1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bí ẩn tên lửa hành trình mới của Nga có tầm bắn hơn 6.500km

Minh Phương

(Dân trí) - Moscow cho biết các máy bay ném bom tầm xa của Nga sẽ được trang bị tên lửa hành trình mới có tầm bắn hơn 6.500km. Tuy nhiên, thông tin về loại tên lửa này vẫn gây tranh cãi.

Bí ẩn tên lửa hành trình mới của Nga có tầm bắn hơn 6.500km - 1

Các máy bay ném bom Tu-160 trong một lễ duyệt binh của Nga (Ảnh: AFP).

Ngày 16/9, hãng thông tấn TASS dẫn lời chỉ huy hàng không tầm xa của Nga, Trung tướng Sergey Kobylash, cho biết tên lửa Kh-BD mới của nước này có tầm bắn hơn 6.500km.

Trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới một căn cứ không quân ở vùng Viễn Đông cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng cho biết máy bay ném bom Tu-160 sẽ có thể mang theo hai bộ gồm 12 tên lửa Kh-BD.

Theo ông Sidharth Kaushal thuộc Viện nghiên cứu quốc phòng Hoàng gia Anh, Nga đã xem xét sản xuất tên lửa hành trình có tầm xa hơn được phóng từ trên không một thời gian dài.

Phân tích trước đây cho thấy Moscow mong muốn cải tổ phi đội máy bay ném bom chiến lược và Tu-160 được đưa trở lại sản xuất ở Nga với phiên bản mới nâng cấp hơn, Tu-160M. Chiếc Tu-160M mới đầu tiên đã cất cánh vào đầu năm 2022.

Giới chuyên gia hiện vẫn nghi ngờ về khả năng thực sự của tên lửa hành trình mới này. Có một số yếu tố chưa rõ xung quanh Kh-BD, bao gồm tầm bắn thực sự, số lượng tên lửa mà một chiếc Tu-160 có thể mang theo và mức độ nó có thể tránh hệ thống phòng không của đối phương.

Frederik Mertens, chuyên gia phân tích chiến lược của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Hague, cho biết: "Tầm bắn của tên lửa này có vẻ khá xa. Nó đòi hỏi động cơ phản lực của cánh quạt nhỏ phải có chất lượng nhảy vọt thực sự để cung cấp năng lượng cho tên lửa, đặc biệt là khi so sánh với các tên lửa trước đó của Nga".

Ông Kaushal nói thêm tên lửa này có thể được coi là phiên bản tầm bắn mở rộng của tên lửa Kh-101 của Nga. Kh-101 là tên lửa hành trình phóng từ trên không có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và đầu đạn thông thường đã được các lực lượng Nga sử dụng nhiều ở Ukraine. Tuy nhiên, ngày 18/9, quân đội Ukraine cho biết họ đã bắn hạ 17 tên lửa trong đêm, gồm tên lửa hành trình Kh-101, Kh-55 và Kh-555.

Theo ông Kaushal, với tầm bắn của tên lửa hành trình phóng từ trên không mà Moscow sở hữu hiện nay, quân đội Nga rất có thể được trang bị một phiên bản tầm xa hơn.

Tuy nhiên, tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Nga rằng một chiếc Tu-160 có thể mang theo 12 tên lửa là "khó tin" bởi ông cho rằng các tên lửa tầm xa hơn sẽ phải lớn hơn 12 chiếc Kh-101 mà Tu-160 hiện có thể mang theo.

Ông Mertens của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Hag cho rằng Nga cũng khó có khả năng chế tạo nhiều tên lửa loại này vì chúng có thể không mang được đầu đạn thông thường hạng nặng.

"Với tầm bắn được tuyên bố như vậy, mọi khoảng không gian đều phải được tận dụng làm nhiên liệu nên người Nga sẽ phải tính đến việc thu nhỏ đầu đạn. Đầu đạn hạt nhân thì sẽ không cần nhiều không gian", ông nói.

Vị chuyên gia lập luận thêm rằng có thể đó sẽ là một tên lửa có khả năng tàng hình hơn các tên lửa hành trình mà Nga đang sử dụng và Ukraine thường xuyên bắn hạ một cách dễ dàng. Tuy nhiên, bất kỳ tuyên bố nào từ Điện Kremlin rằng Kh-BD mới này không thể bị chặn đều gây hoài nghi, ông nói.

Nga trước đây từng quảng cáo tên lửa siêu thanh Kinzhal, hay "Dagger", phóng từ trên không là không thể ngăn chặn, nhưng các báo cáo từ Ukraine cho thấy lực lượng phòng không của họ nhiều lần đánh chặn được tên lửa này bằng các tổ hợp trong đó có Patriot do Mỹ sản xuất. Kinzhal được cho là có tầm bắn khoảng 2.000km.