1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cúm gia cầm sẽ “làm cỏ” châu Phi?

Indonesia và Trung Quốc có thêm những ca nhiễm cúm gia cầm ở người mới và một đợt bùng phát cúm gia cầm trên gia cầm ở Nigeria đang gây lo ngại rằng virus H5N1 có thể lây lan ra toàn châu Phi - châu lục nghèo nhất thế giới.

Hariadi Wibisono, một quan chức của Bộ Y tế Indonesia, hôm qua, cho biết 2 phụ nữ ở nước này xét nghiệm dương tính với virus H5N1 và đang được chữa trị tại bệnh viện. Trước đó, Bộ Y tế Trung Quốc (TQ ) thông báo nữ nông dân họ Lưu 26 tuổi ở huyện Trường Phố, tỉnh Phúc Kiến, nhiễm H5N1, nơi không có ổ cúm gia cầm nào được ghi nhận.

 

Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức khác đang tăng cường hỗ trợ châu Phi sau khi khoảng 40.000 gia cầm ở một trang trại Nigeria chết trong một đợt bùng phát bắt đầu cách đây 1 tháng. “Chúng ta không nên nghĩ rằng chuyện này chỉ có ở Nigeria, nó có thể xảy ra tại nhiều nước khác ở châu Phi” – David Nabarro, điều phối viên của Liên Hiệp Quốc về cúm gia cầm, phát biểu. Ông cho rằng đợt bùng phát ở Nigeria “có nghĩa là chúng ta có một tâm điểm khác để virus H5N1 xâm nhập vào đàn gia cầm”.

 

Khoảng 20 nước ghi nhận những đợt bùng phát cúm trên gia cầm, vốn có khả năng lây nhiễm cho người tiếp xúc gần chúng. Các ca nhiễm ở người làm tăng nguy cơ virus biến thể thành dạng dễ dàng lây nhiễm từ người sang người, gây ra đại dịch.

 

Đợt bùng phát ở Nigeria đã khiến 46.000 gia cầm có nguy cơ nhiễm virus ở làng Jaji thuộc bang Kaduna, theo báo cáo của Tổ chức Sức khỏe Động vật Thế giới. Ông Nabarro cho biết những báo cáo về những trường hợp gia cầm tử vong trên quy mô lớn ở 2 nơi khác cho thấy virus H5N1 có thể có mặt ở những địa điểm khác. Hai nhóm chuyên gia sức khỏe con người và động vật đã đến Kaduna và thành phố Kano, miền Bắc nước này. Dự kiến bản phân tích di truyền các mẫu thử từ gia cầm chết sẽ có vào hôm nay, giúp các nhà khoa học tìm ra nguyên nhân lây nhiễm. Nigeria đã ra lệnh cách ly và tiêu hủy bất cứ gia cầm nào nghi nhiễm H5N1.

 

Châu Phi, nơi đang đối phó với dịch AIDS và nạn đói, có thể là mắt xích yếu nhất trong nỗ lực toàn cầu chống cúm gia cầm, theo nhận định của các nhà khoa học và quan chức chính phủ tại một hội nghị ở Bắc Kinh tháng trước. Khu vực thung lũng Great Rift trải dài trên 8.700 km từ Syria đến Mozambique là nơi chim di trú kéo đến từ tháng 7 đến tháng 10 hằng năm trên đường bay từ châu Á sang Nam Phi.

 

Theo Thảo Quân

Người lao động/Bloomberg, AP, Reuters