1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Giới truyền thông Mỹ "đau đầu" với bộ đôi Biden - Trump

Thanh Thành

(Dân trí) - Việc tập trung vào độ tuổi của Tổng thống Biden và sự điều chỉnh cách thức đưa tin về ông Trump là 2 trong nhiều vấn đề khiến giới truyền thông Mỹ đau đầu trước thềm cuộc bầu cử tổng thống 2024.

Giới truyền thông Mỹ đau đầu với bộ đôi Biden - Trump - 1

Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump (Ảnh: AFP, Reuters).

Đây là chương trình phát sóng truyền hình Mỹ được xem nhiều nhất kể từ sau cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng năm 1969: trận chung kết giải bóng bầu dục nhà nghề của Mỹ (NFL) và là sự kiện thể thao lớn nhất nước này.

Tuy nhiên, hôm 18/2, Tổng thống Joe Biden đã từ chối một cuộc phỏng vấn trước trận đấu hấp dẫn này, bỏ lỡ cơ hội thu hút 123,4 triệu khán giả. Thay vào đó, vị tổng thống 81 tuổi đã tham gia TikTok, nền tảng mạng xã hội được thanh thiếu niên lựa chọn và đăng một video vui vẻ ca ngợi mẹ của cầu thủ Travis Kelce - bạn trai của nữ ca sĩ nổi tiếng Taylor Swift.

Đó là một sự thay đổi làm dấy lên làn sóng chỉ trích đối với ông Biden, nhân vật được đánh giá là tổng thống "ngại" truyền thông nhất thời hiện đại. Theo các số liệu công bố, kể từ khi nhậm chức cho đến nay, ông chỉ thực hiện 86 cuộc phỏng vấn, so với 300 của người tiền nhiệm Donald Trump và 422 của ông Barack Obama vào cùng thời điểm trong nhiệm kỳ tổng thống.

Tổng thống Biden cũng ít tổ chức các cuộc họp báo chính thức hơn, từ bỏ truyền thống chương trình phỏng vấn cuối năm và chỉ thỉnh thoảng tổ chức các sự kiện truyền thông chung với các nhà lãnh đạo nước ngoài đến thăm. Ngay cả khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz đến thăm Mỹ gần đây, ông Biden cũng không tổ chức họp báo chung với nhà lãnh đạo này.

Chính sự rụt rè của tổng thống đương nhiệm là nguồn cơn khiến giới báo chí Mỹ thất vọng. Nhưng nó cũng làm bùng lên cảnh báo trong nội bộ đảng Dân chủ, vốn đang bước vào một cuộc cạnh tranh tái tranh cử gay gắt, khi các cuộc thăm dò cho thấy đa số người Mỹ cho rằng ông Biden đã già để tiếp tục phục vụ thêm một nhiệm kỳ nữa.

"Đó là một sai lầm tồi tệ. Nếu ông ấy tiếp tục rút lui khỏi các cuộc phỏng vấn và không xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng khác, điều đó sẽ chỉ khiến công chúng nghi ngờ hoặc lo ngại ông đang né tránh truyền thông vì không còn đủ khả năng thực hiện điều đó nữa", ông Bill Galston, cựu cố vấn chính sách của cựu Tổng thống Bill Clinton cho biết.

Tuổi tác thực sự trở thành vấn đề lớn trong cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ, đặc biệt là đối với ông Biden, vị tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử Mỹ.

Khoảng 78% số người được hỏi trong cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos - bao gồm 71% đảng viên Dân chủ - cho rằng ông đã già để tiếp tục làm việc trong chính phủ, trong khi con số này đối với cựu Tổng thống Trump, 77 tuổi, là 53%.

Đối thủ của ông Trump trong cuộc tranh cử của đảng Cộng hòa, bà Nikki Haley, 52 tuổi, cho rằng cả hai người đều đã quá tuổi để nắm quyền tổng thống và cần phải kiểm tra nhận thức của cả hai.

"Trí nhớ của tôi vẫn ổn"

Vấn đề tuổi tác của ông Biden lại được đẩy lên hàng đầu sau khi cố vấn đặc biệt Robert Hur, cựu luật sư trong chính quyền của cựu Tổng thống Trump, cho biết trong một báo cáo về cách xử lý các tài liệu mật của tổng thống, rằng ông Biden là một "người lớn tuổi, trí nhớ kém" tới mức không thể nhớ thời gian giữ chức phó tổng thống Mỹ dưới thời ông Obama và ngày con trai Beau qua đời vì ung thư vào năm 2015.

Tổng thống Biden giận dữ phủ nhận những cáo buộc của Hur về trí nhớ của mình, nhấn mạnh khi xuất hiện tại Nhà Trắng rằng "trí nhớ của tôi vẫn ổn". Tuy nhiên, cũng trong bài phát biểu đó, ông đã khiến Tổng thống Mexico và Ai Cập bối rối.

Chính phủ Tổng thống Biden đã có bước đi khác thường khi gửi một bức thư tới Hiệp hội Phóng viên Nhà Trắng cáo buộc giới truyền thông đã để xảy ra "những sai sót nghiêm trọng" trong việc đưa tin về vụ việc. Chủ tịch Hiệp hội Kelly O'Donnell mô tả bức thư là "sai hướng" và "không phù hợp".

Các đồng minh của ông Biden cũng cáo buộc giới truyền thông áp dụng "tiêu chuẩn kép", khi ít tập trung vào bình luận của ông Trump tại một cuộc mít tinh ở Nam Carolina về việc sẽ "bỏ rơi" các đồng minh NATO của Mỹ trong trường hợp Nga tấn công, và rằng ông sẽ "khuyến khích" Nga "làm bất cứ điều gì họ muốn", hơn so với vấn đề về tuổi tác của đương kim Tổng thống.

Nhóm vận động tranh cử của ông Biden nêu chi tiết trong một thông cáo báo chí rằng, các chương trình chính trị trên các mạng truyền hình lớn đã dành 5 phút 52 giây cho các bình luận về NATO của ông Trump, so với 21 phút 14 giây về vấn đề độ tuổi của ông Biden. Gần đây, New York Times và Washington Post lần lượt đăng 11 và 10 bài về bình luận của ông Trump về NATO, nhưng có đến 30 và 33 bài về vấn đề độ tuổi của ông Biden.

Ông Trump, người từng có những tuyên bố "hớ hênh", hiện đã rất chọn lọc khi nói đến truyền thông. Ông thường xuyên trả lời phỏng vấn cho các cơ quan truyền thông cánh hữu không có đối thủ. Cuộc phỏng vấn của tòa thị chính ở Iowa vào tháng trước là cuộc phỏng vấn trực tiếp đầu tiên của ông Trump với Fox News sau gần 2 năm. Và ông cũng tổ chức các cuộc họp báo thoải mái sau nhiều lần xuất hiện tại phòng xử án.

Nhưng cựu Tổng thống Trump cố tình tránh né các mạng lưới và báo chí chính thống.

Việc ông Trump ứng cử tổng thống lần này cũng đặt ra một thách thức đối với chính giới truyền thông. Theo công ty theo dõi truyền thông mediaQuant, vào năm 2016, có rất nhiều tranh cãi về việc đưa tin liên tục về các cuộc vận động tranh cử và các dòng tin trên Twitter của ông Trump, vốn đã mang lại cho ông 5 tỷ USD tiền quảng cáo.

Kristen Welker, người dẫn chương trình Meet the Press của NBC, lập luận rằng đã có một số thay đổi quan trọng kể từ đó. "Ví dụ, vào năm 2016, bạn đứng trước ống kính, một dòng tin trên Twitter sẽ xuất hiện, bạn sẽ đọc nó 5 giây sau khi xuất hiện trên điện thoại", cô nói trong một cuộc thảo luận ở Washington.

"Chúng tôi giờ không còn làm điều đó nữa. Chúng tôi bắt kịp nhịp điệu, cho dù đó là một dòng tin trên Twitter, cho dù đó là một bài phát biểu, chúng ta có phát trực tiếp nó không, chúng ta có ghi lại và phát lại cũng như kiểm tra thực tế trong suốt quá trình tác nghiệp không? Tôi nghĩ đã có một số thay đổi về vấn đề đó", cô nói thêm.

Nhưng giờ đây người ta lo ngại các phương tiện truyền thông đang thay đổi quá mức bằng cách hầu như không đưa tin về các cuộc vận động tranh cử của ông Trump, một cách tiếp cận ẩn chứa những rủi ro riêng.

Một số nhà báo cảnh báo rằng, điều đó có thể có nghĩa là cử tri Mỹ đã bỏ lỡ những cái nhìn toàn diện về ứng viên Trump để quyết định xem có bầu chọn ông cho nhiệm kỳ tiếp theo hay không.

Chris Hayes, người dẫn chương trình của MSNBC, hồi tháng trước đã lập luận rằng, ông Trump đã được hưởng lợi "một cách sai lầm" khi các mạng lớn không còn phát trực tiếp các bài phát biểu của ông và bị mạng xã hội cấm. Ông nói: "Càng ít cử tri biết đến thì càng ít người ghét ông Trump", Hayes thừa nhận. Tuy nhiên, người dẫn chương trình này cảnh báo việc đưa tin nhiều hơn về ông Trump cũng chính là con dao hai lưỡi. 

Một số nhà phân tích kêu gọi giới truyền thông bớt tập trung vào "cuộc đua" truyền thống giữa các ứng viên mà tập trung nhiều hơn vào những hậu quả tiềm ẩn đối với nền dân chủ Mỹ.

Nhiều đảng viên Dân chủ vẫn hoang mang trước các cuộc thăm dò cho thấy ông Biden đang gặp nhiều khó khăn, bất chấp thực tế nền kinh tế tăng trưởng và những hiệu quả khác trong chính sách đối ngoại. Tổng thống Biden đang ngày càng tập trung vào việc tạo ra sự tương phản với người tiền nhiệm Trump, trong khi các nhà bình luận cảnh báo ông không nên đổ lỗi cho giới truyền thông.

Larry Jacobs, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị và Quản trị tại Đại học Minnesota, cho biết: "Đôi khi đổ lỗi cho truyền thông chỉ là tìm vật tế thần. Rốt cuộc, ông Biden chính là người đã khiến tổng thống Ai Cập và Mexico bối rối chứ không phải là phương tiện truyền thông".

Theo Guardian, NYT