Tâm điểm
Bùi Minh Đức

Xin đừng "phân biệt đối xử" trong lễ tốt nghiệp đại học

Tháng 6/2023, tôi được một người bạn thân mời tới thành phố New York (Mỹ) dự lễ tốt nghiệp. Với đời sinh viên, lễ tốt nghiệp có lẽ là một trong những dịp quan trọng nhất, đánh dấu thời khắc kết thúc 3-5 năm ngồi trên ghế nhà trường. Gia đình bạn tôi cũng bay từ Việt Nam sang để dự lễ tốt nghiệp con gái.

Buổi lễ được diễn ra long trọng trên sân trường với sự có mặt của toàn thể sinh viên và đông đảo phụ huynh, bạn bè trong trang phục lịch thiệp. Không rườm rà với văn nghệ hay các tiết mục biểu diễn, trung tâm của buổi lễ tốt nghiệp là những sinh viên. Vì trường đông sinh viên nên các khoa sẽ tổ chức lễ tốt nghiệp trong những ngày khác nhau. Sau một vài phần phát biểu ngắn gọn, sinh viên xếp hàng lần lượt lên sân khấu để nhận bằng tốt nghiệp, bên dưới là ánh mắt hồi hộp của phụ huynh, bạn bè dõi theo những tân cử nhân từng bước tiến về sân khấu. Dù với sinh viên Mỹ hay sinh viên quốc tế, sự hiện diện của người thân trong buổi lễ tốt nghiệp thực sự có ý nghĩa. 

Tôi nhớ tới câu chuyện trên khi mới đây đọc tin về việc Trường Đại học Ngoại Ngữ - Tin học TPHCM gửi thư mời tham dự lễ tốt nghiệp tới phụ huynh những sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc và giỏi và việc này đã tạo nên làn sóng phản đối trong cộng đồng sinh viên.

Xin đừng phân biệt đối xử trong lễ tốt nghiệp đại học - 1

Bộ lễ phục tốt nghiệp ấn tượng của sinh viên trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, tháng 7/2022 (Ảnh: ĐH Kinh tế - ĐHQGHN)

Trên website chính thức của nhà trường có dòng thông báo "nhà trường sẽ gửi thư mời dành cho phụ huynh sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi trong đợt tốt nghiệp này", tôi tự hỏi vậy những sinh viên không tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi sẽ cảm thấy như thế nào? Phụ huynh các em sẽ nghĩ gì?

Lễ tốt nghiệp không phải lễ tôn vinh học sinh giỏi. Đây là thời khắc quan trọng khép lại quãng đường đại học của mỗi cá nhân, dù thành công hay chưa thành công, dù tốt nghiệp loại xuất sắc hay loại khá, mỗi sinh viên đều xứng đáng có cơ hội được đứng trên sân khấu trong những tràng pháo tay và sự cổ vũ của cha mẹ. Phải đi học xa mới thấm thía cảm giác có người thân dự lễ tốt nghiệp ý nghĩa nhường nào khi bạn bè đều có người thân gọi tên, chụp ảnh khi bước lên sân khấu. 

Nhiều sinh viên hoài nghi rằng, liệu trường đại học có phân biệt đối xử dựa trên trình độ? liệu có sự bất công nào trong việc ghi nhận nỗ lực của sinh viên hay nhà trường chỉ muốn tạo ra hình ảnh ấn tượng về một lớp sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc/giỏi? Tất nhiên, sẽ không có nhà trường nào thừa nhận những vấn đề trên. Đại diện nhà trường giải trình rằng đó là lỗi trong việc truyền đạt thông tin tới sinh viên. Sinh viên xuất sắc/giỏi sẽ được nhà trường gửi thư mời trực tiếp tới phụ huynh, còn sinh viên khác có thể tự mời phụ huynh tới. Điều này nhà trường "đã làm nhiều năm nay" - theo chia sẻ trên báo chí.

Khi các phóng viên vào cuộc tìm hiểu thì không chỉ có Trường Đại học Ngoại Ngữ - Tin học TPHCM mà một số cơ sở đại học khác cũng tổ chức lễ tốt nghiệp với cách thức tương tự: Chỉ mời phụ huynh của các sinh viên đạt loại giỏi và xuất sắc. Đại diện một trường đại học trong diện này giải thích rằng nhà trường tổ chức lễ tốt nghiệp cấp trường dành cho sinh viên giỏi trở lên, còn các em khác sẽ được tổ chức với lễ tốt nghiệp của khoa. Giải pháp như vậy, theo tôi, cũng không thực sự hợp lý khi sinh viên loại giỏi được tổ chức một lễ tốt nghiệp quy mô hơn, trang trọng hơn, còn các sinh viên khác chỉ được tham dự lễ tốt nghiệp cấp khoa? Ở một trường đại học khác, đại diện nhà trường cho hay phụ huynh có con tốt nghiệp xuất sắc và thủ khoa được ngồi bên trong hội trường, còn phụ huynh khác phải ngồi bên ngoài hội trường và theo dõi lễ tốt nghiệp qua màn hình.

Giá thử tôi là một sinh viên tốt nghiệp loại khá phải ngồi bên ngoài hội trường - không rõ thời tiết và điều kiện tới đâu nhưng chắc chắn không thể bằng bên trong hội trường, có lẽ tôi sẽ tủi thân thay cho bố mẹ của mình. Thành tích học tập của sinh viên có thể là chỉ dấu cho con đường sự nghiệp trong tương lai, chứ không nên là điều kiện để phân biệt đối xử giữa phụ huynh. Tôi tin rằng nếu một sinh viên đủ điều kiện để tốt nghiệp đồng nghĩa với việc các bạn đã đi qua một hành trình nỗ lực, và nỗ lực của tất cả mọi người đều xứng đáng được trân trọng, tôn vinh. 

Dù sao những sự việc nói trên cũng đã khép lại và chắc là các bên liên quan đều có thể tự rút ra bài học cho mình. Vấn đề khác là những bất cập trong lễ tốt nghiệp không chỉ ở chuyện "phân biệt đối xử". Năm nào cũng vậy, bên cạnh các lễ tốt nghiệp để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp thì luôn tồn tại vấn đề khiến nhiều sinh viên, phụ huynh bức xúc, như: Đóng tiền quá cao để tham dự lễ tốt nghiệp, khâu tổ chức nhộm nhoạm, không gian tổ chức chật chội, không được mời phụ huynh dự lễ tốt nghiệp….

Nhiều nhà trường luôn biện bạch với lý do "tốn kém" nhưng nếu coi đại học như một dịch vụ, đặc biệt tại khối trường dân lập, sự hài lòng của tất cả sinh viên có thể sẽ giúp tăng lượng tuyển sinh cho nhà trường vào những năm sau. Một lễ tốt nghiệp đủ ấn tượng cũng sẽ giúp nhiều trường đại học thu hút sự chú ý truyền thông. Nhiều trường đại học sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu đồng cho các chiến dịch tuyến sinh, truyền thông, tại sao không coi lễ tốt nghiệp như một phần trong hoạt động truyền thông của nhà trường?

Cắt giảm những hoạt động rườm rà như mời nghệ sĩ tới biểu diễn, cũng có thể là một cách tốt để tiết kiệm chi phí cho nhà trường. Điều quan trọng nhất với một lễ tốt nghiệp là việc vinh danh sinh viên với khoảnh khắc các bạn được đứng trên sân khấu, nhận tấm bằng từ nhà trường. Với tôi, đó là cốt lõi của buổi lễ tốt nghiệp nhà trường cần chú trọng, thay vì những hoạt động hình thức khác.

Với những trường đại học lớn ở Mỹ, việc thuê các sân vận động hay nhà hát là điều bình thường. Tuy nhiên, nhiều trường đại học với lượng sinh viên ít cũng thường tổ chức lễ tốt nghiệp trong chính khuôn viên nhà trường. Những trường đại học với số lượng sinh viên lớn có thể chia ra nhiều buổi lễ tốt nghiệp theo từng khoa, nhưng ít nhất đừng phân cấp bằng lễ tốt nghiệp cấp trường cho sinh viên giỏi và lễ tốt nghiệp khoa cho những sinh viên còn lại.

Trường đại học là một xã hội thu nhỏ, như nhiều người vẫn nói. Nhưng nếu vậy thì thước đo giá trị của một người trong xã hội không chỉ đo bằng tấm bằng giỏi, các trường đại học cũng không nên so đo một buổi lễ chỉ dành cho ai và không dành cho ai. Đời sinh viên với đa phần mọi người chỉ có một, mong mỗi nhà trường khi chuẩn bị cho một buổi lễ tốt nghiệp, hãy nghĩ tới sinh viên nhiều hơn. 

Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!