1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bộ trưởng Ukraine kêu gọi sửa hiến pháp để cho phép đặt căn cứ nước ngoài

Đức Hoàng

(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Alexey Reznikov kêu gọi sửa hiến pháp nước này để có thể mở đường cho việc nước ngoài đặt căn cứ quân sự ở trên lãnh thổ quốc gia Đông Âu.

Bộ trưởng Ukraine kêu gọi sửa hiến pháp để cho phép đặt căn cứ nước ngoài - 1

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Aleksey Reznikov (Ảnh: Ukrainska Pravda).

Trong bài bình luận đăng tải trên trang tin Liga hôm 17/7, Bộ trưởng Reznikov đã kêu gọi loại bỏ điều khoản về việc không triển khai các căn cứ quân sự nước ngoài trong điều 17 của hiến pháp Ukraine.

"Điều khoản về việc không triển khai các căn cứ quân sự nước ngoài đã trở nên lỗi thời. Đương nhiên, nếu cần, chúng ta có thể dùng thuật ngữ như "trung tâm hợp tác và trao đổi kinh nghiệm" thay vì từ căn cứ. Nhưng làm vậy để làm gì? Tốt hơn hết là loại bỏ hạn chế này để không tạo cơ hội cho những đồn đoán", ông nói.

Ông cũng kêu gọi sửa đổi hiến pháp Ukraine mình bằng cách thêm một điều khoản rằng Kiev "sẽ độc lập lựa chọn các cơ chế để đảm bảo an ninh của riêng mình, bao gồm cả việc tham gia các hiệp ước và tổ chức quốc tế" nhằm xác định rõ ràng mong muốn gia nhập EU và NATO được ghi nhận trong đoạn 5 của lời mở đầu hiến pháp.

"Giấc mơ" NATO của Ukraine bắt đầu từ năm 2008 khi khối liên minh quân sự hứa hẹn về khả năng kết nạp Kiev trong tương lai. Sau sự kiện cuộc đảo chính năm 2014 lật đổ chính quyền cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych và sự việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea, Kiev vẫn giữ nguyên mong muốn trở thành thành viên NATO.

Vào năm 2019, Ukraine đã đưa quyết tâm gia nhập các tổ chức phương Tây như EU và NATO vào hiến pháp.

Trong hội nghị thượng đỉnh NATO hôm 11/7 ở Vilnius, Lithuania, khối liên minh cho biết, Ukraine sẽ được mời gia nhập NATO "khi các nước thành viên đồng ý và các điều kiện được đáp ứng". Ukraine sẽ được phép bỏ qua yêu cầu thực hiện Kế hoạch hành động thành viên (MAP), từ đó loại bỏ một rào cản trên con đường gia nhập NATO.

Kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát, Mỹ và các đồng minh NATO đã cấp cho Kiev khoản viện trợ hơn 100 triệu USD gồm vũ khí, đạn dược, khí tài. Tuy nhiên, NATO khẳng định họ chỉ hỗ trợ cho Ukraine đối phó Nga, không phải là một bên tham gia cuộc chiến.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước tuyên bố việc Ukraine có thể gia nhập NATO sẽ tạo ra mối đe dọa an ninh đối với Moscow và sẽ không tăng cường an ninh cho Kiev.

"Đối với tư cách thành viên của Ukraine trong NATO, chúng tôi đã nhiều lần nói về điều này, điều này tạo ra các mối đe dọa đối với an ninh của Nga. Rõ ràng là như vậy. Trên thực tế, một trong những lý do dẫn đến chiến dịch quân sự đặc biệt (của Nga) là mối đe dọa từ việc Ukraine gia nhập NATO", ông Putin nói. 

Theo RT