1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Khoảnh khắc ngay trước khi binh sĩ Mỹ chạy qua biên giới Triều Tiên

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nhân chứng cung cấp bức ảnh cho thấy khoảnh khắc trước khi binh sĩ Mỹ Travis King vượt biên từ Hàn Quốc sang Triều Tiên khi đang tham quan khu vực biên giới giữa 2 nước.

Khoảnh khắc ngay trước khi binh sĩ Mỹ chạy qua biên giới Triều Tiên - 1

Binh sĩ Mỹ Travis King trước khi chạy qua biên giới Triều Tiên (Ảnh: Reuters).

Theo Reuters, nhân chứng Sarah Leslie đã chụp bức ảnh vào ngày 18/7, ngay trước thời điểm binh sĩ King vượt biên từ Hàn Quốc sang Triều Tiên. Cả Leslie và King đều tham gia một chương trình tham quan khu vực An ninh chung (JSA) ở khu phi quân sự (DMZ) tại biên giới liên Triều.  

Quân đội Mỹ sau đó xác nhận King chạy biên giới Triều Tiên "một cách có chủ ý và không được phép" và có thể đã bị Bình Nhưỡng giam giữ. Triều Tiên chưa lên tiếng về vụ việc.

Trước khi vụ vượt biên xảy ra, King từng bị giam giữ 2 tháng ở Hàn Quốc vì tội hành hung và đang trong quá trình chờ bị đưa về Mỹ.

Nhân chứng Leslie thừa nhận ban đầu cô cho rằng hành động vượt biên của King là không khôn ngoan và nghĩ đó là một trò đùa nhằm đăng lên mạng xã hội Tiktok.

Khi King chạy qua Triều Tiên, Leslie nghe thấy một quân nhân Mỹ đang tuần tra khu vực hô lớn: "Bắt lấy anh ta". Theo một nhân chứng khác, King dường như đã cười lớn trước khi băng qua đường biên giới.

Khoảnh khắc ngay trước khi binh sĩ Mỹ chạy qua biên giới Triều Tiên - 2

Binh sĩ Travis King (Ảnh: Facebook).

Phía Mỹ cho biết đang làm việc với các bên liên quan tới vụ vượt biên. Nhiệm vụ này được xem rất thách thức trong bối cảnh Mỹ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Triều Tiên. Thay vào đó, Đại sứ quán Thụy Điển tại Bình Nhưỡng đóng vai trò cơ quan liên lạc cho Mỹ.

Theo CNN, King được cho là binh sĩ Mỹ đầu tiên vượt biên sang Triều Tiên từ năm 1982. Động cơ của King vẫn là một bí ẩn. Mẹ của binh sĩ này, Claudine Gates, nói với ABC rằng bà bị "sốc" sau khi nghe tin con trai có hành động như vậy.

Theo giới quan sát, Triều Tiên có thể khai thác một số thông tin tình báo quân sự từ King. King chỉ là một sĩ quan cấp thấp và có thể sẽ không có quyền truy cập vào những nguồn thông tin cấp cao nhất. Tuy nhiên, King có thể nắm được thông tin về sơ đồ bố trí bên trong cơ sở quân sự Mỹ ở Hàn Quốc, lượng binh sĩ được triển khai...

Mặt khác, King, với tư cách là công dân và quân nhân Mỹ, có thể trở thành một "quân bài" thương lượng tiềm năng cho phía Triều Tiên để đổi lại một đề nghị nào đó.

Thêm vào đó, việc King vượt biên sang Triều Tiên cũng có thể được Bình Nhưỡng tận dụng cho mục đích tuyên truyền. 

Gần đây nhất, công dân Mỹ Bruce Byron Lowrance từng bị giam giữ sau khi vượt biên từ Trung Quốc sang Triều Tiên năm 2018. Bình Nhưỡng cáo buộc Lowrance làm việc cho CIA, nhưng đã thả người này sau khoảng một tháng với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Thụy Điển tại Triều Tiên.

Một vụ việc khác gây được sự chú ý lớn của truyền thông trong vài năm qua là vụ sinh viên Otto Warmbier bị bắt giữ khi đang du lịch Triều Tiên vào năm 2016. Otto bị cáo buộc có hành vi thù địch chống lại nhà nước Triều Tiên sau khi anh này xé tấm khẩu hiệu tuyên truyền của Bình Nhưỡng ở khách sạn mà anh lưu trú.

Otto đã nhận bản án 15 năm tù khổ sai và sau 17 tháng giam giữ, Triều Tiên đã phóng thích nam sinh viên về Mỹ tháng 6/2017 trong tình trạng hôn mê sâu. Khoảng một tuần sau đó, Otto qua đời với chẩn đoán bị "tổn thương não nghiêm trọng". Triều Tiên bác bỏ mọi cáo buộc nói rằng Otto đã bị ngược đãi. 

Theo Business Insider