1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lý do dàn "sát thủ vô hình" của Nga chật vật trước UAV giá rẻ Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Trong khi Ukraine tăng cường sản xuất UAV giá rẻ gây thiệt hại cho Nga, thì dàn khí tài tác chiến điện tử của Moscow thời gian qua lại chưa đánh chặn hiệu quả những vũ khí đơn giản của Kiev.

Lý do dàn sát thủ vô hình của Nga chật vật trước UAV giá rẻ Ukraine - 1

Một chiếc xe tăng Nga với thiết bị gây nhiễu Saniya trên tháp pháo (Ảnh: RIA).

Khi các đảng viên Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ bắt đầu chặn dự luật viện trợ cho Ukraine bắt đầu từ tháng 10/2023, Kiev đã mất đi một trong những nguồn đạn pháo chính.

Người Ukraine đã tìm cách thích nghi với tình hình, đẩy mạnh sản xuất dàn máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (UAV PFV). Đến tháng 12, Ukraine đã có thể chế tạo được khoảng 50.000 chiếc FPV mỗi tháng với chi phí vài trăm USD mỗi chiếc và cấu tạo đơn giản.

Với tầm tấn công vào khoảng hơn 3km, các UAV cỡ nhỏ này có thể lao vào các phương tiện của Nga, thậm chí đuổi theo và tấn công binh sĩ của Moscow.

Hiện thời, UAV FPV được cho là vũ khí gây sát thương nhiều nhất cho đối phương của Ukraine. Và Nga biết điều đó.

Không phải vô cớ mà Nga lắp đặt hàng loạt thiết bị gây nhiễu sóng vô tuyến lên các phương tiện. Về lý thuyết, thiết bị gây nhiễu sẽ chặn tín hiệu vô tuyến giữa UAV FPV và người điều khiển nó, khiến máy bay không người lái đi chệch hướng. Chúng được xem là "sát thủ vô hình" vì không bắn ra thuốc nổ nhưng có khả năng hạ gục vũ khí.

Tuy nhiên, vấn đề của Nga ở chỗ là các hệ thống tác chiến điện tử này hoạt động chưa hiệu quả trong thời gian qua. Thiết bị gây nhiễu chiến trường thế hệ đầu tiên, RP-377, chưa đạt hiệu suất cao khi ngăn chặn UAV FPV. Giờ đây, thiết bị gây nhiễu Volnorez thế hệ thứ 2 cũng chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.

Nga vẫn đang không ngừng cải tiến khí tài tác chiến điện tử. Một câu hỏi được đặt ra là liệu thiết bị gây nhiễu thế hệ thứ 3, Saniya, có thể cải thiện so với những thiết bị tiền nhiệm hay không. Đây là một câu hỏi mang tính sống còn đối với nhiều binh sĩ Nga ở Ukraine.

Khi UAV FPV thay thế pháo binh trở thành mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với lực lượng mặt đất của Nga vào cuối năm ngoái, quân đội Nga đã phản ứng bằng cách gắn vào các phương tiện bọc thép của mình bất kỳ thiết bị gây nhiễu sóng vô tuyến nào mà Moscow có trong tay.

Đầu tiên, Nga gắn lên dàn xe bọc thép thiết bị gây nhiễu cầm tay RP-377, vốn được Điện Kremlin phát triển để bảo vệ quân đội Moscow ở Syria khỏi bom phát nổ dùng sóng vô tuyến. Nga sở hữu lượng lớn RP-377 trong kho.

Chuyên gia UAV Ukraine Serhii Beskrestnov đã phân tích một hệ thống RP-377 mà Kiev tịch thu của Nga và kết luận khí tài này có khả năng đánh chặn chất lượng cao.

Tuy nhiên, nhược điểm của hệ thống này là tầm bảo vệ rất ngắn. RP-377 lấy năng lượng từ pin di động chứ không phải từ động cơ của xe. Vì vậy, khi RP-377 cố gắng gây nhiễu trên nhiều dải tần số, nó sẽ ngốn lượng điện rất lớn để vận hành. Điều đó dẫn tới, hệ thống này chỉ bảo vệ được phạm vi hẹp, vào khoảng vài chục mét trước khi UAV PFV của Ukraine lao vào mục tiêu.

Đây rõ ràng là điểm yếu trong khả năng gây nhiễu của Nga mà các binh sĩ vận hành UAV của Ukraine đã khai thác vào cuối năm ngoái và đầu năm nay.

Nga đã nhận ra vấn đề trên RP-377, và tung ra phiên bản thiết bị gây nhiễu thế hệ 2 mang tên Volnorez, với tầm bảo vệ khoảng 800m.

Tuy nhiên, nhược điểm của Volnorez là khả năng gây nhiễu của hệ thống này kém xa so với RP-377, Forbes dẫn lời một số blogger quân sự Nga nhận định khi mổ xẻ hệ thống mới.

Điểm yếu lớn nhất của Volnorez là nó tỏa nhiệt quá lớn. Vì vậy, ăng-ten của nó để lại một "vùng chết" theo hình nón phía trên thiết bị gây nhiễu. Ukraine có thể dò ra được "vùng chết" để tấn công hiệu quả hơn. 

Vì vậy, bây giờ người Nga đang thay thế Volnorez bằng các thiết bị gây nhiễu Saniya có phạm vi hoạt động gần 1,6km. Hiện vẫn chưa rõ hệ thống này sẽ hoạt động như thế nào.

Tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận là Nga là cường quốc trong tác chiến điện tử và Moscow có kỹ năng, kinh nghiệm trong việc phát triển các hệ thống gây nhiễu. Điều này dự kiến sẽ tạo ra cuộc chiến "mèo vờn chuột" khi các bên liên tục cải tiến công nghệ để đạt lợi thế so với bên còn lại. 

Theo Forbes
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine