Tâm điểm
Trương Chí Hùng

"Trữ ngọt, ngăn mặn"

Những ngày này, trời nắng nóng như đổ lửa nhưng có công chuyện nên tôi vẫn phải chạy xe máy qua một số tỉnh miền Tây. Những lúc dừng chân, tôi có dịp cảm nhận rõ hơn ảnh hưởng của hạn mặn khi chứng kiến những con kênh trơ đáy, đất ruộng nứt nẻ. 

Nhớ đợt hạn mặn năm trước, tôi ghé một tiệm bán trái cây ở huyện Chợ Lách (Bến Tre). Chị chủ tiệm gương mặt buồn xo, đưa cho tôi bọc chôm chôm và nói, "cưng ăn đi, chị không lấy tiền đâu". Vườn chôm chôm năm nay bị hạn mặn trái hư hết trơn rồi, chị bẻ được mấy trái nhưng trái nào cũng dặt dẹo, ăn chơi thì được chớ không dám bán cho ai. Tôi lột một trái ăn thử, thấy nó lép và ít thịt, khô nước, ăn chua chớ không ngọt.

Theo hướng chị chỉ, tôi nhìn ra sau vườn, thấy chồng chị đang đốn bỏ mấy gốc sầu riêng vừa chết, nhiều cây còn treo lủng lẳng cả chục trái non, khô khốc…

Trữ ngọt, ngăn mặn - 1

Hạn hán khiến nhiều tuyến sông, kênh rạch ở miền Tây nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng cạn nước. Dưới lòng kênh đất khô, nứt nẻ... xuồng ghe như đậu trên bờ (Ảnh: Huỳnh Hải).

Người dân miền Tây nhiều năm nay đã chứng kiến tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn. Bà con nói hạn mặn năm nay, đến giờ này, tuy chưa khốc liệt và ảnh hưởng nặng như năm 2020, song tình hình thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và tưới tiêu vẫn rất đáng lo lắng. Những khu vườn được bà con ươm mới sau vụ hạn mặn trước vừa bén rễ lại nguy cơ mất trắng lần nữa. Sống giữa đồng bằng, nhưng có nơi người dân đang phải trông chờ từng giọt nước được chở từ nơi khác về.

Tình hình hạn mặn năm nay được cảnh báo từ sớm. Chính quyền địa phương và người dân đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, ứng phó.

Hệ thống cống, đập ở những cửa sông gần khu vực tiếp giáp với biển, như cống Cái Lớn - Cái Bé (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang), cống Ninh Quới (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu), hệ thống cống đập Ba Lai (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre)... đang phát huy tích cực tác dụng ngăn xâm nhập mặn.

Giải pháp "trữ ngọt" bằng cách ngăn các hồ nước ngọt, các con sông tự nhiên để lấy nước sinh hoạt, tưới tiêu, như dự án hồ nước ngọt Kinh Lấp (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre), dự án ngăn sông Cửa Trung (tỉnh Tiền Giang)... cũng đã chứng minh hiệu quả.

Với các hộ nông dân, bà con tùy tình hình mà chọn phương án phù hợp như khoan giếng, trữ nước, có nơi tạm chưa xuống giống... Nhiều người dân ở Bến Tre, Tiền Giang chọn phương án đào hầm, phủ bạt cao su lên, sau đó bơm nước ngọt vào trữ. Có hộ mua loại thùng nhựa dung tích 10.000 lít về trữ nước. Gia đình có bồn chứa, lu khạp gì đều được bà con trưng dụng để tích trữ nước ngọt.

Các biện pháp kể trên dù cần thiết, nhưng ai cũng thấy là chưa đủ. Như đã nêu ở đầu bài viết và theo phản ánh của báo chí những ngày qua, nhiều nơi đồng lúa ở miền Tây đã cháy khô, nước sinh hoạt của người dân mặn chát…

Các cơ quan quản lý và các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giải pháp cả ở cấp độ chính sách quốc gia cũng như ứng phó cụ thể của người dân. Ở đây tôi xin bàn đến hai việc cụ thể theo góc nhìn của một người dân sinh ra và lớn lên ở miền Tây.

Thứ nhất, chúng ta biết rằng lượng nước trữ tại các cánh đồng vùng đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu trong mùa mưa góp phần rất quan trọng để đẩy lùi nước mặn. Trước đây, miền Tây năm nào cũng có mùa nước nổi. Hiện tượng này giống như một phương thức trữ ngọt tự nhiên ở địa phương. Nước nổi ngập hết các cánh đồng đầu nguồn trong mùa mưa, sau đó rút dần ra các con sông, đổ về phía hạ nguồn và ra biển.

Chính dòng chảy bền bỉ ấy đã âm thầm đẩy nước mặn về phía biển, không cho nó lấn sâu vào đồng bằng. Mấy năm nay, mùa nước nổi ngày càng khan hiếm ở thượng nguồn sông Cửu Long, điều đó làm cho việc tích nước tự nhiên không còn được như trước.

Nhiều người cho rằng do bị ngăn dòng ở thượng nguồn Mekong, nên miền Tây không còn mùa nước nổi. Lý giải này là đúng nhìn từ yếu tố bên ngoài. Nhưng theo quan sát của tôi, bản thân miền Tây cũng đã tự đánh mất đi nguồn nước trong mùa mưa. Cụ thể là vào mùa mưa, khi nước mưa và nước thượng nguồn Mekong đổ về nhiều, thay vì chúng ta để nước vào các cánh đồng rộng lớn, thì từ nhiều năm nay ta lại bao đê thâm canh tăng vụ. Điều này khiến cho nước ngọt không trữ ở đồng được, mà theo các con sông trôi tuột ra biển. Thậm chí mùa mưa vài năm gần đây, nhiều khu vực ở hạ nguồn bị ngập úng do lượng nước đổ về quá nhiều.

Mùa mưa nước bị dồn ra biển nhiều quá rồi, thì đến mùa khô sẽ thiếu nước, và thế là nước mặn tất yếu sẽ len lỏi vào.

Bao đê thâm canh tăng vụ giúp có thêm vụ mùa, thêm thu nhập cho người nông dân. Nhưng chúng ta đang nói nhiều đến sản xuất và phát triển bền vững. Vì vậy thiết nghĩ các cơ quan quản lý, các nhà khoa học nên nghiên cứu, xem xét điều chỉnh hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con miền Tây theo hướng giảm dần tình trạng thâm canh tăng vụ, chú trọng nâng cao chất lượng, giá trị nông sản. Qua đó cho đất có thời gian nghỉ và cho nguồn nước tự nhiên được tích trữ trên đồng bình thường như trước đây.

Thứ hai, cần có biện pháp giảm thiểu tình trạng bà con tự phát khai thác nguồn nước ngầm quá mức mỗi khi hạn mặn, vì việc này có thể gây ra những hệ lụy khó lường trong tương lai.

Mấy ngày qua, hình ảnh một số người dân xếp hàng dài chờ mua từng can nước ngọt hay những cánh đồng khô cháy vì nắng nóng khiến ai chứng kiến cũng thật xót xa. Mong rằng trời sẽ sớm mưa xuống và các giải pháp chống hạn mặn sẽ ngày càng được đầu tư đồng bộ, hiệu quả hơn để đời sống người dân bớt khó khăn, và nụ cười hào sảng vẫn hiện trên gương mặt người miền Tây.

Tác giả: Trương Chí Hùng là nhà văn trẻ của Đồng bằng sông Cửu Long, hiện làm giảng viên Trường Đại học An Giang. Anh đã xuất bản nhiều cuốn sách về vùng đất và con người Nam Bộ; nổi tiếng với bút ký "Man mác Vàm Nao" - đoạt Giải Nhất Cuộc thi Bút ký ĐBSCL năm 2017.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!