Tâm điểm
Bùi Minh Đức

Vàng thau lẫn lộn dịch vụ "chữa lành"

Mới đây một chị đồng nghiệp cũ nhắn tin mời tôi theo học khóa "huấn luyện nội tâm" mà theo chị quảng cáo, đó là khóa học về sức khỏe, nội tâm và "chữa lành."

Bán tín bán nghi về những khóa học này, tôi đọc thử các bài viết trên trang Facebook của chị về những câu chuyện thu nhặt từ khóa học, thấy chị nói nhiều về những thứ như "giàu cả bên ngoài lẫn bên trong," "giàu vật chất lẫn giàu tinh thần".

Sau một thời gian thuyết phục tôi không thành công, chị hỏi tôi có muốn mua một số sản phẩm thực phẩm chức năng hay không. Tôi nhìn nhãn mác thì đó đều là những sản phẩm không rõ xuất xứ. Có vẻ như mục đích cuối cùng của các khóa học kiểu này là để bán thực phẩm chức năng.

Những năm gần đây, nhất là sau Covid-19, người Việt ngày càng quan tâm nhiều hơn tới vấn đề sức khỏe tinh thần, tâm lý, kéo theo sự nở rộ các dịch vụ "chữa lành", từ trị liệu tâm lý, yoga, thiền, cho đến viết chữa lành, ăn lành, yêu lành rồi du lịch chữa lành.v.v…

Vàng thau lẫn lộn dịch vụ chữa lành - 1

Thiền là một trong những phương pháp góp phần chữa lành nếu thực hành đúng cách (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Thực ra, chữa lành (healing) là một khái niệm và dịch vụ quen thuộc ở nhiều nước và nó mang nghĩa rộng, chủ yếu nói về những thực hành có thể giúp một con người hàn gắn những "tổn thương" trong tinh thần. Ở góc độ là một dịch vụ, nó tuân theo những khuôn khổ pháp lý về sức khỏe thể chất và tinh thần của con người với những điều kiện nhất định. Ví dụ các bác sĩ tâm lý phải là những người được đào tạo, có bằng cấp, kiến thức về dịch vụ mình cung cấp.

Tất nhiên cũng có những dịch vụ healing mà người hướng dẫn được coi là chuyên gia hơn là một người có bằng cấp, ví dụ như yoga, thiền…

Vấn đề của "thị trường chữa lành" ở Việt Nam như tôi quan sát và báo chí phản ánh là sự vàng thau lẫn lộn. Nếu bạn là người đang có sự lo âu, trầm cảm và muốn đến với dịch vụ chữa lành, lên mạng tìm thông tin, bạn sẽ lạc giữa "ma trận" các khóa học mà không biết những người làm nghề đủ kiến thức, uy tín tới mức nào. 

Nhiều chương trình trước đây hoạt động theo hình thức đa cấp giờ chuyển qua núp bóng dưới những câu chuyện chữa lành, khai mở thế giới nội tâm. Học viên từ các khóa học này được quảng cáo là "rũ bùn đứng dậy sáng lòa sau nhiều năm sống với những tổn thương tinh thần". Thậm chí, không ít nơi còn cam kết sẽ "chữa lành" cho học viên với những kết quả đầu ra (KPI) cụ thể. Tôi tự hỏi, cam kết điểm đầu ra một môn học nào đó đã khó, làm sao nhiều người có thể tự tin cam kết với những thực hành tinh thần như vậy?

Nhiều công ty đã đa dạng hóa dịch vụ chữa lành bằng các kết hợp với mô hình du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe tinh thần… Trong bối cảnh ngay cả các cơ sở y tế nhà nước cũng thiếu bác sĩ chuyên khoa tâm thần (số lượng bác sĩ chuyên khoa tâm thần của Việt Nam là 0,32/100.000 dân), thì không rõ các công ty này tuyển dụng đâu ra các nhà trị liệu tâm lý đủ cho các hoạt động du lịch chữa lành, và liệu các thực hành trị liệu tâm lý đó có đảm bảo nguyên tắc theo đúng tiêu chuẩn trong hoạt động sức khỏe tinh thần?

Ngoài ra, còn phải kể đến các dịch vụ "chữa lành cấp tốc" trên không gian mạng. Những người trẻ gặp phải các vấn đề trong cuộc sống sẽ gặp các "nhà tư vấn online" để tìm lời khuyên, giải quyết các vấn đề tinh thần. Không ai biết chuyên môn của những người này ra sao, mà chủ yếu là dựa vào đánh giá từ những khách hàng trước. Chưa bao giờ, tư vấn tâm lý lại diễn ra nhanh chóng và dễ dàng đến vậy. 

Sau thời gian ngắn, nhiều người bắt đầu ngán ngẩm khi các dịch vụ gắn mác "chữa lành" nở rộ. Vì vậy, từ một khái niệm mang ý nghĩa tích cực, chữa lành giờ đây mang cả hàm ý châm biếm, mỉa mai về sự bội thực những dịch vụ gắn mác sức khỏe tinh thần. Trên mạng xã hội tôi còn thấy có cả "quán bia chữa lành".

Không phủ nhận chữa lành là một xu hướng và thực tiễn ở các nước trên thế giới đã chứng minh những giá trị tích cực. Tuy nhiên, tình hình vàng thau lẫn lộn ở Việt Nam của thị trường chữa lành đặt ra nhiều vấn đề.

Thứ nhất, chữa lành đã trở thành cái mác được dùng một cách vô tội vạ cho hoạt động marketing - truyền thông. Giống như các khái niệm "bền vững", "sống xanh", khi dịch vụ, sản phẩm được gắn thêm những cái nhãn rất nhân văn, cao đẹp như vậy, người tiêu dùng - đặc biệt các bạn trẻ sẽ cảm thấy hứng thú hơn.

Nhưng, dùng nhiều quá dẫn đến "bội thực" và vô hình trung khiến dư luận hiểu không đúng về chữa lành, ảnh hưởng đến các cơ sở và cá nhân hành nghề trung thực, nghiêm túc.

Sự lạm dụng quá mức khái niệm chữa lành khiến không ít người hoài nghi với câu hỏi: Chữa lành có phải phương thuốc toàn năng cho mọi vấn đề trong cuộc sống?  Và một tác hại của thương mại hóa quá mức khái niệm "chữa lành" là mọi người sẽ không còn đánh giá cao sự cần thiết của việc chữa lành thực sự.

Giả sử một người trẻ gặp tổn thương tâm lý vì bị bạo hành khi còn nhỏ, quá trình "healing" của họ sẽ không chỉ diễn ra trong 1-2 ngày, tham gia một tour chữa lành hay một buổi trị liệu. Chữa lành là một quá trình lâu dài, kiên nhẫn. Việc khái niệm chữa lành bị dùng một cách vô tội vạ, dần dần mang sắc thái châm biếm sẽ khiến những người có nhu cầu thực sự cảm thấy dè dặt trong hành trình "healing" của bản thân.

Thứ hai, nói tới khái niệm chữa lành đồng nghĩa với việc chạm vào thực hành tham vấn tâm lý, trị liệu. Dù dưới bất cứ hình thức gì, ai đó không thể chữa lành một người mà không khai mở những vấn đề tâm lý mà họ đang gặp phải. Trước giai đoạn Covid-19, những người theo học những ngành liên quan đến tâm lý, trị liệu ở Việt Nam khá ít ỏi khi nhiều người Việt còn xem nhẹ các vấn đề tinh thần.

Đến giai đoạn nhu cầu tăng mạnh, nhiều người tham gia vào các khóa học ngắn, các khóa học đào tạo từ xa với "chứng chỉ quốc tế" trong các hoạt động trị liệu tâm lý. Nhưng, với việc học 3-6 tháng, liệu một người có thể tự tin đến đâu trong thực hành tham vấn tâm lý cho khách hàng? trong khi những người học ngành tâm lý học phải mất từ 4-6 năm để có thể hoàn thành chương trình đại học, thạc sĩ trước khi bắt đầu thực hành lâm sàng.

Để mở ra những tổn thương của một người không hề khó, nhưng làm sao để khâu lại vết thương của họ là điều không đơn giản. Ngoài ra, thực hành tâm lý cũng cần một không gian đủ an toàn, cần có sự đồng thuận về việc chia sẻ hay bảo mật thông tin cùng nhiều điều kiện ngặt nghèo khác, liệu các khóa học gắn với hai từ "chữa lành" có nhìn nhận được hết những tác động có thể xảy ra khi tiến trình chữa lành diễn ra sai nguyên tắc?

Một người bạn tôi gặp vấn đề về rối loạn lo âu trong suốt một thời gian dài. Tuy nhiên, thay vì tìm gặp bác sĩ tâm lý, cô bạn quyết định theo một khóa "chữa lành online" 8 buổi. Lý do bạn không muốn gặp chuyên gia tâm lý vì "nghe có vẻ to tát quá".

Kết thúc khóa học với lời mời gọi hấp dẫn "chữa lành đứa trẻ bên trong bạn," bạn tôi thấy mừng vì có thể nói hết những vấn đề bên trong lòng mình. Nhưng chỉ một thời gian sau, chứng rối loạn lo âu của bạn đã quay trở lại. Việc khơi gợi những câu chuyện, bóc mở những tổn thương thì dễ nhưng làm sao để giải quyết nó đôi khi không phải bài toán các chuyên gia chữa lành online có thể giải được. 

Nhiều hoạt động chữa lành không thể đi xuống tận cùng của vấn đề. Là một người học viết (truyền thông), tôi hoài nghi hiệu quả của những lớp "viết chữa lành" khi đa phần người đứng lớp có chuyên môn về viết lách nhiều hơn là tham vấn tâm lý, trị liệu. Viết là một công cụ hữu hiệu trong việc tái hiện, nhìn lại bản thân. Với những người có tổn thương "nông", việc "sơ cứu" thông qua viết hay nói chuyện với bạn bè, nghỉ ngơi, cũng có thể là đủ. Nhưng với những vết thương sâu hơn, việc viết không thể đủ để chữa lành.

Chăm sóc sức khỏe tinh thần, bao gồm cả chữa lành, luôn là điều cần được quan tâm cả từ góc độ cá nhân và từ góc độ cộng đồng, quản trị xã hội. Mong rằng sau thời gian nở rộ, thị trường chữa lành sẽ dần đi vào các hoạt động thực chất, chuyên nghiệp và mang lại giá trị tích cực, tránh chữa lành thành chữa què.

Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!