1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lý do khiến thượng đỉnh Nga - Triều Tiên gây chú ý

Thanh Thành

(Dân trí) - Nhà lãnh đạo Nga và Triều Tiên dự kiến sẽ gặp nhau tại Vladivostok trong tuần này, đánh dấu hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nước kể từ năm 2019, giữa lúc quan hệ đang rất nồng ấm.

Lý do khiến thượng đỉnh Nga - Triều Tiên gây chú ý - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp nhau vào tháng 4/2019 (Ảnh: TASS).

Theo đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Kim Jong-un dự kiến sẽ gặp nhau bên lề Diễn đàn kinh tế phương Đông hàng năm tại thành phố cảng Vladivostok diễn ra trong thời gian 10-13/9.

Theo các nhà phân tích Hàn Quốc, hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo này có thể sẽ diễn ra vào ngày 13/9 tại thành phố xinh đẹp của nước Nga. Cuộc gặp này đánh dấu chuyến công du quốc tế đầu tiên của nhà lãnh đạo Triều Tiên kể từ khi áp đặt lệnh đóng cửa biên giới nghiêm ngặt vì đại dịch vào đầu năm 2020. 

Hội nghị thượng đỉnh lần này diễn ra sau nhiều tháng giới tình báo Mỹ nghi ngờ rằng, Triều Tiên có thể đang bán vũ khí cho Nga.

Theo các quan chức cấp cao của Mỹ, trong cuộc gặp lần này, cả hai dự kiến cũng sẽ thảo luận về các thỏa thuận vũ khí ngoài vấn đề nhân công lao động và lương thực thực phẩm.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) John Kirby cho biết, Nga và Triều Tiên đang đàm phán một thỏa thuận có thể nhằm tăng cường hợp tác, theo đó, "Moscow sẽ nhận được số lượng đáng kể và nhiều loại đạn từ Triều Tiên để sử dụng ở Ukraine".

Ngay trước thềm cuộc gặp, Mỹ cảnh báo về việc áp thêm các lệnh trừng phạt nếu Bình Nhưỡng cung cấp vũ khí cho Moscow.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho hay Washington sẽ tiếp tục quy trách nhiệm cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào giúp Nga trong cuộc chiến tại Ukraine.

"Tôi sẽ nhắc nhở cả hai nước rằng bất kỳ hoạt động chuyển giao vũ khí nào từ Triều Tiên sang Nga sẽ vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc", ông Miller nhấn mạnh trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng vào ngày 11/9.

Tuy nhiên, ông không nêu rõ liệu Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, Triều Tiên hay cả hai, mà nói rằng "đang theo dõi tình hình và sẽ chờ xem kết quả cuộc họp".

Trong khi đó, theo chuyên gia Sergei Markov nói, điều gây chú ý là cuộc gặp diễn ra giữa lúc chiến sự Ukraine đang diễn ra ngày càng khốc liệt và Nga cũng đang cần đạn dược cho chiến sự ở đây.

"Không ai ngờ đạn pháo lớn lại bị tiêu hao như vậy trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Và cuộc xung đột này cũng đã cho thấy rằng chúng ta cần vũ khí công nghệ cao ít hơn nhiều so với số lượng lớn vũ khí giá rẻ", ông nói.

Ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã tăng cường sản xuất đạn pháo trong năm nay và đang trên đà sản xuất 2,5 triệu quả đạn pháo, tăng so với 1,7 triệu quả của năm trước.

Tuy nhiên, ông Jack Watling, chuyên gia nghiên cứu cấp cao về chiến tranh trên bộ tại Viện Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia, một tổ chức tư vấn của Anh, cho biết nước này cũng dự kiến bắn 7 triệu quả đạn pháo trong năm nay. "Có một sự chênh lệch đáng kể giữa cung và cầu", ông nói.

Bruce Bechtol, chuyên gia về quân sự Triều Tiên và các vấn đề chống phổ biến vũ khí hạt nhân tại Đại học bang Angelo ở Texas, cho biết mối quan tâm đặc biệt của Nga là các hệ thống hỏa lực như pháo 152mm và các bệ phóng pháo phản lực phóng loạt 122mm và 107mm.

Ngoài ra còn có các loại vũ khí nhỏ khác, thậm chí cả xe tăng và xe bọc thép chở quân được thiết kế như thời Liên Xô, chuyên gia Bechtol nhận định.

Các chuyên gia cho rằng, Bình Nhưỡng có thể chú trọng đến vấn đề nhân công và nhập khẩu lương thực từ Nga. Triều Tiên đã nhập khẩu hàng nghìn tấn bột mì từ Nga trong năm nay và số lượng có thể tăng lên sau hội nghị thượng đỉnh.

"Nga có thể giúp Triều Tiên giảm bớt tình trạng thiếu lương thực bằng cách gửi thêm bột mì và các mặt hàng thực phẩm khác như sữa bột", chuyên gia Kang Dong-wan về Triều Tiên tại Đại học Dong-A ở Busan, Hàn Quốc nhận định.

Trích dẫn một cuộc họp ngắn của Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc vào tháng trước, nghị sĩ nước này Yoo Sang-bum cho rằng, Triều Tiên cũng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ công nghệ từ Nga để giúp phát triển các hệ thống vũ khí mới.

Mối quan hệ nồng ấm hơn

Khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, nhà lãnh đạo Triều Tiên công khai ủng hộ cũng như bày tỏ ủng hộ đối với việc các vùng lãnh thổ Ukraine sáp nhập vào với Nga.

Giáo sư Atsuhito Isozaki, chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Keio ở Nhật Bản, yếu tố thúc đẩy mối quan hệ nồng ấm hơn giữa Moscow với Bình Nhưỡng phần lớn là vì lý do an ninh.

"Đã có những khác biệt về quan điểm phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên với Trung Quốc, vì vậy việc dựa hoàn toàn vào mối quan hệ với Bắc Kinh ngày càng trở nên khó đoán định", ông Isozaki nói. Theo ông, "Nga sẽ đóng vai trò đối trọng với Trung Quốc" trong vấn đề Triều Tiên.

Mối quan hệ an ninh ngày càng phát triển giữa hai bên thể hiện rõ vào tháng 7, khi Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu tới Bình Nhưỡng, trở thành bộ trưởng quốc phòng Nga đầu tiên đến thăm Triều Tiên kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.

Trong chuyến thăm, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã cùng Bộ trưởng Shoigu tham quan một cuộc triển lãm quốc phòng trưng bày các tên lửa đạn đạo do Triều Tiên tự chế tạo.

Theo Washington Post