các bài tham luận, phát biểu thẳng thắn và tâm huyết tại Hội nghị đã nêu rõ những kết quả đáng ghi nhận về chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 năm 2022. Báo cáo Thủ tướng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã nêu bức tranh toàn cảnh cũng như các vấn đề cụ thể trong thực hiện Đề án 06 của toàn ngành LĐ-TB&XH; đồng thời đưa ra một ví dụ về ứng dụng dữ liệu, đó là "hơn 41.000 tỷ đồng cần chi trả từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, hoàn thành chỉ trong hơn 1 tháng mà không xảy ra nhầm lẫn là do có cơ sở dữ liệu tốt".

Ngành LĐ-TBXH bước vào năm dữ liệu số - 1

Bộ trưởng LĐ-TB&XH trao đổi cùng Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tại hội nghị sơ kết đề án 06 (Ảnh: Thái Anh)

Việc chi trả số tiền lớn như vậy trong vòng một tháng, có lẽ là điều khó tưởng tượng nếu vẫn thực hiện với cách thức rà soát thủ công, ghi chép, thống kê sổ sách, trình phê duyệt… theo lối xử lý giấy tờ hành chính trước đây.

Cần thấy rằng việc chi trả hỗ trợ người lao động là nhiệm vụ cấp bách. Tiền hỗ trợ phải đến tay người lao động kịp thời thì mới phát huy đủ, đúng và trúng ý nghĩa của chính sách. Có câu "một miếng khi đói bằng một gói khi no", chờ đến khi qua cơn hoạn nạn mới nhận được tiền hỗ trợ, dù số tiền đó có được trao đúng người thì cũng sai hoàn cảnh, đúng chỗ nhưng không còn đúng lúc; dễ khiến người dân rơi vào tình trạng "đau đẻ" mà phải "chờ sáng trăng". Đó là chưa nói đến tình huống "dê nhầm nhà, gà nhầm chuồng" nếu không có một cơ sở dữ liệu tốt để kiểm tra, giám sát.

Từ một ví dụ cụ thể, chúng ta thấy được ý nghĩa to lớn của việc "có cơ sở dữ liệu tốt" trong thực hiện chính sách thông qua ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số.

Theo thống kê, toàn ngành LĐ-TB&XH hiện có 329 thủ tục hành chính từ cấp Trung ương tới xã phường; 56 dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4. Vì vậy, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 đã được ngành xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm phục vụ hàng chục triệu người dân và tất cả các đối tượng an sinh xã hội.

Trong năm qua, Ban cán sự đảng Bộ ngành LĐ-TB&XH đã ban hành Nghị quyết số 01 về việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành. 2022 được xác định là năm khởi đầu thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Toàn ngành quán triệt chuyển đổi số là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, phải thực hiện với phương châm làm nhanh, gọn nhưng không nóng vội, làm chắc từng việc, từng cơ sở dữ liệu một, đi từ cơ sở, hoàn thành cơ sở dữ liệu trước hết là đối với trẻ em, đối tượng bảo trợ xã hội, người có công, hộ nghèo, cận nghèo và bước cuối cùng là thị trường lao động.

Đến nay, Bộ LĐ-TB&XH đã hoàn thành một số nhiệm vụ cơ bản về dữ liệu, cụ thể như kết nối, làm sạch hơn 15 triệu trong tổng số 25 triệu dữ liệu trẻ em tích hợp với cơ sở dữ liệu dân cư; hoàn thành sớm 2 tháng so với chỉ đạo của Thủ tướng.

Ngành cũng đã hoàn thành kết nối cơ sở dữ liệu bảo trợ xã hội với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, và đang cùng Bộ Công an xử lý làm sạch xác minh bổ sung vào cơ sở dữ liệu dân cư hơn 3,3 triệu đối tượng bảo trợ xã hội.

Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH đã hình thành dữ liệu cơ sở tập trung thống nhất về người có công với cách mạng, ưu tiên trước hết đối với người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Dự kiến, cơ sở dữ liệu người có công sẽ được kết nối, vận hành đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong những tháng đầu năm 2023.

Đối với lĩnh vực giảm nghèo, Bộ đang chỉ đạo các địa phương thu thập dữ liệu chi tiết về hộ nghèo, cận nghèo để phục vụ việc xây dựng cơ sở dữ liệu về hộ nghèo, cận nghèo chung và thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Bộ LĐ-TB&XH cũng đã hoàn thành một số dịch vụ công theo Đề án 06; đang thí điểm dịch vụ đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí tại Hà Nội và Hà Nam để rút kinh nghiệm, chuẩn bị cho việc triển khai toàn quốc…

Có thể thấy khối lượng công việc ngành LĐ-TB&XH đã hoàn thành trong "năm khởi đầu" là rất lớn, đặt nền móng cho sự thành công của việc thực hiện Đề án 06 trong những năm tiếp theo, trước mắt là năm 2023 - "năm dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới" theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Cụ thể về định hướng năm 2023, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng LĐ-TB&XH cho biết sẽ tập trung một số lĩnh vực. Trước hết là xây dựng hệ thống đồng bộ cơ sở dữ liệu đối tượng do Bộ phụ trách để kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, chi trả lương hưu, trợ cấp với một số nhóm đối tượng qua tài khoản. Sau nữa, ngành tập trung xây dựng nền tảng số cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ an sinh; nâng cao chất lượng dịch vụ công của ngành và tập trung triển khai đồng bộ hệ thống chi trả không dùng tiền mặt.

Nhìn tổng quan việc thực hiện Đề án 06 trên toàn quốc, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đơn cử như cơ chế, chính sách để hoàn thiện môi trường pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số còn chưa đầy đủ; hạ tầng số, các nền tảng số quốc gia chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra; các nền tảng số phục vụ giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội còn thiếu…

Năm 2023 là năm "dữ liệu số", mỗi cơ quan, đơn vị cần bước vào năm mới với tinh thần lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số, từ đó phát huy các kết quả đã đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế và tập trung hoàn thành nhiệm vụ được giao tại Đề án 06.

Trong năm tới, thiết nghĩ cơ quan quản lý có thể tạo cơ chế thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện Đề án 06 thông qua mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Và thước đo mức độ hài lòng chính là mức độ tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới phục vụ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; gia nhập báo Dân Trí từ năm 2012 và chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!