1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga giáng đòn đáp trả, tấn công dồn dập Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Lực lượng Nga đã tiến hành hàng loạt cuộc tấn công tầm xa vào các mục tiêu ở Ukraine để đáp trả các đòn tập kích của Kiev.

Nga giáng đòn đáp trả, tấn công dồn dập Ukraine - 1

Một vụ phóng tên lửa đạn đạo Iskander (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).

Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng vũ trang nước này đã tiến hành 34 cuộc tấn công tầm xa vào các mục tiêu ở Ukraine kể từ ngày 13/4.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, các cuộc tấn công được thực hiện "để đáp trả những nỗ lực của chính quyền Kiev nhằm gây thiệt hại cho các cơ sở công nghiệp và năng lượng của Nga". Tên lửa của Nga được phóng từ các bệ phóng trên mặt đất, trên không và trên biển cũng như máy bay không người lái.

Bộ Quốc phòng Nga xác nhận, các cuộc tấn công của Moscow đã nhắm mục tiêu vào "các cơ sở công nghiệp năng lượng, cơ sở công nghiệp quân sự, cơ sở hạ tầng đường sắt, hệ thống phòng không, kho vũ khí và cơ sở dự trữ nhiên liệu" được quân đội Ukraine sử dụng.

"Thiệt hại cũng xảy ra đối với các trung tâm huấn luyện người điều khiển máy bay không người lái và các địa điểm nơi quân đội Ukraine, đội quân theo chủ nghĩa dân tộc và lính đánh thuê nước ngoài đóng quân", Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm.

Vào tháng 1, Ukraine bắt đầu thường xuyên phóng máy bay không người lái tự sát tầm xa vào các nhà máy lọc dầu và các cơ sở năng lượng quan trọng khác nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Việc Ukraine thay đổi chiến thuật khi tập kích các mục tiêu trong lãnh thổ Nga được cho là đã gây ra căng thẳng giữa Kiev và Mỹ.

Theo truyền thông phương Tây, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden lo ngại việc sản xuất nhiên liệu của Nga sụt giảm nghiêm trọng sẽ gây ra hiệu ứng lan truyền trên thị trường dầu mỏ toàn cầu và khiến giá xăng dầu ở Mỹ tăng vọt, từ đó có khả năng làm suy yếu cơ hội tái đắc cử của ông Biden trong cuộc bầu cử vào tháng 11.

Trong tháng này, Nga bắt đầu tấn công các cơ sở sản xuất điện của Ukraine, mục tiêu mà trước đó Moscow đã bỏ qua khi làm gián đoạn nguồn cung cấp điện của Kiev. DTEK, công ty tư nhân sở hữu hầu hết các nhà máy nhiệt điện ở Ukraine, cho biết khoảng 80% công suất của họ đã bị vô hiệu hóa. Moscow cũng tấn công một số nhà máy thủy điện của Ukraine, làm hư hại các thiết bị cần thiết cho hoạt động của các nhà máy này.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 19/4 cho biết, Nga đã phá hủy hầu hết các nhà máy nhiệt điện của Ukraine trong thời gian qua. Ông cảnh báo nguy cơ Nga có thể tấn công cơ sở hạ tầng của các nhà máy điện hạt nhân Ukraine trong thời gian tới và đề nghị phương Tây viện trợ thêm cho Kiev các hệ thống phòng không hiện đại.

Hôm 8/4, Bộ trưởng năng lượng Ukraine German Galushchenko cho biết Nga đã tấn công tới 80% các nhà máy điện than và khí đốt và một nửa các nhà máy thủy điện của Ukraine trong những tuần gần đây.

Đây được xem là đợt tấn công dữ dội nhất của Nga vào cơ sở năng lượng Ukraine kể từ khi chiến sự giữa 2 nước bùng phát vào tháng 2/2022. Trong những ngày qua, Nga vẫn tiếp tục thực hiện các vụ tấn công vào nhà máy điện của Ukraine.

Moscow đã tiến hành các cuộc tấn công gần như hàng ngày vào lưới điện của Ukraine kể từ cuối tháng 3, gây mất điện diện rộng ở thành phố Kharkov tại phía đông bắc.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước cho biết chính phủ của ông đã hạn chế các cuộc tấn công như vậy trong mùa đông vì lý do nhân đạo, nhưng việc trả đũa là không thể tránh khỏi do các hành động của Kiev.

Các quan chức Ukraine đã kêu gọi các nhà tài trợ vũ khí phương Tây cung cấp thêm hệ thống phòng không để giúp Kiev đối phó với tình hình xung đột leo thang.

Theo RT