1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nỗi lòng của "Thế hệ lửa" Ukraine: Phải sống sót trước, tính tương lai sau

Nguyễn Bình

(Dân trí) - Những người Ukraine sống sót, cho dù họ đã chiến đấu trên chiến trường hay phải chịu đựng nỗi kinh hoàng thời chiến với tư cách là thường dân, đều đoàn kết lại bằng kinh nghiệm tập thể của họ.

Nỗi lòng của Thế hệ lửa Ukraine: Phải sống sót trước, tính tương lai sau - 1

Lực lượng quân y Ukraine sơ tán một binh sĩ bị thương khỏi tiền tuyến gần Bakhmut ngày 23/3/2023 (Ảnh: AFP).

"Hai năm vừa qua đã trôi qua. Thật khó để theo kịp mọi thứ đã xảy ra, vì vậy tôi vẫn chưa thể hình dung được mình nhớ nhà đến mức nào", Larysa, một thanh niên Ukraine 18 tuổi sống ở Vienna (Áo) kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột với Nga, chia sẻ cùng Kyiv Independent.

Cuộc chiến khốc liệt đã buộc người Ukraine trong độ tuổi từ 18-25 phải đưa ra những lựa chọn khó khăn, đôi khi làm thay đổi cuộc sống vào thời điểm mà lẽ ra họ phải tận hưởng sự khởi đầu tuổi trưởng thành.

Nếu họ không ở nước ngoài để cố gắng hòa nhập vào một nền văn hóa nước ngoài, thì họ đang cố gắng tiếp tục cuộc sống bình thường ở Ukraine, hoặc trong các trường hợp khác, là ở tiền tuyến.

Có sự tương đồng trong cuộc xung đột hiện nay với sự khủng khiếp thời Thế chiến thứ nhất khiến người ta dễ so sánh những người trẻ Ukraine với cái gọi là "Thế hệ đã mất" xuất hiện ở nửa đầu thế kỷ 20. Nhưng thuật ngữ "mất" có thể gây hiểu nhầm đôi chút.

Trong trường hợp này, có lẽ sẽ phù hợp hơn nếu gọi biệt danh được dùng cho nhóm này ở Pháp vào cuối những năm 1920 là: Thế hệ lửa. Những người sống sót, cho dù họ đã chiến đấu trên chiến trường hay phải chịu đựng nỗi kinh hoàng thời chiến với tư cách là thường dân, đều đoàn kết lại bằng kinh nghiệm tập thể của họ.

Các cuộc trò chuyện với "Thế hệ lửa" Ukraine, những người trưởng thành trong suốt thập kỷ có khúc mắc và xung đột với Nga, cho thấy họ hiểu rõ như lòng bàn tay về những gì mà họ phải đối mặt, bất chấp một vài khoảnh khắc tuyệt vọng hoặc gần như vỡ mộng.

Nhưng dù họ ở nước ngoài, ở quê nhà hay chiến đấu ở tiền tuyến, nhiều thanh niên Ukraine đều muốn đạt được những điều vĩ đại không chỉ mang lại lợi ích cho họ mà còn cho tương lai của Ukraine.

"Một ngày nào đó tôi sẽ trở lại Ukraine"

Trước khi cuộc xung đột với Nga bùng nổ, Larysa đã lên kế hoạch học y khoa tại thành phố quê hương Chernivtsi. Cô nói: "Tôi từng suy nghĩ rất nhiều về những hy vọng và ước mơ cho tương lai. Bây giờ tôi không biết phải mong đợi điều gì".

Ý nghĩ rời đi ban đầu không xuất hiện trong đầu cô - giống như bất kỳ thanh niên bình thường nào - cô muốn học xong và dành thời gian cho bạn bè. Nhưng sau đó gia đình đã thuyết phục cô rời đi vào tháng 3/2022 và cùng mẹ cô đến Vienna, người đã ở đó để làm việc.

Nỗi lòng của Thế hệ lửa Ukraine: Phải sống sót trước, tính tương lai sau - 2

Một thanh niên Ukraine nhìn ra ngoài cửa sổ trên một chuyến tàu hỏa di tản sang Ba Lan (Ảnh: AFP).

Chernivtsi từng là một phần của Đế quốc Áo-Hung, vì vậy phong cách kiến trúc tương tự ở Vienna gợi nhớ về quê hương. Nhưng những rào cản về ngôn ngữ và văn hóa trong vài tháng đầu tiên ở Áo khiến Larysa khó hòa nhập.

Cô cho hay, nói chuyện với những thanh niên Ukraine khác "là một trong những điều giúp tôi tỉnh táo". "Tôi thậm chí còn không nhớ liệu chúng tôi có cuộc trò chuyện nào không bắt đầu từ chiến tranh hay không. Đó chủ yếu là một dạng liên kết tổn thương nào đó khi tất cả chúng tôi chỉ ôn lại trải nghiệm cá nhân vào buổi sáng khủng khiếp đó (ngày 24/2/2022 khi chiến sự bùng nổ)".

Chiến tranh luôn tồn tại bên lề cuộc sống hàng ngày với thế hệ trẻ của cô. Larysa không nhớ rõ tất cả những sự kiện cách đây một thập niên nhưng có một số khoảnh khắc vẫn còn in sâu trong ký ức, như khi cô giúp mẹ nướng hàng trăm chiếc bánh nướng nhỏ để gây quỹ cho những người lính Ukraine đang chiến đấu ở phía đông.

Cô nói: "Tôi cảm thấy tự hào về bản thân ngày hôm đó. Tôi hiểu rằng tôi đã làm điều gì đó để giúp đỡ người khác".

Larysa đang trong quá trình hoàn thành khóa học bằng tiếng Đức và vật lý, với kế hoạch bắt đầu học đại học ở Vienna. Cô hy vọng sẽ sử dụng kiến thức thu được ở nước ngoài để tạo ra tác động tích cực khi trở về Ukraine, nhưng hiện tại, tương lai trước mắt của cô nằm ngoài biên giới nước này.

"Một ngày nào đó tôi sẽ trở lại Ukraine", Larysa nói. "Tôi muốn làm phần việc của mình để đảm bảo đất nước tôi độc lập và các thế hệ người Ukraine tương lai không có lý do gì để rời đi. Tôi muốn họ tự hào rằng họ là người Ukraine".

"Thế hệ chúng tôi sẽ phải xây dựng lại đất nước"

Những năm đại học của một người thường được nhìn lại một cách trìu mến như một khoảng thời gian khám phá bản thân, đánh dấu bước chuyển sang tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, nhiều thanh niên Ukraine trong độ tuổi 18-25 đã bị tước đi trải nghiệm này, đầu tiên là do đại dịch Covid-19, sau đó là do chiến sự với Nga.

Những người không trốn khỏi đất nước cùng gia đình hoặc gia nhập Lực lượng vũ trang Ukraine sau ngày 24/2/2022, thấy mình đang thực hiện một nhiệm vụ dường như bình thường - hoàn thành chương trình học đại học - trong những hoàn cảnh đặc biệt.

Mối quan tâm chính của sinh viên đại học lý tưởng nhất là xoay quanh những thứ như thành tích học tập, đảm bảo thực tập hoặc có các mối quan hệ lãng mạn. Nhưng kể từ khi bắt đầu cuộc chiến, nhiều người trong số họ cũng phải lo lắng về việc sống sót.

Kateryna, một sinh viên 21 tuổi đang hoàn thành chương trình học đại học tại Đại học Quốc gia Kharkov, nói với Kyiv Independent: "Cuộc chiến chắc chắn đã gây ra tổn thương to lớn cho tôi và những người trẻ khác ở độ tuổi của tôi... Thật đáng sợ khi nghĩ về tương lai".

Nỗi lòng của Thế hệ lửa Ukraine: Phải sống sót trước, tính tương lai sau - 3

Hai người phụ nữ Ukraine ôm chặt nhau sau khi chuyến tàu của họ sơ tán từ Ukraine sang Đức tháng 3/2022 (Ảnh: Getty Images).

Các bài học tại Đại học Quốc gia Kharkov - một trong những cơ sở giáo dục hàng đầu của Ukraine - hiện chủ yếu được tổ chức trực tuyến vì lý do an ninh. Kharkov thường xuyên là mục tiêu của các cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV do nằm gần biên giới Nga.

Theo Kateryna, mặc dù các bài học trực tuyến là giải pháp thay thế khả thi nhất trong những hoàn cảnh đầy thách thức như vậy, nhưng chúng lại là một "hạn chế đáng kể" đối với cả học sinh và giáo viên.

Cô nói: "Nhiều người trong chúng tôi thiếu động lực học tập, vì chúng tôi nhận thấy mình trở thành những con người khác không còn phù hợp với chuyên ngành mà chúng tôi đã chọn theo đuổi ban đầu".

Điều này cũng khiến một số sinh viên đánh giá lại các ưu tiên của họ khi phải lựa chọn giữa công việc và học tập hoặc quyết định theo đuổi một con đường sự nghiệp khác với con đường mà họ đã chọn ban đầu.

Cuộc sống hàng ngày vẫn tiếp diễn nhiều nhất có thể đối với các sinh viên đại học ở Kharkov, nhưng như Kateryna lưu ý, việc học tập và giao tiếp xã hội hiện nay thường diễn ra trong bối cảnh bị Nga tấn công liên tục và cái chết của những người quen, bạn bè hoặc những người thân yêu.

Bất chấp những khó khăn mà người dân Kharkov phải đối mặt, Kateryna không thể tưởng tượng được việc phải rời nhà. Cô nói: "Tôi thực sự muốn ở lại và sống ở quê hương".

Hướng về phía tây đến các thành phố như Chernivtsi, sinh viên đại học không phải sống với mối đe dọa trực tiếp từ pháo kích như các bạn cùng lứa ở Kharkov. Nhưng bóng ma chiến tranh vẫn là một nhân tố quan trọng trong cuộc sống của họ, đặc biệt là đối với những chàng trai trẻ.

Serhiy, 21 tuổi đến từ Chernivtsi, nghĩ đến việc học cao học khi còn đang học năm cuối chương trình đại học và lấy bằng tốt nghiệp ngay cả trước cuộc xung đột nổ ra. Nhưng bây giờ anh thấy mình đang theo dõi chặt chẽ các cuộc thảo luận liên quan đến việc hoãn nhập ngũ đối với những người muốn học cao hơn.

Nam thanh niên dưới 25 tuổi chưa qua huấn luyện quân sự hiện không bị điều động. Serhiy và những người bạn đã từng bị các sĩ quan nhập ngũ chặn lại trên đường trước đây, nhưng họ có thể tránh bị đưa đến văn phòng nhập ngũ ngay khi xuất trình bằng chứng tài liệu rằng họ là sinh viên.

Đồng thời, họ hiểu rằng đã hai năm trôi qua kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga bắt đầu và không có dấu hiệu rõ ràng nào về việc khi nào tất cả những điều này sẽ kết thúc. Họ sẽ không phải là sinh viên mãi mãi.

"Thế hệ của chúng tôi sẽ phải xây dựng lại đất nước", Serhiy nói với Kyiv Independent.

"Đó là lý do tại sao, theo quan điểm của tôi, nhà nước cần tập trung vào việc bảo vệ những người trẻ tuổi tốt hơn vì việc di cư từ Ukraine vẫn là một vấn đề lớn. Tình hình nhân khẩu học chỉ trở nên tồi tệ hơn do chiến tranh, khiến những người trẻ hiểu biết càng trở nên có giá trị hơn (đối với tương lai của Ukraine) mỗi ngày trôi qua".

Không ai trong vòng quan hệ xã hội trực tiếp của Serhiy đã nhập ngũ. Họ đang cố gắng tập trung vào việc thực tập và chuẩn bị học cao học nhưng chiến tranh vẫn là chủ đề thường xuyên xuất hiện trong các cuộc trò chuyện của họ. Anh cho biết anh và bạn bè luôn cố gắng quyên góp cho các quỹ tình nguyện khi có thể và luôn cập nhật tin tức từ tuyến đầu.

Đôi khi họ cũng gặp khó khăn trong việc hiểu và duy trì mối quan hệ với những người trẻ đã rời bỏ đất nước mà họ biết.

Anh nói: "Thật khó để nghĩ rằng một số đồng nghiệp của bạn đang ở nước ngoài và sống cuộc sống - đôi khi chỉ cách đó vài trăm km - mà không có cùng thực tế chiến tranh".

Nhưng Serhiy thừa nhận rằng ở Chernivtsi họ an toàn hơn nhiều so với các vùng khác của Ukraine. Serhiy có những người bạn khác ở những vùng nguy hiểm hơn, như Odessa gần đó. Anh ấy luôn cố gắng kiểm tra họ khi có tin tức về các cuộc tấn công bằng tên lửa hoặc UAV.

"Đây là số phận mà chúng tôi đã phải gánh chịu và chúng tôi hiểu rằng chúng tôi phải làm mọi thứ có thể để các thế hệ người Ukraine tương lai không phải trải qua những khó khăn tương tự", anh nói.

Nỗi lòng của Thế hệ lửa Ukraine: Phải sống sót trước, tính tương lai sau - 4

Giáo viên quốc phòng kiểm tra vũ khí trang bị trên một thanh niên Ukraine trong bài giảng quân sự tháng 7/2023 ở Zaporizhia (Ảnh: Getty Images).

Sống sót trước, lên kế hoạch cho tương lai sau

Ngay từ khi còn trẻ, một số người Ukraine đã "hiểu rất rõ người Nga là ai và họ muốn gì ở chúng tôi", một người điều khiển UAV 21 tuổi có biệt danh là Kesha nói với Kyiv Independent.

"Gần đến khoảng 13, 14 tuổi, tôi nhận ra rằng mình sẽ phải phục vụ trong quân đội, thậm chí có thể phải cầm vũ khí và chiến đấu".

Theo Kesha, người gốc vùng Kiev, anh đã bắt đầu chuẩn bị về thể chất và tinh thần cho kết quả này từ nhiều năm trước bằng cách tham gia các buổi đào tạo và diễn tập y tế.

Khi chiến sự nổ ra, Kesha gia nhập Lực lượng Vũ trang Ukraine. Nhiều bạn bè và bạn cùng lớp của anh cũng làm như vậy, nhưng khi cuộc chiến tàn khốc ở Nga bước sang năm thứ ba, "không còn lại bao nhiêu người nữa", anh nói.

Một bác sĩ quân y 23 tuổi có biệt hiệu là Dok cũng đã tận mắt chứng kiến việc chiến đấu ở tiền tuyến đã thay đổi cuộc sống của bạn bè và bạn cùng lớp của anh như thế nào. Nhiều người trong số họ đã bị giết, bị thương nặng hoặc bị bắt làm tù binh.

"Thành thật mà nói, tôi không thực sự muốn gặp những người trẻ ở độ tuổi của tôi ở đây", anh nói. "Thật khó để chứng kiến một người nào đó ở độ tuổi 20 bị mất chân tay hoặc tệ hơn. Họ có thể đã có cả cuộc đời phía trước", Dok nói.

Mặt khác, Kesha chỉ ra sự thiếu hụt của thế hệ trẻ ở tiền tuyến, nhấn mạnh tiềm năng của họ để "hoàn thành nhiều hơn" so với những người lính lớn tuổi.

"Tôi chỉ muốn biết rằng (những người trẻ khác) quan tâm đến chúng tôi", anh nói thêm.

Bất chấp tác động không thể phủ nhận của tất cả những điều này đối với sức khỏe tinh thần của họ, họ vẫn kiên trì. Không có cách nào khác. Cuộc sống mà họ trì hoãn đang chờ đợi họ ở quê nhà, mặc dù họ không chắc chắn về cuộc sống dân sự sẽ như thế nào khi nghĩa vụ quân sự của họ kết thúc.

"Tôi muốn làm gì (sau chiến tranh)? Tôi không biết… có lẽ tôi sẽ đi biển trước, rồi xem cuộc sống mang lại điều gì", Dok nói. "Tất nhiên tôi muốn lập gia đình nhưng hiện tại đó chỉ là giấc mơ. Tôi đang tập trung vào nhiệm vụ trước mắt và chúng ta sẽ xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo".

Kesha nói rằng anh muốn "sống yên bình và tĩnh lặng trong một ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô thành phố" với vợ con vào một ngày nào đó. "Nhưng đó là chuyện sau, sau chiến thắng… tôi phải sống sót trước đã. Và thậm chí điều đó cũng không dễ dàng như vậy".

Theo Kyiv Independent
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine