DNews

Litva đề cao vai trò của Việt Nam trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương

An Bình

(Dân trí) - Ngoại trưởng Litva Gabrielius khẳng định, Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của nước này, đặc biệt là về thương mại, kinh tế và cơ hội đầu tư.

Litva đề cao vai trò của Việt Nam trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương

Nhân chuyến thăm Việt Nam kéo dài 2 ngày 25-26/10, Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis đã có cuộc trò chuyện với Dân trí về triển vọng hợp tác giữa hai nước.

Xin Bộ trưởng vui lòng chia sẻ đôi điều về chuyến thăm Việt Nam lần này?

Trước hết, cảm ơn các bạn đã cho tôi có cơ hội thực hiện cuộc trò chuyện này. Tôi đã có cuộc gặp rất tốt đẹp với Thủ tướng Phạm Minh Chính. Về phía tôi, đây là lần đầu tiên một bộ trưởng Litva thăm Việt Nam dù hai nước đã có quan hệ ngoại giao 30 năm. Vì vậy, chúng ta không chỉ có cơ hội nhìn lại con đường đã đi cùng nhau mà còn để xem có thể làm gì cùng nhau trong tương lai.

Với chúng tôi, điều thú vị nhất là Việt Nam có một chương trình rất tham vọng về số hóa, năng lượng xanh, sự độc lập về năng lượng và nhiều điều khác mà cả hai nước cùng coi trọng. Chúng tôi có thể chia sẻ kiến thức, chuyên môn, kinh nghiệm trong một số lĩnh vực nhất định mà các bạn có thể quan tâm.

Ngoại trưởng Litva chia sẻ về chuyến thăm Việt Nam

Theo Bộ trưởng, những lĩnh vực hợp tác nào mà hai nước rất có tiềm năng để cùng thúc đẩy trong thời gian tới?

Trước hết, đó sẽ là năng lượng. Litva đã theo đuổi con đường độc lập về năng lượng trong gần 2 thập niên, trong khi hầu hết các nước châu Âu đều phụ thuộc vào một nhà cung cấp khí đốt duy nhất, là Nga. Litva là một trong những quốc gia đầu tiên xác định rằng an ninh quốc gia đòi hỏi chúng tôi phải mở rộng số lượng quốc gia có thể mua khí đốt. Vì vậy, chúng tôi đã xây dựng một cảng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và tàu trên biển để có thể mua khí tự nhiên hóa lỏng qua đó. Vì vậy, chúng tôi đã có cảng này trong hơn một thập niên và là quốc gia đầu tiên trong khu vực có năng lực đó. Chúng tôi có thể chia sẻ kinh nghiệm về cách vận hành, cách thị trường hoạt động.

Chúng tôi biết Việt Nam đang triển khai một kế hoạch rất tham vọng về LNG, xây dựng các dự án mới, xây dựng năng lực mới để nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng. Đây là lĩnh vực mà tôi tin rằng chúng ta có chung lợi ích. Đây là lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai nước mà tôi tin sẽ có lợi cho cả hai quốc gia.

Litva đề cao vai trò của Việt Nam trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis chiều 25/10 (Ảnh: Nhật Bắc).

Litva là thành viên của Liên minh châu Âu, NATO, khối Schengen…, trong khi Việt Nam là thành viên của ASEAN, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... Vậy theo Bộ trưởng, làm thế nào để hai nước có thể khai thác các lợi thế của nhau để cùng nhau phát triển?

Chúng tôi tin rằng sự hợp tác là vô cùng quan trọng. Trong hàng trăm năm, lục địa châu Âu đã bị chia rẽ sâu sắc. Chúng tôi từng đối mặt với 2 cuộc chiến tranh lớn bắt đầu ở lục địa châu Âu. Liên minh châu Âu hiện bao gồm 27 quốc gia, vì vậy, việc trở thành thành viên của một nhóm nơi các nước hợp tác, trao đổi và tìm ra giải pháp với tư cách một khối là vô cùng quan trọng. Giờ đây chúng tôi có thể tạo cơ hội để các nước khác hợp tác với cả lục địa. Đây cũng là cách thức hoạt động của Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam, nghĩa là bạn chỉ cần có một hiệp định duy nhất và chia sẻ cơ hội hợp tác với 27 quốc gia trong Liên minh.

Tôi tin rằng điều này rất có lợi cho các bạn cũng như Litva. Chúng tôi nhận thấy, trong những thời điểm có thay đổi lớn về địa chính trị đang diễn ra ở lục địa châu Âu và các khu vực khác, chúng ta cần xây dựng quan hệ đối tác, tìm kiếm các đối tác mới. Có lẽ đây là lý do tại sao, trong 3 thập niên, có cảm giác rằng chỉ cần sống ở Việt Nam, gặp nhau ở New York, tại Liên hợp quốc trong những diễn đàn đa phương là đủ. Nhưng giờ đây chúng tôi tin rằng đã đến lúc cần xích lại gần nhau hơn và để xây dựng niềm tin mà hai nước đã có cho con đường phía trước.

Được biết Litva gần đây đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vậy xin ông cho biết Việt Nam có vai trò như thế nào trong chiến lược này?

Có điều hơi khác lạ là một quốc gia nhỏ như Litva, với dân số chỉ 2,8 triệu người, lại đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong khi đó, khu vực này là nhà của hàng trăm triệu người, nền kinh tế rất đa dạng và nhiều múi giờ, nhiều khu vực địa lý… Nhưng chúng tôi tin rằng đã đến lúc, đối với một nước thậm chí nhỏ như Litva, nơi chúng tôi không chỉ là quốc gia khu vực, sẽ phải vươn ra toàn cầu, bởi thế giới có sự kết nối chặt chẽ. Vì vậy, Litva đang mở rộng cánh tay và tăng cường các mối quan hệ đối tác mà chúng tôi có.

Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chúng tôi, đặc biệt là về thương mại, kinh tế và cơ hội đầu tư. Đây cũng là một trong những chủ đề chính mà tôi đã thảo luận trong các cuộc gặp với Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Litva đã trải qua nhiều thập niên chuyển đổi. Chúng tôi bắt đầu chuyển hướng từ nhiều thập niên trước khi giành được độc lập. Khi đó Litva không phải là đất nước giàu có nhưng chúng tôi muốn gia nhập EU, gia nhập NATO, vì thế chúng tôi đã phải chuyển mình rất nhiều. Và chúng tôi đã làm được điều đó.

Litva có thể chia sẻ kinh nghiệm vì nhiều quốc gia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng đang trải qua quá trình chuyển đổi to lớn, về kinh tế, khí hậu và nhiều lĩnh vực khác. Đây là nơi các mối quan hệ đối tác đang phát triển. Vì vậy, chúng tôi đưa nó vào một chiến lược tổng thể.

Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Litva có các nguyên tắc tương tự chiến lược của Liên minh châu Âu. Chúng tôi ủng hộ pháp quyền, quyền con người, cũng như các nguyên tắc nền tảng của xã hội. Litva chỉ điều chỉnh đôi chút để kết nối tốt hơn với các quốc gia ở Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương và tin rằng những kết nối này thực sự quan trọng.

Litva đề cao vai trò của Việt Nam trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương - 2

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Litva Gabrielius Landsbergis sáng ngày 25/10 (Ảnh: Phạm Hải).

Litva rất có thế mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. Ông đánh giá như thế nào về triển vọng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này?

Đây là một trong những lĩnh vực mà chúng tôi rất quan tâm. Như tôi đã đề cập ở trên, Litva từng trải qua quá trình chuyển đổi nặng nề và khá khó khăn, phải đuổi kịp các nước Tây Âu để trở thành thành viên tích cực. Và vì điều đó, chúng tôi tin rằng lĩnh vực công nghệ thông tin đã đóng vai trò rất quan trọng.

Bạn biết đấy, chúng tôi không có thời gian để trải qua các giai đoạn công nghiệp hóa, vì Litva là một nước rất nhỏ nhưng cởi mở. Vì vậy, chúng tôi không thể chờ đợi để xây dựng nhiều nhà máy, không thể chờ đợi mới bắt kịp phương Tây. Do đó, cần những lĩnh vực mới và sáng tạo, sẽ thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Công nghệ thông tin là một trong những lĩnh vực mà chúng tôi rất tự hào. Chủ đề này cũng là một phần các cuộc trao đổi của tôi hôm nay tại Hà Nội.

Một trong những vấn đề chúng tôi sẵn sàng là hợp tác giáo dục. Việt Nam có những kế hoạch đầy tham vọng trong lĩnh vực này và chúng ta có thể hợp tác, đặc biệt trong mảng giáo dục đại học. Các trường đại học tại Litva có thể tiếp nhận sinh viên từ Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ, y học, công nghệ thông tin. Tôi cho rằng đây là cũng là tín hiệu tốt cho sự hợp tác.

Litva đề cao vai trò của Việt Nam trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương - 3

Ngoại trưởng Gabrielius Landsbergis khẳng định Litva rất coi trọng vai trò của Việt Nam tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Ảnh: Mạnh Quân).

Với hầu hết người Việt Nam, Litva là đất nước ở khá xa. Người Litva cũng có thể cảm nhận về Việt Nam như vậy. Xin ông vui lòng chia sẻ một số cách thức để tăng cường sự hiện diện của Litva tại Việt Nam và thúc đẩy giao lưu nhân dân giữa hai nước?

Litva cách Việt Nam hơn 9.000km nhưng người Litva từ lâu đã biết đến Việt Nam là điểm đến du lịch. Họ đến thăm và yêu thích những bãi biển, yêu những thành phố và ẩm thực. Ngày càng nhiều người Litva chọn đến đây để nghỉ dưỡng.

Nhưng sẽ rất tuyệt vời nếu có thêm nhiều người từ Việt Nam đến thăm Litva với tư cách là một điểm đến, không chỉ dành cho giáo dục như tôi đã đề cập, mà còn là một địa điểm du lịch. Litva là đất nước rất nhỏ bên bờ biển Baltic, nơi có bốn mùa tuyệt vời. Bạn sẽ bắt gặp mùa thu cây cối thay lá, mùa đông rất lạnh và mùa xuân/hè tuyệt đẹp. Nó sẽ rất phù hợp cho những ai đang tìm kiếm các vùng khí hậu khác nhau, cơ hội khác nhau để trải nghiệm.

Chúng tôi cũng có lịch sử rất lâu đời, tương tự Việt Nam. Litva là một trong những quốc gia ở châu Âu được thành lập vào thời Trung cổ, có các vị vua và công tước, từng trải qua những giai đoạn lịch sử rất khó khăn cho đến khi trở thành quốc gia độc lập, cũng giống Việt Nam vậy.

Litva đề cao vai trò của Việt Nam trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương - 4

Ngoại trưởng Litva rất ấn tượng về chuyến thăm Việt Nam với tư cách là khách du lịch 5 năm trước (Ảnh: Mạnh Quân).

Ông vừa tiết lộ từng đến Việt Nam với tư cách là khách du lịch, vậy chuyến đi đó có những kỷ niệm nào đáng nhớ, thưa Bộ trưởng?

Tôi đã có dịp đến thăm Việt Nam cùng gia đình cách đây không lâu, 5 năm trước. Đó là chuyến đi dọc sông Mekong. Chúng tôi đã đi từ Campuchia tới Việt Nam. Một trải nghiệm rất đẹp, rất tuyệt. Tôi đã có cơ hội tìm hiểu về đất nước, đến thăm TPHCM và tìm hiểu về nền lịch sử phong phú và cả quá khứ chiến tranh. Với tư cách là người đã nghiên cứu lịch sử ở trường đại học thì đối với tôi, chuyến đi rất, rất thú vị.

Tôi cũng có cơ hội tiếp xúc, trò chuyện với mọi người. Tôi mong ước có cơ hội quay trở lại và du lịch nhiều hơn một chút.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.

Ngoại trưởng Litva kể về chuyến du lịch Việt Nam cùng gia đình

Trong cuộc tiếp Ngoại trưởng Litva chiều ngày 25/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị hai bên thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao, cũng như giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước nhằm tăng cường tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau, tạo nền tảng để thúc đẩy và mở rộng hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị Bộ trưởng Gabrielius Landsbergis chuyển lời mời thăm chính thức Việt Nam của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Tổng thống và Thủ tướng Litva.

Về kinh tế - thương mại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn hai bên khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp hai nước kết nối, tìm hiểu thị trường, cơ hội hợp tác phù hợp với tiềm năng và nhu cầu của nhau. Thủ tướng Chính phủ đề nghị Litva tạo thuận lợi cho các sản phẩm nông, lâm và thủy sản của Việt Nam, nhất là gạo và trái cây theo mùa có mặt ngày càng nhiều hơn trên thị trường Litva.

Trước đó, tại cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao 2 nước, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cảm ơn Litva đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định EVFTA và là một trong những quốc gia thành viên EU đầu tiên phê chuẩn Hiệp định EVIPA; đề nghị Litva đóng góp tiếng nói ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực hiện đầy đủ, nghiêm túc khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về phát triển nghề cá bền vững và thúc đẩy EC sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" (IUU) đối với hàng thủy sản Việt Nam.

Bộ trưởng Gabrielius Landsbergis đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng tại Đông Nam Á; đề nghị Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các mặt hàng nông nghiệp của Litva như thịt bò, gia cầm, trứng, phân bón.... vào thị trường Việt Nam.

Hai Bộ trưởng Ngoại giao cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, giáo dục - đào tạo, nông nghiệp, văn hóa - du lịch...

Nội dung: An Bình - Ảnh: Mạnh Quân

Video: Minh Quang - Đức Hoàng