1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

NATO nỗ lực đưa quân tới Ukraine, ngăn Nga tiến công tốc lực

Thành Đạt

(Dân trí) - Mỹ và NATO tìm cách đưa lực lượng tới Ukraine để lấp đầy khoảng trống, trong khi Nga tăng cường tiến công trên khắp mặt trận.

NATO nỗ lực đưa quân tới Ukraine, ngăn Nga tiến công tốc lực - 1

Các phương tiện quân sự tham gia cuộc tập trận quân sự đa quốc gia của NATO tại một khu huấn luyện quân sự ở Lest, gần Zvolen, Slovakia ngày 25/4 (Ảnh: Reuters).

Theo Asia Times, NATO đang bắt đầu triển khai quân chiến đấu tới Ukraine. Binh sĩ từ Ba Lan, Pháp, Anh, Phần Lan và các thành viên NATO khác đang đến Ukraine với số lượng lớn hơn.

Mặc dù Nga cho biết có hơn 3.100 lính đánh thuê ở Ukraine, nhưng những đội quân mới đến này không phải là lính đánh thuê. Họ mặc đồng phục, quốc gia của họ được ghi trên phù hiệu. Họ chủ yếu tập trung ở phía tây Ukraine, mặc dù trong một số trường hợp, họ ở gần khu vực giao tranh thực sự ở phía đông.

NATO đưa ra thông báo rằng đây không phải là binh lính chiến đấu, mà họ xuất hiện ở Ukraine để vận hành các khí tài phức tạp của phương Tây. Nhưng nếu họ nổ súng vào phía lực lượng Nga, lời giải thích phù hợp duy nhất để lý giải cho sự hiện diện này là họ đang đóng vai trò tích cực trong cuộc chiến ở Ukraine.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Patrick Ryder ngày 26/4 cho biết bất kỳ cố vấn quân sự bổ sung nào của Mỹ, nếu được cử tới Ukraine, sẽ không được triển khai gần tiền tuyến.

"Họ chỉ đóng vai trò cố vấn. Họ chỉ chiếm con số rất nhỏ. Mỹ không có ý định tiến hành các hoạt động chiến đấu bên trong lãnh thổ Ukraine, cũng như các lực lượng này sẽ không có mặt ở bất kỳ đâu gần tiền tuyến", người phát ngôn nêu rõ.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rằng họ phản đối việc gửi binh lính NATO đến Ukraine. Tuy nhiên, ông Biden có thể đang chờ tái đắc cử trước khi ra lệnh cho lính Mỹ chiến đấu ở Ukraine. Việc thông qua dự luật viện trợ trị giá 60 tỷ USD gần đây cho Ukraine là tín hiệu cho thấy, Quốc hội Mỹ sẽ làm theo bất cứ điều gì mà chính quyền Biden muốn thực hiện để "chống lại Nga".

Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ lo ngại về việc Nga giành chiến thắng trong cuộc xung đột ở Ukraine. Điều này sẽ dẫn đến một bước thụt lùi lớn trong chiến lược an ninh của Mỹ và sẽ là một đòn giáng, thậm chí là "chí mạng", đối với NATO.

Quân đội Nga hiện nay có quy mô lớn hơn 15% so với thời điểm trước khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra. Nga cũng có nhiều kinh nghiệm hơn và Moscow đã tìm ra cách đối phó với các hệ thống công nghệ cao của Mỹ, chẳng hạn hệ thống gây nhiễu.

Trong khi đó, theo Asia Times, NATO được cho là vẫn "lép vế" hơn Nga về vũ khí, nhân lực và sức mạnh công nghiệp. Hơn nữa, kho dự trữ vũ khí của NATO cũng thấp và các thiết bị quốc phòng đã được gửi đến Ukraine, khiến lực lượng phòng thủ của NATO đang bị thiếu hụt.

Một quan điểm đang được cơ quan an ninh quốc gia Mỹ đồng thuận là Ukraine đang thua trong cuộc chiến với Nga và có khả năng phải đối mặt với sự sụp đổ của quân đội.

Theo một số báo cáo, một số lữ đoàn trong lực lượng vũ trang Ukraine được cho là đã từ chối mệnh lệnh từ chỉ huy của họ. Đây là những lữ đoàn quân đội hàng đầu, chứ không phải các đơn vị phòng thủ lãnh thổ.

Nga biết chuyện gì đang xảy ra và đang nhắm mục tiêu vào các lực lượng nước ngoài đồng thời tấn công các đơn vị chiến đấu của Ukraine, gây thương vong nặng nề. Nga cho biết Ukraine đã mất gần 500.000 quân trong cuộc chiến và con số bị hạ trong các cuộc giao tranh đang tăng lên hàng ngày.

Ukraine đang nỗ lực tìm kiếm tân binh và đang nhận được sự giúp đỡ từ các quốc gia, nơi những người tị nạn Ukraine trong độ tuổi nhập ngũ đang ẩn náu. Lithuania đang lên kế hoạch đưa những người đàn ông Ukraine trong độ tuổi nhập ngũ về nước. Ba Lan cũng có kế hoạch này.

Một báo cáo về việc đào tạo phi công Ukraine lái máy bay chiến đấu F-16 cũng được hé lộ. Theo một số sĩ quan phương Tây hợp tác với Ukraine, tiến trình huấn luyện phi công Ukraine lái F-16 vẫn chưa thành công sau một năm thực hiện. Rào cản ngôn ngữ và việc các phi công không quen với các hệ thống và chiến thuật tác chiến của phương Tây đã làm chậm quá trình huấn luyện.

Để tránh kịch bản bất lợi, kế hoạch của NATO dường như nhằm lấp đầy những khoảng trống trong lực lượng Ukraine bằng cách đưa các "cố vấn" quân sự tới Ukraine, chờ đợi Mỹ đưa binh lính tham chiến sau cuộc bầu cử vào tháng 11. Nga biết điều này và đang chạy đua nhằm cố gắng đánh bại quân đội Ukraine trước khi Tổng thống Biden trở lại nắm quyền.

Nếu Nga thành công, một cuộc chiến tranh quy mô lớn hơn ở châu Âu sẽ tránh được. Nếu không, với sự tham gia của lực lượng Mỹ, châu Âu có nguy cơ rơi vào Thế chiến ba, theo Asia Times.

Theo Asia Times